|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tổng thống Biden có thể làm được những gì khi Thượng viện chia rẽ 50-50?

13:07 | 22/01/2021
Chia sẻ
Sau chiến thắng của hai thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ tại bang Georgia, Thượng viện Mỹ rơi vào thế giằng co với số nghị sĩ Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều là 50. Vậy, tỷ lệ này có ý nghĩa gì với Tổng thống Joe Biden?

Sau khi hai thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Raphael Warnock và Jon Ossoff chiến thắng cuộc chạy đua vào Thượng viện Mỹ hồi đầu tháng 1, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều có 50 ghế tại Thượng viện.

Phó Tổng thống Kamala Harris là Chủ tịch Thượng viện và có tiếng nói quyết định trong các cuộc bỏ phiếu nếu kết quả hòa.

Song, ở thời điểm đầu tháng 1, Washington hầu như không có thời gian để xác định tác động của diễn biến mới tại Thượng viện. Chỉ vài giờ sau khi có kết quả bầu Thượng viện, đám đông người ủng hộ ông Trump đã xông vào Điện Capitol và đẩy nước Mỹ vào hỗn loạn.

Thế cân bằng bất ngờ tại Thượng viện có ảnh hưởng đáng kể đến tân Tổng thống Joe Biden, quan trọng nhất là giúp ông xác nhận các đề cử nội các. Song, con đường phía trước cho các kế hoạch lập pháp tham vọng của ông vẫn còn rất phức tạp và mờ mịt.

Đảng Cộng hòa tại Thượng viện vẫn có thể chặn đứng hầu hết các đề xuất của ông Biden, như cách họ từng cản trở các nỗ lực lập pháp của cựu Tổng thống Barack Obama.

Tuy nhiên, tỷ lệ 50-50 tại Thượng viện cho phép chính quyền ông Biden thông qua các chính sách đặc biệt mà phe đối lập không thể dùng thủ tục "được nói đến khi kiệt sức" (filibuster) để ngăn cản. Tỷ lệ này cũng là động lực để thông qua đề xuất cứu trợ 1.900 tỷ USD mà ông Biden công bố hồi tuần trước.

Tỷ lệ 50-50 tại Thượng viện Mỹ mang hàm ý gì cho tân Tổng thống Biden? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: CNN.

AP đã tổng hợp các điểm lợi - hại mà ông Biden có khi Thượng viện Mỹ đạt thế cân bằng như hiện tại:

Lợi

Đề cử nhân sự

Đảng Dân chủ sẽ nắm quyền chủ tịch các ủy ban tại Thượng viện và chỉ cần đa số phiếu để xác nhận các đề cử nhân sự. Do đó, ông Biden giờ đây có thể yên tâm về những đề cử nội các và lựa chọn tư pháp của mình, bao gồm cả các thẩm phán cho Tòa án Tối cao.

Điều đó cũng có nghĩa là những lựa chọn gây tranh cãi như bà Neera Tanden, đề cử của ông Biden cho vị trí Giám đốc Cơ quan Quản lý Hành chính và Ngân sách, có thể sẽ được xác nhận. Trong quá khứ, bà Tanden từng rất tích cực chỉ trích và phê phán các đảng viên Cộng hòa.

Đảng Cộng hòa tại Thượng viện có thể gây trở ngại nhưng không thể bác bỏ các đề cử của ông Biden.

Quy trình điều chỉnh ngân sách

Đảng Dân chủ cũng có cơ hội thông qua các dự luật đặc biệt liên quan đến ngân sách nhờ đạt được đa số phiếu bầu tại Thượng viện. Chính quy trình này đã cho phép ông Obama hoàn thành đạo luật chăm sóc sức khỏe Obamacare năm 2010 hoặc giúp ông Trump thông qua đạo luật đại tu thuế năm 2017.

Ông Biden có thể sử dụng quy trình điều chỉnh ngân sách trên để thông qua các yếu tố gây tranh cãi trong gói cứu trợ tài khóa 1.900 tỷ USD chỉ với phiếu bầu của các thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ, hoặc bãi bỏ một số mức cắt giảm thuế của ông Trump hoặc mở rộng chương trình chăm sóc y tế liên bang.

Thiết lập chương trình nghị sự

Lãnh đạo đa số Thượng viện Chuck Schumer sẽ có cơ hội đưa ra các dự luật và buộc Thượng viện bỏ phiếu. Điều này có thể cho phép chính phủ thông qua khoản cứu trợ COVID-19 bằng tiền mặt 2.000 USD/người và các khoản kích thích tài khóa khác.

Ngoài ra, ông Schumer còn có thể mở các cuộc tranh luận về những vấn đề như cải cách hệ thống cảnh sát, nhập cư và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc thông qua các dự luật như vậy sẽ cần sự ủng hộ của các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa.

Hại

Khó loại bỏ thủ tục "filibuster"

Từ trước cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 11 năm ngoái, Đảng Dân chủ đã muốn loại bỏ thủ tục "filibuster" (phản biện liên tục kéo dài để ngăn thông qua một dự luật) tại Thượng viện. Đảng Cộng hòa cáo buộc Đảng Dân chủ sẽ tự tiện thêm thẩm phán vào Tòa án Tối cao hoặc biến các địa phương trung thành với Đảng Dân chủ như thủ đô Washington thành một bang.

Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ có tư tưởng ôn hòa Joe Manchin cho biết ông sẽ chặn mọi nỗ lực nhằm loại bỏ thủ tục "filibuster", do đó các thượng nghị sĩ có tư tưởng cấp tiến trong Đảng Dân chủ có thể chỉ đang lãng phí thời gian cho chủ đề này.

Khó thống nhất lưỡng đảng

Việc một đảng kiểm soát cả Nhà Trắng lẫn hai viện Quốc hội gần như chắc chắn luôn làm cho hai đảng thêm chia rẽ.

Các sự kiện gần đây như việc Quốc hội thông qua được gói cứu trợ COVID-19 bổ sung 900 tỷ USD hay đồng thuận bác quyền phủ quyết đạo luật chi tiêu quốc phòng của ông Trump là bằng chứng cho thấy lưỡng đảng đồng lòng có thể tạo ra kết quả tốt.

Tuy nhiên, các vấn đề như nâng trần nợ công lại ngay lập tức khiến lưỡng đảng chia rẽ. Ngoài ra, nhiều nghị sĩ Cộng hòa muốn tranh cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2022 hoặc tranh cử tổng thống năm 2024 sẽ cố tình công kích và bôi xấu ông Biden cũng như Đảng Dân chủ tại Quốc hội.

Khó ưu tiên các ý tưởng cấp tiến

Tỷ lệ cân bằng tại Thượng viện và Đảng Dân chủ chỉ có ưu thế nhỏ tại Hạ viện sẽ cho các nghị sĩ Đảng Dân chủ cơ hội ngăn cản các đề xuất chính sách không phù hợp. Điều đó có nghĩa là những ý tưởng bất khả thi như "Medicare for All" (bảo hiểm y tế cho tất cả mọi người) hay "Green New Deal" (Chính sách kinh tế mới xanh) sẽ không trở thành trọng tâm ưu tiên của ông Schumer và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.

Theo thời gian, việc này có thể khiến các nghị sĩ theo chủ nghĩa tự do thất vọng và khiến họ gây trở ngại liên quan đến các dự luật mà trên thực tế có thể thông qua như chi tiêu cơ sở hạ tầng hoặc các đề xuất điều chỉnh ngân sách.

Yên Khê