Toàn văn bài phát biểu nhậm chức của Tổng thống Joe Biden
Dưới đây là toàn văn bài phát biểu nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden do chúng tôi biên dịch lại:
Kính thưa Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts, Phó Tổng thống Kamala Harris, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Thượng nghị sĩ Schumer, Thượng nghị sĩ McConnell, Phó Tổng thống Mike Pence, thưa các vị khách quý và toàn thể nhân dân Mỹ.
Hôm nay là ngày của nước Mỹ. Hôm nay là ngày của dân chủ. Một ngày của lịch sử và hy vọng. Của sự đổi mới và quyết tâm.
Ý chí Mỹ vừa được tôi luyện thêm qua một cuộc thử thách và nước Mỹ đã dũng cảm đương đầu với khó khăn.
Ngày hôm nay, chúng ta không chỉ chúc mừng chiến thắng của một ứng viên chính trị mà là thắng lợi của dân chủ.
Nguyện vọng của người dân đã được lắng nghe và thực hiện. Chúng ta đã học được rằng dân chủ rất đáng quý nhưng cũng rất mong manh.
Trong giờ khắc này đây, thưa nhân dân cả nước, dân chủ đang thắng thế.
Vì vậy vào lúc này, trên mảnh đất thiêng liêng của tòa nhà Quốc hội, nơi mà chỉ vài ngày trước chứng kiến bạo lực kinh hoàng, chúng ta cùng nhau đoàn kết lại thành một quốc gia, dưới sự che trở của Chúa, không gì chia rẽ được, sẵn sàng chuyển giao quyền lực một cách hòa bình như nước Mỹ vẫn làm trong hơn hai thế kỷ qua.
Chúng ta hướng về phía trước trên con đường riêng của nước Mỹ, không ngừng phấn đầu, luôn dũng cảm và lạc quan, hướng tới xây dựng một đất nước tốt đẹp mà chúng ta có thể đạt được và nhất định phải làm được.
Tôi xin cảm ơn những người tiền nhiệm của tôi đến từ cả hai đảng đã có mặt ở đây ngày hôm nay. Lời cảm ơn chân thành xuất phát từ tận đáy lòng tôi. (Ba cựu tổng thống Mỹ đến dự lễ nhậm chức của ông Biden là Bill Clinton và Barack Obama đến từ Đảng Dân chủ, George W. Bush đến Đảng Cộng hòa. Ông Trump không đến.)
Các bạn đều biết sự vững vàng của Hiến pháp Mỹ cũng như sức mạnh của dân tộc. Tổng thống Carter cũng biết điều đó. Tối qua tôi đã nói chuyện với ông Carter, hôm nay ông không thể có mặt ở đây nhưng chúng ta đều trân trọng sự cống hiến cả đời của ông cho đất nước.
Tôi vừa mới tuyên thệ một lời thế thiêng liêng mà những nhà lãnh đạo yêu nước từ thời George Washington đều đã thề.
Nhưng câu chuyện của nước Mỹ không phải chỉ dựa vào một người, cũng không phụ thuộc vào vài người mà là vào tất cả chúng ta. Chúng ta cần một liên minh tốt đẹp hơn bao gồm toàn thể nhân dân.
Mỹ là một quốc gia vĩ đại và người Mỹ là một dân tộc tuyệt vời. Sau những thế kỷ đầy bão giông và xung đột, trong hòa bình cũng như thời chiến, chúng ta đã tiến những bước dài tới ngày hôm nay. Tuy nhiên chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm.
Chúng ta sẽ tiến lên phía trước thật nhanh chóng và gấp gáp vì chúng ta có rất nhiều điều cần làm trong mùa đông lắm hiểm nguy và nhiều bất trắc này.
Có nhiều thứ cần sửa chữa. Nhiều thứ cần lập lại. Nhiều thứ cần hàn gắn. Nhiều thứ cần dựng xây và nhiều thứ có thể đạt được.
Hiếm khi nào trong lịch sử nước Mỹ lại có một giai đoạn khó khăn và thách thức hơn tình cảnh của chúng ta hiện nay.
Một loại virus trăm năm mới xuất hiện một lần đang lặng lẽ săn đuổi chúng ta. Chỉ trong một năm, số người Mỹ chết vì loại virus này đã nhiều ngang với số người Mỹ thiệt mạng trong toàn bộ Thế chiến II. Hàng triệu việc làm đã biến mất. Hàng trăm nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa.
Lời kêu gọi bình đẳng chủng tộc trong 400 năm qua đang thôi thúc chúng ta hành động. Giấc mơ công lý cho tất cả mọi người sẽ không bị trì hoãn thêm nữa. Chính hành tinh này cũng đang kêu cứu, một tiếng kêu xé lòng bi thiết.
Và giờ đây, chúng ta còn phải đối đầu và đánh bại sự trỗi dậy của tư tưởng chính trị cực đoan, da trắng thượng đẳng, khủng bố trong nước.
Để vượt qua những thách thức này, để giành lại linh hồn và bảo vệ tương lai của nước Mỹ, chỉ nói thôi là không đủ mà còn cần đến giá trị ẩn mình hiếm thấy nhất trong một nền dân chủ: Đoàn kết. Đoàn kết.
Cũng vào tháng 1 ở Washington, ngày đầu năm mới 1863, Tổng thống Abraham Lincoln ký Bản tuyên ngôn giải phóng nô lệ. Khi đặt bút, Tổng thống đã nói: "Nếu tên tôi được lưu danh sử sách thì đó là vì Bản tuyên ngôn này và toàn bộ linh hồn của tôi đều được đặt trong nó".
Hôm nay, một ngày tháng 1/2021, toàn bộ linh hồn của tôi chỉ mong muốn đưa nước Mỹ lại gần nhau hơn, đoàn kết dân tộc chúng ta và đoàn kết đất nước chúng ta.
Tôi khẩn nài mọi người dân Mỹ hãy tham gia cùng tôi trong sự nghiệp này. Hãy đoàn kết để chống lại những kè thù chung: Giận dữ, bất mãn, thù ghét, cực đoan, vô pháp, bạo lực, dịch bệnh, thất nghiệp, tuyệt vọng.
Nếu đoàn kết, chúng ta có thể làm được những điều lớn lao, những việc quan trọng. Chúng ta có thể sửa chữa những sai lầm, tạo ra việc làm tốt cho người lao động, dạy dỗ trẻ em trong những ngôi trường an toàn.
Chúng ta có thể đánh bại con virus chết chóc này. Chúng ta có thể tưởng thưởng cho sự lao động, xây dựng lại tầng lớp trung lưu và đảm bảo chăm sóc y tế cho tất cả mọi người.
Chúng ta có thể đem lại công bằng sắc tộc. Chúng ta có thể đưa nước Mỹ một lần nữa trở thành người đi tiên phong trong những sáng kiến tốt đẹp trên thế giới.
Tôi biết rằng nói đến đoàn kết nghe có vẻ như một ảo tưởng ngốc nghếch. Tôi biết những thế lực chia rẽ chúng ta đã ăn sâu bén rễ và tồn tại rất thật quanh đây. Nhưng tôi cũng biết rằng chúng không hề mới.
Lịch sử của chúng ta là cuộc đấu tranh không ngừng giữa một bên là lý tưởng Mỹ khẳng định mọi người sinh ra đều bình đẳng, còn bên kia là sự thật nghiệt ngã rằng kỳ thị, sợ hãi, chủ nghĩa bản địa và hành vi nhục mạ từ lâu đã chia rẽ chúng ta.
Đây là cuộc chiến trường kỳ muôn thuở và thắng lợi không bao giờ là chắc chắn.
Trải qua Nội chiến, Đại Suy thoái, Thế chiến II, Khủng bố 9/11, trải qua những xung đột, hy sinh và vấp ngã, những thiên thần thánh thiện của chúng ta luôn thắng thế. Trong những thời khắc khó khăn đó, nhiều người trong chúng ta đã đoàn kết lại để đưa cả đất nước tiến lên. Giờ đây chúng ta cũng có thể làm được điều đó.
Lịch sử, lòng tin và lý trí đã chỉ ra con đường, đó là con đường của sự đoàn kết. Chúng ta không coi nhau là kẻ thù mà là những người hàng xóm. Chúng ta đối xử với nhau bằng phẩm giá và sự tôn trọng.
Chúng ta có thể hợp lực với nhau, chấm dứt những cãi vã và hạ nhiệt những cuộc tranh luận.
Nếu không có sự đoàn kết thì cũng không có hòa bình, chỉ có sự đắng cay và cuồng nộ. Không có tiến bộ, chỉ có lăng mạ. Không có quốc gia, chỉ có hỗn loạn.
Đây là giây phút lịch sử với đầy rẫy thách thức, khủng hoảng, và đoàn kết chính là con đường tiến lên. Chúng ta phải ứng phó với bối cảnh này như một nước Mỹ thống nhất. Nếu làm được điều đó, tôi đảm bảo chúng ta sẽ không thất bại.
Khi hiệp lực cùng nhau, nước Mỹ chưa bao giờ thất bại. Vậy nên ngày hôm nay, ngay tại đây, chúng ta hãy bước sang một khởi đầu mới. Tất cả chúng ta. Hãy lắng nghe lẫn nhau, nhìn vào nhau, tôn trọng lẫn nhau.
Chính trị không nhất thiết phải là một ngọn lửa hung tàn thiêu rụi mọi thứ trên đường đi. Những sự bất đồng không phải đều là nguyên nhân dẫn tới chiến tranh tổng lực.
Và chúng ta phải đẩy lùi loại văn hóa bóp méo sự thật hay thậm chí là bịa đặt, dối trá.
Thưa toàn thể nhân dân Mỹ, chúng ta phải tốt đẹp hơn thế. Và tôi tin rằng nước Mỹ thực sự tốt đẹp hơn thế.
Thử nhìn xung quanh xem. Chúng ta đang đứng trong râm của Điện Capitol được hoàn thành giữa cuộc Nội chiến (1861 – 1865) khi số phận của Liên bang đang trong cảnh ngàn cân treo sợi tóc. Vậy nhưng chúng ta vẫn chống chịu được và vượt qua.
Từ đây chúng ta có thể nhìn ra quảng trưởng National Mall nơi Tiến sỹ Martin Luther King nói về giấc mơ của ông.
Tại nơi chúng ta đang đứng đây, 108 năm về trước diễn ra một lễ nhậm chức khác, hàng nghìn người biểu tình đã cố chặn đường những người phụ nữ dũng cảm tuần hành đòi quyền được bầu cử.
Hôm nay, chúng ta đánh dấu lễ nhậm chức của người phụ nữ đầu tiên trúng cử Phó Tổng thống Mỹ - bà Kamala Harris.
Đừng nói với tôi rằng mọi chuyện không thể thay đổi.
Từ đây nhìn qua sông Potomac, chúng ta sẽ thấy Nghĩa trang Quốc gia Arlington, nơi an nghỉ vĩnh hằng của những người anh hùng đã tận tâm vì nước.
Cũng chính tại nơi đây, chỉ vài ngày trước có một đám đông bạo loạn nghĩ rằng chúng có thể dùng bạo lực để dập tắt ý nguyện của người dân, để ngăn sự vận hành của hệ thống dân chủ và để đuổi chúng ta ra khỏi nơi thiêng liêng này.
Kịch bản đen tối đó đã không xảy ra và sẽ không bao giờ xảy ra. Hôm nay không, ngày mai cũng không. Không bao giờ.
Với những người đã ủng hộ chiến dịch tranh cử của tôi, tôi muốn bày tỏ sự cảm kích vì lòng tin mà các bạn đã dành cho tôi.
Với những người trước đây không ủng hộ tôi, mong các bạn hãy thử nghe tôi giải thích trong lúc đất nước ta đi lên, hãy thử đánh giá tôi và trái tim tôi.
Nếu các bạn vẫn bất đồng cũng không sao. Đó chính là biểu hiện của dân chủ, đó chính là nước Mỹ. Quyền bất đồng chính kiến một cách hòa bình, trong phạm vi hợp pháp của nền cộng hòa, có lẽ chính là sức mạnh to lớn nhất của nước Mỹ.
Nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng: Bất đồng không được gây ra chia rẽ. Tôi cam kết rằng tôi sẽ là Tổng thống của tất cả người dân Mỹ. Tôi sẽ làm việc hết mình vì những người đã ủng hộ cũng như không ủng hộ tôi.
Nhiều thế kỷ trước, Thánh Augustine – một vị thánh trong nhà thờ của tôi đã viết rằng một con người gồm nhiều khía cạnh được định nghĩa bằng những điều mà người đó yêu quý.
Người Mỹ yêu quý điều gì?
Tôi nghĩ là tôi biết. Đó là cơ hội, an toàn, tự do, phẩm giá, tôn trọng, danh dự và sự thật.
Những tuần và tháng gần đây đã dạy cho chúng ta một bài học đau đớn, đó là chỉ có một sự thật nhưng có rất nhiều sự dối trá. Những lời gian dối được nói ra vì tranh giành quyền lực và lợi ích.
Mỗi người chúng ta đều có nhiệm vụ và trách nhiệm với tư cách là công dân, là người Mỹ và đặc biệt là các lãnh đạo đã thề sẽ tôn trọng Hiến pháp và dân tộc – phải bảo vệ sự thật và đánh bại dối trá.
Tôi hiểu rằng nhiều người dân Mỹ đang cảm thấy lo sợ và bất an về tương lai. Tôi hiểu người dân đang lo lắng về công ăn việc làm, về chăm sóc gia đình, về những điều sẽ xảy ra tiếp theo. Tôi hiểu chứ.
Nhưng giải pháp đúng đắn phải là không được trốn tránh, không biến tướng thành những phe phái đấu đá lẫn nhau, không nghi ngờ những người có bề ngoài khác mình, theo tôn giáo khác mình hay tiếp nhận tin tức từ những nguồn khác mình.
Chúng ta phải chấm dứt cuộc chiến tranh xấu xí này, không để xảy ra xung đột giữa phe xanh và phe đỏ, thành thị với nông thôn, bảo thủ và tự do.
Chúng ta có thể làm được nếu chúng ta mở rộng tấm lòng thay vì đóng cửa trái tim, nếu chúng ta khoan dung và khiêm nhường hơn, nếu chúng ta biết tự đặt mình vào hoàn cảnh của người khác dù chỉ trong chốc lát thôi.
Trong cuộc sống, không ai đo đếm số phận của bạn ra sao. Có những ngày bạn cần sự giúp đỡ. Có những hôm khác bạn lại cần dang tay ra giúp người khác. Chúng ta phải luôn sẵn lòng tương trợ nhau.
Khi đó, nước Mỹ sẽ hùng mạnh hơn, thịnh vượng hơn và sẵn sàng hơn khi bước vào tương lai.
Các công dân Mỹ thân mến, trong những nhiệm vụ tiếp theo, chúng ta sẽ cần làm việc cùng với nhau. Chúng ta sẽ cần toàn bộ sức mạnh của mình để bền bỉ vượt qua mùa đông tăm tối này.
Quãng thời gian này có lẽ chính là giai đoạn khó khăn và chết chóc nhất của đại dịch. Chúng ta phải gạt sang một bên những khác biệt về chính trị và đương đầu với virus như một quốc gia đoàn kết.
Tôi xin hứa với các bạn rằng chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua thử thách này.
Cả thế giới đang quan sát chúng ta nên tôi muốn gửi thông điệp này cho các bạn bè quốc tế: Nước Mỹ vừa bị thử thách, chúng tôi đã vượt qua và trở nên mạnh mẽ hơn trước.
Chúng ta sẽ hàn gắn các khối liên minh và một lần nữa hợp tác với thế giới, không phải vì các thách thức của ngày hôm qua mà là hôm nay và ngày mai.
Chúng ta sẽ dẫn dắt không chỉ bằng biểu hiện của sức mạnh mà còn bằng cả sức mạnh của sự gương mẫu.
Chúng ta sẽ là một đối tác mạnh mẽ và đáng tin cậy vì hòa bình, tiến bộ và an ninh.
Nước Mỹ đã trải qua quá nhiều thăng trầm. Hành động đầu tiên của tôi trong vai trò tổng thống là xin đề nghị các bạn cùng tôi dành ra một phút mặc niệm để tưởng nhớ tất cả những người đã qua đời vì đại dịch, 400.000 công dân Mỹ - những người cha, người mẹ, người chồng, người vợ, con trai, con gái, bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp.
Chúng ta sẽ thể hiện sự tôn trọng với những người đã khuất bằng cách xây dựng một dân tộc và đất nước tốt đẹp mà chúng ta hoàn toàn có thể làm được.
Hãy cùng nhau thầm cầu nguyện cho những người đã qua đời, những người còn ở lại và cho cả nước Mỹ.
Amen.
Đây là một quãng thời gian đầy thử thách. Cả nền dân chủ và sự thật của chúng ta đều đang bị tấn công.
Đại dịch đang hoành hành, bất bình đẳng ngày càng lớn, phân biệt chủng tộc đã ăn sâu vào hệ thống, khí hậu lâm vào khủng hoảng, vị thế của Mỹ trên thế giới sa sút.
Chỉ cần một trong những khó khăn trên là đủ để khiến cho chúng ta phải vất vả ứng phó. Nhưng thực tế là chúng ta đối mặt với tất cả những thử thách trên cùng lúc, khiến cho nước Mỹ phải gánh vác những trách nhiệm cực kỳ nặng nề.
Chúng ta phải tiến lên. Tất cả chúng ta. Bây giờ chính là lúc phải mạnh bạo vì có rất nhiều việc phải làm.
Bạn và tôi, chúng ta sẽ được đánh giá theo cách chúng ta xử lý những cuộc khủng hoảng dồn dập của trong thời đại này.
Liệu chúng ta sẽ vươn lên đương đầu với thử thách? Liệu chúng ta có chế ngự được tình hình khó khăn hiếm thấy này? Liệu chúng ta có hoàn thành nghĩa vụ của mình và để lại cho hậu bối một thế giới mới tốt đẹp hơn?
Tôi tin là chúng ta phải làm được và sẽ làm được. Khi chúng ta đã làm xong, chúng ta sẽ viết chương tiếp theo trong lịch sử nước Mỹ. Câu chuyện đó rất giống một bài hát cực kỳ có ý nghĩa với tôi, đó là Quốc ca Mỹ.
Có một đoạn mà tôi thấy rất tâm đắc, đó là: "Những nỗ lực và lời nguyện cầu qua hàng trăm năm đã đưa chúng ta đến ngày hôm nay. Rồi chúng ta sẽ để lại gì? Con cháu chúng ta sẽ nói gì? Hãy cho tôi biết trong trái tim mình khi nào thời gian của tôi đã hết. Nước Mỹ ơi, nước Mỹ ơi. Tôi đã cho người những điều tốt đẹp nhất".
Chúng ta cũng sẽ đóng góp nỗ lực và lời nguyện cầu của mình vào bản trường ca bất tận của đất nước.
Sau này khi chúng ta không còn nữa, con cháu của chúng ta sẽ có thể tuyên bố rằng chúng ta đã tận lực cống hiến, đã làm tròn bổn phận, đã hàn gắn một đất nước chia rẽ.
Thưa toàn thể nhân dân, tôi xin khép lại bài phát biểu này bằng một lời thề giống như khi mở đầu.
Trước Chúa trời và nhân dân, tôi xin thề sẽ luôn thành thực với các bạn, luôn bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ dân chủ, bảo vệ nước Mỹ.
Tôi sẽ cống hiến tất cả để phục vụ nhân dân, không nghĩ về quyền lực mà nghĩ về các khả năng. Không vì lợi ích cá nhân mà là vì lợi ích chung của cộng đồng.
Cùng nhau, chúng ta sẽ viết nên một câu chuyện Mỹ về niềm hy vọng chứ không phải nỗi sợ hãi. Về sự đoàn kết, không phải chia rẽ. Về ánh sáng, không phải bóng đêm. Một câu chuyện Mỹ về sự đường hoàng và phẩm hạnh. Về tình yêu và sự hàn gắn. Về sự vĩ đại và tốt đẹp.
Hãy để cho câu chuyện này dẫn lối chúng ta, tạo cảm hứng cho chúng ta. Câu chuyện này sẽ kể cho hậu thế muôn đời sau rằng chúng ta đã đáp lại tiếng gọi của lịch sử, đã đương đầu với thử thách.
Rằng trong thời đại của chúng ta, dân chủ và hy vọng, sự thật và công bằng không chết đi mà ngày càng lớn lên.
Rằng nước Mỹ đã bảo vệ cho tự do ở trong nước và một lần nữa lại trở thành ngọn cờ đầu của thế giới.
Đó là bổn phận của chúng ta với các bậc tiền nhân, với nhau và với muôn vàn thế hệ mai sau.
Chúng ta sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình bằng tất cả ý chí và sự quyết tâm. Kiên trì nhờ lòng tin, thúc đẩy bởi sự tận tâm.
Chúng ta sẽ hiến dâng cho nhau và cho nước Mỹ mà chúng ta yêu quý bằng cả trái tim.
Cầu Chúa phù hộ cho nước Mỹ và mong Chúa bảo vệ cho những người lính.
Xin cảm ơn, nước Mỹ.