Tòa án xoáy sâu vào hoạt động kinh doanh của cả Vinasun lẫn Grab
Ngày 22/10, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ kiện của CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đối với Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab), đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tiếp tục diễn ra.
Mô hình hợp tác kinh doanh giữa Grab và các HTX
Tại phiên toà, chủ tọa hỏi Grab rằng ai chịu trách nhiệm đề xuất giá cước, mức giá tăng vào giờ cao điểm.
Người đại diện Grab cho biết Grab và các Hợp tác xã (HTX) đồng ý về cơ chế, phương thức thu cước trong hợp đồng hợp tác kinh doanh. Dựa trên nhu cầu của tài xế (như tăng thu nhập do giá xăng tăng), HTX sẽ xác định giá cước cơ bản và đề xuất với Grab để đưa vào thuật toán giá của Grab.
Ngoài giá cước cơ bản, Grab cung cấp phần mềm để tính toán giá cho mỗi chuyến xe, dựa trên sự cân bằng giữa mong muốn của tài xế (thu nhập cao) và mong muốn của khách hàng (giá tiết kiệm).
Người đại diện của Vinasun tại phiên toà. Ảnh: Ngọc Hoa. |
Trong khi đó, Vinasun nói rằng giá cước của doanh nghiệp vận tải taxi phải được Sở Tài chính chấp thuận và việc tăng giảm giá cước đều phải tuân thủ quy trình trong khi Grab không chịu sự ràng buộc tương tự.
Về điều kiện đăng ký chạy Grab, người đại diện Grab cho biết, theo quy định về điều kiện kinh doanh vận tải (Nghị định 86), các HTX tổ chức các khóa đào tạo luật giao thông và an toàn đường bộ cho đối tác tài xế và đảm bảo kiểm tra, thực hiện nghiêm túc trước khi cung cấp phù hiệu cho đối tác tài xế. Quá trình này bao gồm cả việc kiểm tra sức khỏe, đảm bảo lý lịch tư pháp, và có giấy phép lái xe phù hợp.
Grab thực hiện thêm một bước là kiểm tra khi đối tác tài xế đã được HTX xác nhận và đăng ký tham gia vào nền tảng Grab.
Phía Grab cho biết họ cũng hợp tác cùng các HTX để tổ chức các buổi huấn luyện, đào tạo cho đối tác tài xế cách sử dụng ứng dụng và nâng cao chất lượng của đối tác tài xế nói chung. Grab và các HTX cũng đồng ý tạo ra một bộ Quy tắc ứng xử chung dành cho đối tác tài xế và các biện pháp thưởng, phạt nhằm đảm bảo tối ưu trải nghiệm khách hàng trên nền tảng của Grab.
Tuy nhiên, Chủ tọa nói các HTX chỉ cung cấp cho tài xế phù hiệu “Xe hợp đồng”. Các HTX khẳng định họ không quản lý tài xế vì quan hệ hợp tác giữa tài xế và Grab không nằm trong sự kiểm soát của họ.
Lời khai của các HTX mà chủ tọa công bố cho thấy giá vận chuyển do Grab quyết định và họ không chịu trách nhiệm liên quan đến khiếu nại giữa hành khách và tài xế.
Phía Grab lập luận rằng đó là lời khai của 9 HTX hợp tác với Grab, không phản ánh sự thật về các mối quan hệ và lợi ích chung giữa Grab với hơn 300 doanh nghiệp vận tải và HTX. Họ cho rằng Tòa án chỉ dựa vào lời khai của các HTX nhỏ, thay vì của các HTX có đội xe hơn 10.000 xe, để đưa ra những nhận định, xem xét bản chất hoạt động kinh doanh của Grab.
Bên cạnh đó, căn cứ vào các lời khai của HTX dựa trên một số câu hỏi, Grab cho rằng các HTX và đối tác vận tải không có cơ hội đưa ra những lời khai mang tính toàn diện về quan hệ hợp tác chia sẻ lợi ích chung giữa họ và Grab, cũng như về những nội dung họ đã ủy quyền cho Grab để thực hiện nhằm hỗ trợ việc quản lý hoạt động kinh doanh doanh vận tải một cách hiệu quả nhất khi ứng dụng khoa học công nghệ.
Grab khẳng định mô hình hợp tác kinh doanh giữa Grab và các đối tác kinh doanh vận tải về cơ bản hoàn toàn phù hợp với đề án thí điểm theo Quyết Định 24 của Bộ Giao thông Vận tải. Việc sở hữu và quản lý đối tác tài xế và đội ngũ phương tiện là ưu thế của các HTX và các đối tác kinh doanh vận tải, và vai trò của Grab là công ty công nghệ, giúp việc kinh doanh của họ trở nên hiệu quả hơn.
Nếu Grab tuân theo Quyết định 24, Vinasun sẽ không chịu ảnh hưởng?
Trong khi Grab khẳng định họ là công ty công nghệ thì Vinasun cho rằng Grab hoạt động như một doanh nghiệp vận tải taxi.
Tòa đặt câu hỏi cho Vinasun rằng nếu Grab thực hiện đúng theo Quyết định 24, cài đặt phần mềm ứng dụng gọi xe trên thiết bị di động cho tài xế và doanh nghiệp vận tải, liệu Vinasun có thiệt hại hay không.
Vinasun đáp rằng nếu Grab là một công ty phần mềm và các HTX, doanh nghiệp vận tải chỉ trả tiền phần mềm cho Grab, chắc chắn giá cước không thể giảm mạnh như vậy. Vinasun cho rằng nếu chỉ là một công ty cung cấp phần mềm, Grab sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến họ. Tuy nhiên, Grab quản lý toàn bộ quy trình vận hành của tài xế và sử dụng nguồn lực của Grab để tác động vào giá cước. Do vậy, Vinasun tin rằng những vi phạm của Grab gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh taxi như Vinasun.
Vinasun nhấn mạnh mức thiệt hại thực tế mà Grab đã gây ra cho Vinasun không chỉ dừng lại ở con số hơn 41,2 tỉ đồng. Nhưng để nhanh chóng ngăn thiệt hại, Vinasun quyết định kiện với số tiền nhỏ hơn mức độ thiệt hại.
Người đại diện Vinasun khẳng định, trước khi Grab tham gia hoạt động tại Việt Nam, doanh thu hàng năm của Vinasun tăng trưởng liên tục. Đến giai đoạn năm 2014-2015, khi Grab bắt đầu hoạt động, lợi nhuận vẫn không đổi nhưng khi Đề án 24 được áp dụng, số lượng xe của Grab tăng vọt thì lợi nhuận của Vinasun giảm mạnh.
Sau khi kết thúc phần hỏi và tranh luận bổ sung, HĐXX tuyên bố phiên tòa sẽ tiếp tục vào 14h chiều ngày 23/10 với phần trình bày quan điểm của người đại diện Viện Kiểm sát.