Grab yêu cầu triệu tập thêm các bên liên quan nhưng tòa tiếp tục từ chối
Vinasun đòi bồi thường 41 tỷ đồng, Grab cho rằng không có cơ sở |
Vinasun mâu thuẫn trong câu trả lời
Sáng 18/10, TAND TP HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ kiện của CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đối với Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam.
Theo đơn khởi kiện, Vinasun yêu cầu GrabTaxi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với khoản lợi nhuận bị giảm sút hơn 41 tỷ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017 do vi phạm Luật cạnh tranh.
Tuy nhiên, trong các phiên xử ngày 17/10 và phiên xử sáng 18/10/2018, Vinasun tiếp tục khẳng định kiện Grab vì vi phạm Đề án 24 của Bộ GTVT, và cho rằng chỉ viện dẫn Luật Cạnh tranh để tòa tham chiếu.
Khi được hỏi về các vấn đề có liên quan, Vinasun né tránh nhiều câu hỏi và có mâu thuẫn với chính các câu trả lời của họ.
Điển hình là vấn đề xe VCar và việc tham gia Đề án 24 của Bộ GTVT, Vinasun cho thấy, họ đã không tuân thủ theo đề án này khi không có hợp đồng điện tử cho khách hàng, sau đó lại cho rằng xe VCar thuộc xe du lịch cho thuê theo hợp đồng nhưng thừa nhận không có hợp đồng bằng giấy cho khách hàng khi thuê xe hợp đồng khi khách đặt Vcar.
Grab yêu cầu triệu tập thêm các đơn vị liên quan
Phía Grab cho rằng việc quyết định có vi phạm Đề án 24 hay không thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT và các cơ quan chính phủ có liên quan, không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân. Bộ GTVT cũng đã có kết luận về thí điểm và Chính phủ đã đồng ý gia hạn đề án thí điểm với xe hợp đồng điện tử cho đến khi Nghị định 86 sửa đổi có hiệu lực.
Nhận thấy các chất vấn liên quan đến vụ án được phía Vinasun nêu ra liên quan rất nhiều đến việc thực hiện Đề án 24, Grab đã tiếp tục yêu cầu tòa cần phải triệu tập bổ sung các doanh nghiệp sử dụng ứng dụng đặt xe công nghệ như Grab (với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan), đại diện Bộ GTVT (để có cơ sở đánh giá khách quan hiệu quả/vi phạm (nếu có) trong quá trình thực hiện đề án thí điểm), đại diện hai công ty mà Vinasun đã thuê nghiên cứu để làm cơ sở đòi bồi thường thiệt hại; và đặc biệt là đại diện công ty Cửu Long - đơn vị giám định thiệt hại được tòa chỉ định.
Phía Grab cho rằng sự có mặt của Cửu Long là hết sức cần thiết bởi nghiên cứu và cách tính của Cửu Long có rất nhiều sơ hở và có nhiều vấn đề cần phải làm sáng tỏ. Vì vậy, việc đơn vị này vắng mặt sẽ gây rất nhiều khó khăn cho việc xác định chứng thư giám định của Cửu Long cũng như gây khó khăn cho việc tranh tụng, biện hộ, bảo vệ quyền lợi của Grab tại tòa.
Grab cho rằng báo cáo giám định thiệt hại của tổ chức giám định do Tòa chỉ định không đáng tin cậy vì Công ty Cửu Long không khách quan, không đủ trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ và không có kinh nghiệm phù hợp để thực hiện công việc giám định được yêu cầu.
Thứ hai, các kết luận tại báo cáo giám định thiệt hại của Công ty Cửu Long hoàn toàn sai từ cách xác định thiệt hại đến phương pháp tính toán và cuối cùng là đến kết luận. Hơn nữa, phần lớn công việc giám định do một đơn vị không tên tuổi thực hiện mà không có sự cho phép trước của Tòa.
Tòa tiếp tục từ chối yêu cầu của Grab.
Grab cho rằng Vinasun có nhiều câu hỏi không liên quan đến nội dung vụ kiện
Được sự cho phép của Toà, Vinasun đã có nhiều câu hỏi không liên quan đến vụ án để đưa ra kết luận rằng Grab là một công ty taxi.
Phía Grab khẳng định họ là một công ty công nghệ, cung cấp ứng dụng kết nối người dùng và đối tác vận tải, tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng và người dùng dựa trên hệ sinh thái phong phú và nền tảng mở.
Grab cho rằng việc Vinasun có nhiều câu hỏi đi chệch khỏi nội dung của vụ kiện và cố tình dẫn dắt với mục đích thật sự của vụ kiện không đơn thuần là cáo buộc thiệt hại hơn 41 tỷ đồng của Vinasun.
Trước đó, trong phiên toà ngày hôm qua (17/10), Grab cũng đã có kiến nghị về một số vấn đề, trong đó có liên quan đến các tài liệu thuộc bí mật kinh doanh của Grab trước tòa.
Đại diện Grab có mặt tại phiên tòa ngày 17/10. (ảnh: MA) |
Grab đã có kiến nghị về việc Vinasun không được tiếp cận các tài liệu này, bao gồm cả danh sách hợp tác xã, hợp đồng với hợp tác xã, cũng như không công bố các tài liệu này trước công chúng tại tòa.
Grab đã gửi đơn kiến nghị đến Chánh án Tòa án Nhân dân TPHCM, nhưng trong khi Chánh án Tòa án Nhân dân TPHCM chưa trả lời đơn kiến nghị của Grab thì Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa Kinh tế đã cho phép Vinasun được tiếp cận tài liệu và sao chép.
Grab tiếp tục gửi khiếu nại lên Tòa án nhân dân tối cao về vấn đề này nhưng Tòa Kinh tế - Tòa án Nhân dân TP HCM vẫn tiếp tục cho phép công bố các tài liệu thuộc bí mật kinh doanh của Grab trước tòa dù Tòa án Nhân dân Tối cao vẫn chưa ra quyết định cuối cùng.
HĐXX không chấp nhận yêu cầu phải giữ bí mật kinh doanh của Grab bởi vì Vinasun khiếu nại và đã được giải quyết, được sao chụp hồ sơ. Grab cho rằng quyết định sẽ tạo nên tiền lệ không tốt khi các doanh nghiệp sẽ lợi dụng tiền lệ ấy để tiếp cận bí mật kinh doanh của đối thủ.