|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tiền tiếp tục chảy vào các startup thanh toán và bán lẻ

07:41 | 07/06/2021
Chia sẻ
Tổng số vốn đầu tư vào các startup công nghệ Việt Nam đạt 451 triệu USD, giảm 48% so với năm 2019.
Tiền tiếp tục chảy vào các startup thanh toán và bán lẻ - Ảnh 1.

Nhân viên đang thao tác thanh toán cho khách hàng trong một cửa hàng VinMart+ tại Đà Nẵng. (Ảnh: MSN).

Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) vừa đồng phát hành Báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam 2020. Báo cáo đã mang lại bức tranh tổng quan về tình hình đầu tư vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ngành công nghệ Việt Nam.

Quỹ ngoại thất thế, quỹ nội lên ngôi

Báo cáo nhận định 2020 là một năm thử thách nhưng ẩn chứa nhiều cơ hội đối với bối cảnh đầu tư đổi mới sáng tạo và công nghệ toàn cầu, và thị trường Việt Nam không phải ngoại lệ. Tổng số vốn đầu tư vào các startup công nghệ Việt Nam đạt 451 triệu USD, giảm 48% so với năm 2019, chủ yếu do sự vắng bóng của các vòng gọi vốn có giá trị đáng kể.

Giảm về giá trị song số lượng các khoản đầu tư ghi nhận mức giảm không đáng kể ở mức 17%, trong đó có 60 thương vụ vào nửa cuối năm - con số tương đương với cùng kỳ năm trước. Sau giai đoạn sụt giảm mạnh vào quý I, hoạt động đầu tư mạo hiểm bắt đầu hồi phục từ quý II trở đi.

Do Ventures ghi nhận hơn một nửa trong tổng số lượng thương vụ đầu tư vào startup công nghệ Việt Nam được thực hiện bởi các quỹ đầu tư nội địa. Đây là chỉ dấu cho thấy vai trò quan trọng của các nhà đầu tư trong nước trong việc hỗ trợ startup giai đoạn đầu tiếp tục tiến xa hơn trong giai đoạn nhiều  thử thách như hiện nay.

Nguồn vốn đổ vào thanh toán và bán lẻ

Thanh toán và bán lẻ tiếp tục là lĩnh vực nhận được nhiều nhất những khoản đầu tư giá trị lớn nhờ vai trò chủ chốt trong sự phát triển của nền kinh tế internet.

Một số ngành như HRTech (công nghệ nhân sự), PropTech (công nghệ bất động sản) tiếp tục thu hút vốn đầu tư, trong khi lượng vốn đổ vào các ngành như EdTech (công nghệ giáo dục), MedTech (công nghệ y tế), và SaaS (phần mềm dạng dịch vụ) cũng đang tăng dần lên do sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp sau COVID-19.

Trong bối cảnh khó khăn chung của các nền kinh tế toàn cầu bởi đại dịch COVID-19, số lượng nhà đầu tư nước ngoài giảm nhẹ trong năm 2020 cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút các nhà đầu tư.

Hoạt động mạnh mẽ nhất đến từ các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc và Singapore, trong khi đó số lượng các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản có giảm đáng kể.

Báo cáo nhận định, mặc dù thị trường đầu tư công nghệ Việt Nam có sự chững lại khó tránh khỏi do tác động của COVID-19, các nhà sáng lập tại Việt Nam đã tận dụng mọi nguồn lực có thể để trụ vững và tiếp tục phát triển.

"Khủng hoảng luôn là chất xúc tác mạnh mẽ để các mô hình kinh doanh đột phá xuất hiện. Với những nỗ lực từ phía Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, startup Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để bứt phá khi hoạt động đầu tư dần phục hồi", báo cáo viết.

Với vai trò là cơ quan hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cho biết NIC đang nghiên cứu và đề xuất xây dựng môi trường pháp lý cho đổi mới sáng tạo Việt Nam và các chương trình, chính sách đặc thù, cơ chế thử nghiệm hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Trước đó đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành "Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030" nhằm tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài.

Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cũng như quy trình đầu tư và thoái vốn dành cho nhà đầu tư nước ngoài cũng được quy định ngày một rõ ràng, đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực.

Chí Dũng