Tỉ lệ khoảng phòng thủ (Defensive Interval Ratio) là gì? Ý nghĩa tỉ lệ khoảng phòng thủ
Tỉ lệ khoảng phòng thủ
Khái niệm
Tỉ lệ khoảng phòng thủ trong tiếng Anh là Defensive Interval Ratio.
Tỉ lệ khoảng phòng thủ là một chỉ số tài chính cho biết số ngày công ty có thể hoạt động mà không cần sử dụng đến tài sản không lưu động, nguồn lực tài chính bên ngoài hoặc tài sản dài hạn có giá trị đầy đủ nhưng không có trong năm tài chính hiện tại. Tỉ lệ khoảng phòng thủ thường được coi là một tỉ lệ thanh khoản, hay đôi khi cũng được xem là tỉ lệ về hiệu quả tài chính.
Hiểu về Tỉ lệ khoảng phòng thủ
Công thức tính Tỉ lệ khoảng phòng thủ là:
Tỉ lệ khoảng phòng thủ (được biểu thị bằng số ngày) = Tài sản lưu động/Chi phí hoạt động hàng ngày
Trong đó
Tài sản lưu động = Tiền mặt + Chứng khoán thị trường + Khoản phải thu ròng
Chi phí hoạt động hàng ngày = (Chi phí hoạt động hàng năm - Chi phí không trả bằng tiền mặt) / 365
Tỉ số khoảng phòng thủ được một số nhà phân tích thị trường đánh giá là tỉ lệ thanh khoản hữu ích hơn tỉ lệ thanh toán nhanh tiêu chuẩn hoặc tỉ lệ thanh toán hiện tại do tỉ số này so sánh tài sản với chi phí thay vì so sánh tài sản với nợ phải trả. Tỉ số khoảng phòng thủ thường được sử dụng như một tỉ lệ phân tích tài chính bổ trợ, cùng với tỉ lệ thanh toán hiện tại hoặc tỉ lệ thanh toán nhanh, để đánh giá sức khỏe tài chính của công ty.
Tỉ số này được gọi là tỉ lệ khoảng phòng thủ vì tính toán của nó liên quan đến tài sản lưu động của công ty, còn được gọi là tài sản phòng thủ. Tài sản phòng thủ bao gồm tiền mặt, các khoản tương đương tiền như trái phiếu hoặc các khoản đầu tư khác và các tài sản khác có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt như các khoản phải thu.
Ví dụ: nếu một công ty có sẵn 100.000$ tiền mặt, chứng khoán thị trường trị giá 50.000$ và các khoản phải thu 50.000$, thì công ty đó có tổng cộng 200.000$ tài sản phòng thủ. Nếu chi phí hoạt động hàng ngày của công ty là 5.000$, tỉ lệ khoảng phòng thủ là 40 ngày (200.000/5.000).
Ý nghĩa của Tỉ lệ khoảng phòng thủ
Tỉ lệ khoảng phòng thủ là một công cụ hữu ích trong việc đánh giá sức khỏe tài chính của công ty vì nó cung cấp số liệu về số ngày công ty có thể hoạt động để đáp ứng chi phí hoạt động hàng ngày mà không gặp phải bất kì khó khăn tài chính nào có thể khiến công ty phải gọi thêm vốn thông qua đầu tư vốn cổ phần mới, vay ngân hàng hoặc bán tài sản dài hạn.
Theo khía cạnh đó, nó có thể được coi là một thước đo thanh khoản hữu ích hơn để kiểm tra so với tỉ lệ thanh toán hiện tại. Tỉ lệ thanh toán hiện tại chỉ so sánh về tài sản của công ty với các khoản nợ của nó, không đưa ra bất kì dấu hiệu rõ ràng nào về việc công ty có thể hoạt động trong bao lâu với chi phí hoạt động hằng ngày.
(Theo Investopedia)