|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thuyền trưởng tàu sân bay Mỹ kêu cứu sau khi hơn 100 thủy thủ đoàn nhiễm COVID-19

15:28 | 01/04/2020
Chia sẻ
Thuyền trưởng của một tàu sân bay thuộc lực lượng Hải quân Mỹ đã viết một bức thư cầu cứu đến các quan chức quân sự cấp cao sau khi xác nhận có hơn 100 thủy thủ đoàn dương tính với COVID-19.

Trong bức thư dài 4 trang mà tờ San Francisco Chronicle đưa tin đầu tiên, Thuyền trưởng Brett Crozier của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã mô tả lại tình cảnh đáng thương trên con tàu sân bay hiện là "mái nhà tạm thời" của hơn 4.000 thủy thủ đoàn.

"Chúng tôi không phải đang trong thời chiến. Các thủy thủ không cần phải chết. Nếu không hành động lúc này, chúng tôi sẽ không thể bảo vệ đúng cách tài sản đáng quí nhất của con tàu - chính là các thủy thủ đoàn", Thuyền trưởng Crozier viết.

Thuyền trưởng tàu sân bay Mỹ kêu cứu sau khi hơn 100 thủy thủ đoàn nhiễm COVID-19 - Ảnh 1.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt lênh đênh trên biển. (Ảnh: Getty Images)

"Đại dịch COVID-19 đang lây lan trên tàu USS Theodore Roosevelt và tình hình ngày càng trầm trọng hơn", ông Crozier viết trong thư.

Theo CNBC, vị thuyền trưởng này đề xuất cho phần lớn thủy thủ đoàn trên tàu lên đất liền, cách li người bệnh, tiến hành xét nghiệm số còn lại và làm sạch tàu sân bay đúng cách.

Trong lá thư, ông Crozier cho rằng nếu cứ để tàu USS Theodore Roosevelt lênh đênh trên biển, Lầu Năm Góc chính là đang tạo ra "một rủi ro không đáng: phá vỡ niềm tin của những thủy thủ đoàn đã giao phó vận mệnh của họ cho Hải quân Mỹ".

Theo cập nhật mới nhất, tàu sân bay Theodore Roosevelt hiện đang cập cảng tại đảo Guam (nằm về phía tây Thái Bình Dương).

Tuần trước, ông Thomas Modly - quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ, chia sẻ với báo giới tại Lầu Năm Góc rằng ba thủy thủ đoàn đầu tiên nhiễm COVID-19 trên con tàu này cùng các cá nhân từng tiếp xúc với họ đã được xác định và cách li.

Những du thuyền hạng sang bị "ruồng bỏ"

Ở diễn biến khác, tờ The Guardian hôm 31/3 đưa tin hãng vận hành du thuyền Holland America Line đã cảnh báo rằng nhiều người có thể sẽ tử vong trên biển nếu hai du thuyền của hãng không được phép cập cảng.

Holland America Line cáo buộc chính quyền bang Florida là "đã quay lưng" với hàng nghìn con người mắc kẹt trên biển trong đại dịch toàn cầu.

Cụ thể, ông Orlando Ashford - Chủ tịch Holland America Line, đã kêu gọi các cảng biển "thể hiện lòng trắc ẩn và thương xót" bằng cách cho phép hành khách trên hai tàu Zaandam và Rotterdam trở về đất liền.

Thuyền trưởng tàu sân bay Mỹ kêu cứu sau khi hơn 100 thủy thủ đoàn nhiễm COVID-19 - Ảnh 2.

Du thuyền Zaandam và Rotterdam trên vịnh Panama. (Ảnh: Reuters)

Theo The Guardian, 4 người đã tử vong, 8 người dương tính với COVID-19 và khoảng 200 người có triệu chứng tương tự bệnh cúm trên tàu Zaandam, nơi có hàng trăm khách du lịch Anh, Mỹ và Australia và nhiều người trong số này là người già.

Cả hai con tàu trên đều hướng về bang Florida nhưng vào hôm 30/3, Thống đốc bang Ron DeSantis cho biết hãng Holland America Line không thể "vứt bỏ" hành khách tại bang Florida được. Tuyên bố này khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu hai du thuyền có thể cập cảng hay không.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc đại lục và sau đó lây lan đến hơn 200 quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, du thuyền hạng sang và tàu biển đã là một mối lo ngại lớn.

Du khách và thủy thủ đoàn trên loại phương tiện này thường tập trung trong không gian chật hẹp và tiếp xúc gần gũi, vì vậy khả năng lây nhiễm COVID-19 là rất lớn. Hồi đầu tháng 2 năm nay, du thuyền hạng sang Diamond Princess từng là một điểm nóng với 712 ca nhiễm và 11 ca tử vong, chỉ xếp ngay sau Trung Quốc đại lục.

Vào thời điểm đó, chính phủ Nhật Bản đã phải gánh chịu làn sóng chỉ trích vì chậm chạp trong việc xử lí ổ dịch trên tàu Diamond Princess, vốn khi đó đang neo đậu bên ngoài cảng Yokohama.

Du thuyền Westerdam cũng thu hút nhiều sự chú ý sau khi lênh đênh hàng tuần liền trên biển và bị ít nhất ba nước từ chối. Cuối cùng, chính phủ Campuchia đã chấp nhận cho Westerdam cập cảng.

Khả Nhân