|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thụy Điển bất ngờ 'bẻ lái', ngừng ngược chiều thế giới trong đại dịch

17:53 | 05/04/2020
Chia sẻ
Thụy Điển là một trong số ít quốc gia châu Âu chưa thực hiện các biện pháp phong tỏa để chống COVID-19 lây lan. Chính phủ nước này đang yêu cầu các quyền lực khẩn cấp để thay đổi.

Chính phủ Thụy Điển đang tìm kiếm thêm nhiều quyền hạn để triển khai phong tỏa hoặc những giới hạn mạnh mẽ hơn lên đời sống dân chúng, truyền thông nước này đưa tin hôm 4/4.

Động thái này diễn ra giữa lúc ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới triển khai phong tỏa để nỗ lực ngăn chặn dịch Covid-19 lan rộng.

Muốn có luật khẩn cấp để chống đại dịch

Chính phủ đất nước Scandinavi này đã ủng hộ một đề xuất có thể trao cho họ quyền lực để thực hiện các biện pháp khẩn cấp để chống lại đại dịch virus corona mà không cần sự chấp thuận của quốc hội. Chính phủ Thụy Điển hiện phải chờ sự chấp thuận của các đảng khác.

Các đảng đối lập yêu cầu họ được phép kiểm tra và xem xét kỹ lưỡng bất kỳ quyết định nào mà chính phủ đưa ra theo luật khẩn cấp. Chính phủ hy vọng đề xuất này sẽ được phê duyệt trong những ngày tới.

Thụy Điển bất ngờ 'bẻ lái', ngừng ngược chiều thế giới trong đại dịch - Ảnh 1.

Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven thông báo sẽ đóng cửa các trường đại học và trung học. Không có thông báo nào về các trường cấp thấp hơn như mẫu giáo và tiểu học. Trong ảnh, người dân ngồi ăn trong một nhà hàng tại Stockholm hôm 25/3. Ảnh: AP.

Cho đến thời điểm hiện tại, Thụy Điển đã tránh xa việc thực hiện phong tỏa ở quy mô tương tự như các nước châu Âu khác. Hồi đầu tuần, chính phủ đã thêm một số hạn chế đối với đời sống công cộng thông qua một loạt các hướng dẫn.

Công chúng được khuyến khích tránh tập trung vào những giờ cao điểm và chính quyền yêu cầu các cửa hàng giới hạn số lượng người được phép vào bất cứ lúc nào. Các tổ chức thể thao cũng được yêu cầu hủy các trận đấu và lịch thi đấu sắp tới.

Một lệnh cấm tập hợp hơn 50 người cũng được đưa ra trước đó.

Theo những cập nhật mới nhất tới ngày 4/4, Thụy Điển ghi nhận 6.443 ca nhiễm virus corona, tăng 31 ca trong 24 giờ, trong đó 205 người đã hồi phục và 373 người chết.

Số ca tử vong tại quốc gia Bắc Âu tăng thêm 15, tương đương 12% so với ngày trưuóc đó. Tỷ lệ người nhiễm Covid-19 ở Thụy Điển là 36 trên một triệu dân, cao hơn so với tỷ lệ 29 tại Đan Mạch và 9 ở Na Uy, hai quốc gia láng giềng đã ban hành nhiều biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn.

Diễn biến dịch bệnh vượt ngoài sự tưởng tượng

Theo Bloomberg, sau một tuần ghi nhận những số liệu giật mình, Thủ tướng Lofven dường như đang nhận ra bức tranh toàn cảnh u ám hơn so với ông tưởng. 

Trong cuộc phỏng vấn được đăng trên tờ Dagens Nyheter tối 4/4, Thủ tướng Lofven cảnh báo hàng nghìn người dân ở Thụy Điển có thể mất mạng vì đại dịch và cuộc khủng hoảng có thể kéo dài hàng tháng thay vì hàng tuần.

Trong khi đó, báo Expressen đưa tin chính phủ do đảng Dân chủ Xã hội do ông Lofven đứng đầu đang tìm cách được trao quyền đặc biệt để vượt quyền quốc hội và đưa ra biện pháp ứng phó quyết liệt hơn với virus.

Thụy Điển bất ngờ 'bẻ lái', ngừng ngược chiều thế giới trong đại dịch - Ảnh 2.

Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven dường như đang nhận ra bức tranh toàn cảnh u ám hơn so với ông tưởng. Ảnh: Bloomberg.

Chuyên gia dịch tễ hàng đầu Thụy Điển Anders Tegnell nhận định mục tiêu của nước này giống nhiều quốc gia khác là "làm phẳng đường cong", giúp các bệnh viện tránh rơi vào tình trạng quả tải. 

Ông Tegnell cho rằng đường cong "trở nên hơi dốc hơn" vào hôm 2/4, nhưng "nhìn chung còn khá phẳng".

Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến với quá nhiều điều mà thế giới chưa nắm bắt được và cách tiếp cận ban đầu của Thụy Điện khiến chính những chuyên gia của nước này cũng lo ngại.

"Họ quá quen với việc đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu, song điều đó vô tác dụng với đại dịch thế này, khi các dữ liệu chính vẫn còn là ẩn số", giảng viên cao cấp về y tế cộng đồng toàn cầu ở Stockholm - bà Claudia Hanson, cho biết.

Lịch sử cho thấy cách biệt cộng đồng trước những đại dịch như Covid-19 là cách ứng phó hiệu quả. Khoảng 100 năm trước, hai thành phố tại Mỹ có kết cục khác nhau khi áp dụng cách đối phó khác nhau với đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918.

Trong đó, ở Philadelphia, thành phố tổ chức cuộc tuần hành với 200.000 người tham gia sau khi phát hiện ca nhiễm cúm Tây Ban Nha đầu tiên năm 1918, đã chứng kiến số người chết gia tăng đột biến. 

Trong khi đó, thành phố St. Louis thông báo số ca tử vong chưa bằng một nửa tại Philadelphia nhờ giới chức ban hành các quy định cách biệt cộng đồng nghiêm ngặt.

Cụ ông hát cho vợ nghe qua cửa kính khi đang bị cách ly

Như Trần