Thuế giá trị gia tăng (Value Added Tax - VAT) là gì?
Hình minh họa (Nguồn: baodautu.vn)
Thuế giá trị gia tăng
Thuế giá trị gia tăng trong tiếng Anh gọi là Value Added Tax, viết tắt là VAT.
Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.
Người nộp thuế giá trị gia tăng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng.
Đối tượng chịu thuế và không chịu thuế giá trị gia tăng
- Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng là toàn bộ hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại trong nước, trừ những đối tượng không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng.
- Đối tượng không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng thường khác nhau tùy theo từng quốc gia và từng giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, nhìn chung, các loại hàng hóa, dịch vụ này thường rơi vào một trong nhóm sau:
+ Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống xã hội, cộng đồng như dịch vụ khám chữa bệnh, vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, xe điện,…
+ Hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành, lĩnh vực sản xuất đang còn khó khăn, cần khuyến khích và tạo điều kiện phát triển như sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của cá nhân, tổ chức trong nước tự sản xuất, đánh bắt, sản phẩm muối,…
+ Hàng hóa, dịch vụ sử dụng không nhằm mục đích kinh doanh mà vì các mục đích xã hội, an ninh quốc phòng… như hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại, vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh…
+ Hàng hóa dịch vụ nhập khẩu nhưng thực chất không phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở trong nước như: hàng chuyển khẩu, hàng quá cảnh, hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu,…
+ Hàng hóa, dịch vụ khó xác định giá trị tăng thêm như một số loại dịch vụ tài chính…
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Tài chính Doanh nghiệp - NXB Đại học Kinh tế Quốc dân 2017)