Thực chất kinh tế Mỹ dưới thời ông Trump qua 6 biểu đồ
Ông Trump tuyên bố đã tạo ra tăng trưởng kinh tế lịch sử, tỉ lệ thất nghiệp thấp kỉ lục và đưa hàng triệu người Mỹ thoát khỏi đói nghèo. Ông nói rằng ông sẽ lặp lại mọi thành tích trên nếu tái đắc cử.
Đúng là kinh tế Mỹ đã hoạt động tốt trước đại dịch, nhưng cũng có những giai đoạn kinh tế Mỹ mạnh mẽ hơn nhiều so với thời gian ông Trump nắm quyền.
Giờ đây Mỹ đang bị tấn công bởi sự suy giảm kinh tế lớn nhất từng được ghi nhận và tỉ lệ thất nghiệp cao nhất trong hơn 80 năm.
Dưới đây là đánh giá kinh tế Mỹ của BBC qua 6 biểu đồ chính.
Trong ba năm đầu ông Trump tại nhiệm, Mỹ đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình 2,5% mỗi năm. Ba năm cuối của chính quyền ông Obama cũng ghi nhận mức tăng trưởng tương tự (2,3%) và con số lớn hơn hẳn giữa năm 2014 (5,5%). Nhưng đại dịch COVID-19 đã tạo ra sự suy giảm kinh tế mạnh nhất lịch sử Mỹ từng ghi nhận.
Trong quí II/2020, GDP Mỹ lao dốc hơn 30%. Con số này lớn hơn ba lần so với mức giảm 10% vào năm 1958.
Nếu nhìn vào dãy số liệu lịch sử về tăng trưởng với cùng phương pháp thống kê, có thể thấy rõ rằng có khá nhiều giai đoạn tăng trưởng GDP cao hơn đáng kể so với thời ông Trump nắm quyền. Ví dụ, trong đầu thập niên 1950, tốc độ tăng trưởng GDP thường xuyên vượt quá 10%.
Ông Trump thường nhấn mạnh vốn hóa gia tăng của thị trường chứng khoán Mỹ là tiêu chuẩn đo lường thành công, đặc biệt là chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones.
Chỉ số Dow Jones là thước đo hiệu quả hoạt động của 30 công ty lớn niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Chỉ số này đạt mức cao kỉ lục vào đầu năm nay. Nhưng Dow Jones đã sụp đổ khi thị trường phản ứng với đại dịch COVID-19, xóa bỏ mọi thành quả đạt được kể từ khi ông Trump đắc cử.
Nhưng thị trường chứng khoán Mỹ có sức bật khá tốt và phần lớn đã phục hồi về ngưỡng trước đại dịch.
Trước khi đại dịch xuất hiện, ông Trump tuyên bố đã tạo ra tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất trong nửa thế kỉ. Tuyên bố này là đúng. Trong tháng 2 năm nay, tỉ lệ thất nghiệp ở mức 3,5%, con số thấp nhất kể từ năm 1969.
Tuy nhiên, khi so sánh trong khung thời gian tương tự, chính quyền ông Obama tạo ra thêm nhiều việc làm cho nền kinh tế hơn.
Dưới thời ông Trump, ba năm trước khi đại dịch bắt đầu, Mỹ có thêm 6,4 triệu việc làm. Trong ba năm dưới sự chỉ huy của ông Obama, 7 triệu việc làm mới được tạo ra.
Giống như rất nhiều nước khác trên thế giới, biện pháp phong tỏa chống COVID-19 đã nhanh chóng khiến tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng mạnh. Tỉ lệ này nhảy vọt lên 14,7% vào tháng 4, mức cao nhất kể từ Đại Khủng hoảng 1930. Bộ Lao động Mỹ cho biết có hơn 20 triệu người bị mất việc làm. Thành quả việc làm trong 10 năm bị xóa sổ chỉ trong một tháng.
Kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 4, tỉ lệ thất nghiệp đã giảm đáng kể xuống 7,9% vào tháng 9.
Tiền lương thực tế (điều chỉnh theo lạm phát) tăng trong suốt ba năm đầu ông Trump cầm quyền. Xu hướng đi lên ổn định của tiền lương được bắt đầu từ nhiệm kì đầu tiên của Tổng thống Obama.
Mức tăng tiền lương đạt 2,1%/năm vào tháng 2/2019. Con số này thấp hơn mức tăng lương thực tế lên tới 2,4% vào năm 2015 khi ông Obama ở trong Nhà Trắng.
Thu nhập trung bình trong giai đoạn đầu Mỹ tiến hành phong tỏa tăng nhanh chóng. Đây là hậu quả của việc những người lao động có thu nhập thấp nhất bị mất việc làm với tỉ lệ không cân xứng trong suy thoái.
Do những người có mức lương thấp hơn không có việc làm, dữ liệu về mức lương trung bình theo giờ tăng lên mạnh mẽ. Khi các hạn chế kinh tế được nới lỏng, mức lương trung bình lại giảm trở lại.
Năm 2019, ông Trump tuyên bố đã đạt được "thành tích giảm nghèo lớn nhất dưới thời bất kì tổng thống nào trong lịch sử".
Theo dữ liệu chính thức, số người phải sống dưới ngưỡng nghèo của Mỹ năm 2019 giảm 4,2 triệu so với năm trước. Mức giảm này khá ấn tượng, nhưng không phải là lớn nhất trong lịch sử.
Cục điều tra dân số Mỹ công bố dữ liệu nghèo đói từ cuối những năm 1950. Sự sụt giảm số người nghèo lớn nhất trong một năm diễn ra vào năm 1966 dưới thời chính quyền của Tổng thống Lyndon B Johnson: gần 4,7 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo khó.
Cuộc khủng hoảng tài chính 2007/2008 và suy thoái kinh tế theo sau đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của tình trạng nghèo. Tỉ lệ này chỉ bắt đầu giảm từ năm 2015 dưới thời chính quyền ông Obama, với nền kinh tế tăng trưởng trở lại và số việc làm tăng lên.
Sức mạnh của nền kinh tế dưới thời ông Trump (ít nhất là cho đến khi đại dịch xảy ra) khớp với xu hướng đi xuống của tỉ lệ nghèo.
Tuy nhiên, con số tổng thể toàn quốc đã che giấu sự khác biệt rộng rãi giữa các khu vực và nhóm dân tộc ở Mỹ. Năm 2019, khoảng 10,5% dân số được xác định là sống trong cảnh nghèo khó, nhưng tỉ lệ này ở nhóm người Mỹ da đen là 18,8% và ở người Mỹ da trắng (không phải gốc Tây Ban Nha) là 7,3%.
Chưa có số liệu cho năm 2020 nhưng dự kiến tỉ lệ nghèo sẽ tăng mạnh do tác động của đại dịch.