|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Trump tính đến nguy cơ thất cử

11:37 | 19/10/2020
Chia sẻ
Trong các cuộc vận động gần đây, ông Trump không chút giấu giếm về vị thế bấp bênh của mình trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Ông lớn tiếng nói về điều mà đội ngũ tranh cử của ông muốn giữ im lặng: ông có thể thất cử.
Ông Trump phát đi thông điệp đau đớn: Tôi có thể thất cử - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: Getty Images)

Ông Trump đã nói nói to và rõ về khả năng thất bại đáng xấu hổ trong cuộc bầu cử tổng thống 2020. Ông thừa nhận kết quả tệ hại của mình trong các cuộc khảo sát. Ông còn đưa ra lời kêu gọi khẩn thiết tới hai nhóm cử tri quan trọng là phụ nữ ngoại ô và người lớn tuổi.

Ông Trump phát biểu tại sự kiện tranh cử tối ngày 16/10 tại bang Georgia: "Các bạn có thể tưởng tượng sẽ thế nào nếu tôi thua không? Cả đời tôi, tôi sẽ làm gì? Tôi sẽ nói rằng: "Tôi đã thua cuộc trước ứng viên tồi tệ nhất lịch sử chính trị". Tôi thấy không ổn. Có lẽ tôi sẽ rời nước Mỹ. Tôi không biết nữa".

Các trợ lí của ông Trump nói rằng hành động trên một phần là để phục vụ cho mục đích chiến thuật. Ông Trump thường vượt lên khi bị đánh giá thấp. Trong cuộc bầu cử năm 2016, các cuộc khảo sát cho thấy ông Trump tụt hậu so với bà Hillary Clinton một vài tuần trước ngày bỏ phiếu. Nhưng ông vẫn là người giành được chiến thắng cuối cùng.

Ông Trump đang vận dụng chiến lược tương tự 4 năm trước: tổ chức hàng loạt cuộc vận động tranh cử, tập trung vào tin tức về các hoạt động kinh doanh của gia đình ông Biden, tuyên bố rằng mình bị đối xử bất công.

Ông Bryan Lanza, một nhà vận động hành lang gần gũi với chiến dịch tranh cử của ông Trump nói với tờ Politico: "Trump tranh cử tốt nhất khi ông ta là người phản đòn… Chúng tôi thường nói rằng Trump giống như võ sĩ quyền anh Rocky Balboa – chờ đợi đối thủ tung cú đấm rồi ra đòn hạ đo ván".

Các trợ lí hi vọng rằng đòn phản công có thể đưa ông Trump đến vị trí tốt hơn trong cuộc đua. Dù có gắng thể hiện sức mạnh và sự tự tin sau khi bị nhiễm COVID-19, ông Trump đã công khai thừa nhận ông đang tụt lại rất xa.

Cuộc khảo sát công bố hôm 15/10 bởi Morning Consult cho thấy ông Biden đang dẫn trước ông Trump 9 điểm % và dẫn đầu tại các bang "chiến địa" gồm Pennsylvania, Florida, Wisconsin và Michigan.

Khẩn thiết kêu gọi sự ủng hộ

Tại các sự kiện tranh cử và cuộc phỏng vấn, ông Trump rất cởi mở về viễn cảnh thua cuộc và thậm chí còn nói rõ lí do vì sao ông đang bị bỏ xa.

Mặc dù hơn một nửa phụ nữ da trắng bỏ phiếu cho Trump vào năm 2016, cuộc thăm dò công bố vào tuần trước của ABC News/Washington Post cho thấy ông Biden đang dẫn trước ông Trump tới 28 điểm % trong nhóm phụ nữ ngoại ô.

Tại cuộc vận động ở Johnstown, Pennsylvania, ông Trump chia sẻ: "Có ai đó nói với tôi rằng: "Có thể phụ nữ ngoại ô không thích ông". Tôi hỏi: "Vì sao"? Họ đáp: "Có thể phụ nữ không thích cách ông nói chuyện". Nhưng tôi là luật pháp và trật tự. Tôi tập trung vào việc giữ cho các bạn được an toàn".

"Vậy nên tôi có thể nhờ các bạn một việc được không? Phụ nữ ngoại ô, các bạn có thể thích tôi được không? Tôi đã cứu khu phố của bạn".

Khảo sát gần đây của NBC News/Wall Street Journal cho thấy ông Trump kém đối thủ Biden 27 điểm % trong nhóm cử tri trên 65 tuổi.

Do đó trong khi ông Trump đang phục hồi từ COVID-19, ông đăng tải đoạn video đặc biệt nhắm vào "những người tôi yêu thích trên thế giới: người cao tuổi".

"Tôi là người cao tuổi", vị tổng thống 74 tuổi nói. "Bạn không biết điều này. Không ai biết. Có lẽ bạn không cần phải nói ra, nhưng tôi là người cao tuổi".

Ngày 16/10, ông Trump đến Florida để phát biểu về "Bảo vệ người cao tuổi của nước Mỹ".

"Những người cao niên đang bị đe dọa bởi phong trào cực tả muốn phá hủy lối sống của người Mỹ. Chúng tôi sẽ không cho phép điều này xảy ra", ông Trump tuyên bố.

Thông điệp của ông Trump – nài nỉ cử tri bỏ phiếu cho mình, thậm chí là nửa đùa nửa thật - mang tới nhiều rủi ro.

Ông Frank Luntz, chuyên gia thăm dò ý kiến lâu năm của đảng Cộng hòa cho biết: "Trump đang sử dụng cách tiếp cận sai lầm. Trump nên nói về việc đạt được sự ủng hộ của cử tri thay vì xin họ ủng hộ ông ta. Lẽ ra ông ta nên biến điểm yếu trong cuộc bầu cử thành sức mạnh".

Tuyên bố mình bị đối xử bất công

Ông Trump đã chấp nhận cái mác kẻ yếu thế trong giai đoạn nước rút của cuộc bầu cử, cáo buộc hệ thống đang chống lại ông và những người ủng hộ ông.

Ông Trump bám vào câu chuyện rằng cuộc bầu cử bị gian lận, các hãng truyền thông và công ty công nghệ lớn đang âm mưu chống lại ông và phong trào "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại".

Danh sách những gì ông Trump cho là đối xử bất công với ông tăng lên hàng ngày. Chỉ vài giờ trước chương trình với NBC tối 15/10, ông Trump tuyên bố mình bị "gài bẫy" bởi đài này.

Ông Trump còn tweet rằng chiến dịch tranh cử của ông "không được đối xử công bằng" bởi Ủy ban về các cuộc tranh luận tổng thống.

Trong các bài phát biểu tuần trước, ông Trump nhiều lần càu nhàu về ảnh hưởng của COVID-19 đối với thành tích kinh tế của mình. Hết lần này đến lần khác, ông phàn nàn rằng "chính quyền ngầm" của các quan chức chính phủ Mỹ đang mưu đồ chống lại ông.

Ông Trump đang tạo dựng lí do giải thích vì sao các lực lượng bên ngoài phải chịu trách nhiệm cho việc ông thất bại.

Một cựu quan chức Nhà Trắng nói rằng kể cả là việc ông Trump nhiễm COVID-19 và bỏ lỡ một tuần tranh cử cũng có thể coi là "phúc trong họa".

"Nếu Trump thua, ông ta có thể dùng việc đổ bệnh làm cái cớ", vị này giải thích.

Giang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.