|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thị trường ngoại hối hôm nay 4/3: Nhà đầu tư vẫn đứng ngồi không yên dù Fed đã hành động khẩn cấp

19:33 | 04/03/2020
Chia sẻ
Sau khi Fed hạ lãi suất khẩn cấp 50 điểm cơ bản để xoa dịu nỗi lo về tác động kinh tế của dịch COVID-19, đồng USD đã lao dốc nghiêm trọng. Tuy nhiên, đồng tiền này đã phục hồi phần nào trong phiên giao dịch hôm nay, dù nhà đầu tư còn khá bất an trước mọi diễn biến.

Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay

Hôm nay (4/3), vào lúc 18h16 giờ Việt Nam có 4/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm và 6 cặp còn lại tăng điểm.

Thị trường ngoại hối hôm nay 4/3: Nhà đầu tư vẫn đứng ngồi không yên dù Fed đã hành động khẩn cấp - Ảnh 1.

Tỷ giá 10 cặp tiền tệ cơ bản (Nguồn: Investing.com)

Trong đó, cặp AUD/USD tăng cao nhất với mức tăng 0,45% và cặp EUR/USD giảm mạnh nhất cũng với mức giảm 0,28%.

Thị trường ngoại hối hôm nay 4/3: Nhà đầu tư vẫn đứng ngồi không yên dù Fed đã hành động khẩn cấp - Ảnh 2.

Mức biến động giá trong ngày của các cặp tiền tệ (Nguồn: Investing.com)

Thị trường ngoại hối hôm nay 4/3: Nhà đầu tư vẫn đứng ngồi không yên dù Fed đã hành động khẩn cấp - Ảnh 3.

Thị trường chưa hết bất ổn dù Fed đã hạ lãi suất khẩn cấp

Đồng USD đã phục hồi phần nào trong phiên giao dịch hôm nay sau khi suy yếu vào phiên trước, ngay thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất khẩn cấp 50 điểm cơ bản để xoa dịu nỗi lo về tác động kinh tế của dịch virus corona (COVID-19).

Cụ thể, sau cuộc họp bất thường hôm 3/3, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã quyết định hạ lãi suất 0,5 điểm cơ bản. Đây là một động thái gây bất ngờ cho thị trường, dù các nhà đầu tư và nhiều chuyên gia thực sự kì vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ nới lỏng chính sách trong cuộc họp sắp tới.

Lần gần nhất Fed hạ lãi suất khẩn cấp như vậy là vào tháng 10/2008, thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính khiến thị trường toàn cầu biến động dữ dội.

Tuy nhiên, theo tổng hợp trên Investing.com, nhà đầu tư vẫn còn lo sợ rằng việc hạ lãi suất không đủ để hỗ trợ thị trường sau khi Fed cho hay qui mô tác động của dịch virus corona cũng như những hạn chế của chính sách tiền tệ khi đối phó với một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng như dịch bệnh này.

Phát biểu sau động thái nới lỏng chính sách khẩn cấp, Chủ tịch Fed cho hay: "Chúng tôi hiểu việc hạ lãi suất sẽ không kìm hãm được tốc độ lây nhiễm hay khắc phục được chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn".

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế Việt Nam, tính đến 18h30 (giờ Việt Nam) ngày 4/3, ngoài Trung Quốc đã có đến 81 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các ca nhiễm virus corona.

Số trường hợp xác nhận nhiễm bệnh trên toàn thế giới hiện là 93.528 và số ca tử vong là 3.203.

Sau Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc, Italy, du thuyền Diamond Princess, Iran và Nhật Bản là các điểm nóng khác về dịch COVID-19.

Đáng chú ý, số liệu thống kê của Hàn Quốc, Italy và Iran đã tăng chóng mặt trong vài ngày gần đây, trong đó số ca nhiễm - tử vong hiện tại ở ba nước này lần lượt là 5.621 - 33; 2.502 - 79; và 2.336 - 77.

Cũng theo số liệu mới, tỉ lệ tử vong của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) hiện là 3,4%, cao hơn so với ước tính trước đây là khoảng 2%.

"Câu hỏi hiện giờ là liệu một đợt hạ lãi suất khẩn cấp như Fed đã thực hiện có đủ hiệu quả hay chưa", ông Sameer Goel - chiến lược gia trưởng tại Deutsche Bank (Singapore), cho hay.

"Hiện chưa rõ tác động của dịch virus corona lớn đến đâu hoặc sẽ bành trướng như thế nào. Cho đến khi bạn nắm rõ qui mô của dịch bệnh, thì chẳng có loại thuốc nào có thể chữa lành tâm lí hoảng loạn của nhà đầu tư", ông nhận định.

Vào lúc 15h35 giờ Việt Nam, đồng USD đã giảm xuống còn 106,85 JPY đổi một USD, mức thấp nhất trong gần 5 tháng trước khi phục hồi về lại ngưỡng 107,41 JPY đổi một USD.

Trong khi đó, đồng bạc xanh giao dịch quanh ngưỡng 0,955 USD đổi một CHF, gần mức đáy hai tháng ghi nhận hôm 3/3.

Đồng EUR lần cuối giao dịch ở mức 1,1178 USD đổi một EUR, gần mức đỉnh hai tháng đạt được ngày 3/3. Còn so với đồng USD, đồng GBP đã giảm xuống còn 1,2792 USD đổi một GBP, "trả lại" mức tăng khiêm tốn của phiên trước.

Ngoài kì vọng Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) hạ lãi suất, bất ổn xoay quanh quá trình đàm phán thương mại giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) cũng đè nặng lên đồng GBP.

Khả Nhân