Thị trường ngoại hối hôm nay 2/3: Các NHTW lớn cam kết sẽ chung tay bảo vệ thị trường, tâm lí hoảng loạn đã rút bớt
Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay
Hôm nay (2/3), vào lúc 19h22 giờ Việt Nam có 5/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm và 5 cặp còn lại tăng điểm.
Trong đó, cặp EUR/GBP tăng cao nhất với mức tăng 1,4% và cặp USD/CHF giảm mạnh nhất cũng với mức giảm 0,84%.
Các ngân hàng trung ương cùng chung ta, hứa hẹn bảo vệ thị trường
Trong phiên giao dịch hôm nay, đồng euro (EUR) đã tăng lên mức đỉnh một tháng so với đồng USD, trong khi các đồng tiền ở những thị trường mới nổi phục hồi mạnh mẽ.
Thị trường ngoại hối ghi nhận diễn biến như vậy là nhờ bình luận của một số ngân hàng trung ương (NHTW) lớn trên khắp thế giới, theo đó họ hứa hẹn sẽ phối hợp hành động để củng cố thị trường đang hoảng loạn vì dịch virus corona (COVID-19).
Đêm qua, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã nối gót Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), phát đi tín hiệu sẽ nỗ lực hỗ trợ thị trường trong trường hợp bất ổn đối với triển vọng kinh tế toàn cầu gia tăng do dịch COVID-19.
BoJ cho hay họ "sẽ cố gắng duy trì thanh khoản dồi dào và đảm bảo sự ổn định trên thị trường tài chính thông qua các nghiệp vụ thị trường phù hợp".
Hôm 28/2, Fed đã phá vỡ làn sóng bán tháo trên thị trường tài chính nhờ thông điệp rằng họ sẽ hành động phù hợp để củng cố nền kinh tế Mỹ.
Mặc dù nội dung của tuyên bố này không khác so với thông điệp trước đây của Fed, động thái này được xem như một tín hiệu đảm bảo rằng các NHTW sẽ không bỏ mặc thị trường tài chính hoảng loạn và rơi vào suy thoái.
"Các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Mỹ vẫn đang rất mạnh mẽ", Chủ tịch Fed Jerome Powell cho hay.
Hôm nay, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng đưa ra thông báo tương tự, cho hay họ sẵn sàng thực hiện mọi động thái cần thiết để đảm bảo tính ổn định của thị trường.
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp (BoF) Francois Villerou de Galhau chia sẻ với kênh truyền hình BFM TV rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đang chuẩn bị "hành động nhiều hơn" nếu cần thiết để củng cố nền kinh tế đồng tiền chung.
Tuy nhiên, ông Galhau cho hay ông không nghĩ thời điểm cần thiết này đã đến. Chỉ số PMI tháng 2 do IHS Markit phân tích, dự kiến công bố trong vài ngày tới, có thể đổi chiều nhận định của ông Galhau.
Vào lúc 15h05 giờ Việt Nam, đồng EUR giao dịch quanh mức 1,1079 USD đổi một EUR, tăng 0,4% so với cuối phiên 28/2.
Theo tổng hợp trên Investing.com, chỉ số USD Index dùng để đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ giảm 0,2% xuống còn 97,91 điểm - mức thấp nhất trong một tháng qua.
Ở diễn biến khác, đồng bảng Anh (GB) tiếp tục suy yếu vì áp lực từ bình luận của Thủ tướng Boris Johnson. Cụ thể, cuối tuần qua, ông Boris Johnson đã đe dọa sẽ rút khỏi quá trình đàm phán thỏa thuận chuyển tiếp với Liên minh châu Âu (EU) nếu EU tiếp tục nhấn mạnh vai trò của Tòa án Công lí châu Âu trong lúc đàm phán.
Vào lúc 15h05 giờ Việt Nam, đồng GBP giảm 0,1% so với đồng USD, ghi nhận ở ngưỡng 1,2794 USD đổi một GBP.
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế Việt Nam, tính đến 18h30 (giờ Việt Nam) ngày 2/3, ngoài Trung Quốc đã có đến 66 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các ca nhiễm virus corona, mới nhất là Indonesia với hai ca nhiễm đầu tiên.
Số trường hợp xác nhận nhiễm bệnh trên toàn thế giới hiện là 89.767 và số ca tử vong là 3.061.
Sau Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc, Italy, du thuyền Diamond Princess, Iran và Nhật Bản là các điểm nóng khác về dịch COVID-19.
Đáng chú ý, số liệu thống kê của Hàn Quốc, Italy và Iran đã tăng chóng mặt trong vài ngày gần đây, trong đó số ca nhiễm - tử vong hiện tại ở ba nước này lần lượt là 4.335 - 246; 1.696 - 34; và 1.501 - 66.