|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thị trường ngoại hối hôm nay 20/4: Nhà đầu tư tìm đến đồng USD làm 'vịnh tránh bão'

19:05 | 20/04/2020
Chia sẻ
Trong phiên giao dịch hôm nay, nhà đầu tư đã tìm về trú ẩn trong "vịnh tránh bão" USD trong bối cảnh nhiều tin tức tiêu cực về tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 liên tục được công bố.

Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay

Hôm nay (20/4), vào lúc 18h30 giờ Việt Nam có 4/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm và 6 cặp còn lại tăng điểm.

Thị trường ngoại hối hôm nay 20/4: Giao dịch đang đi vào 'tâm bão', nhà đầu tư tìm đến đồng tiền trú ẩn USD - Ảnh 1.

Tỷ giá 10 cặp tiền tệ cơ bản. (Nguồn: Investing.com)

Trong đó, cặp USD/CAD tăng cao nhất với mức tăng 0,79% và cặp GBP/USD giảm mạnh nhất cũng với mức giảm 0,38%.

Thị trường ngoại hối hôm nay 20/4: Giao dịch đang đi vào 'tâm bão', nhà đầu tư tìm đến đồng tiền trú ẩn USD - Ảnh 2.

Mức biến động giá trong ngày của các cặp tiền tệ. (Nguồn: Investing.com)

Thị trường ngoại hối hôm nay 20/4: Giao dịch đang đi vào 'tâm bão', nhà đầu tư tìm đến đồng tiền trú ẩn USD - Ảnh 3.

Tin xấu liên quan đến COVID-19 quá nhiều, nhà đầu tư tăng mua USD

Trong phiên giao dịch hôm nay, nhà đầu tư quay về trú ẩn trong "vịnh tránh bão" USD khi mà nhiều tin tức tiêu cực về tác động của đại dịch COVID-19 liên tục được công bố.

Vào lúc 13h55 giờ Việt Nam, chỉ số USD Index dùng để đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chính tăng 0,2% lên ngưỡng 100,058 điểm.

Cùng thời điểm này, cặp tỷ giá GBP/USD giảm hơn 0,3% xuống còn 1,2464 USD/GBP, trong khi cặp USD/JPY tăng 0,3% lên mức 107,86 JPY/USD.

"Chúng ta đang đi vào tâm bão", ông Chris Weston - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của công ty môi giới Pepperstone, chia sẻ với CNBC.

"Khi thị trường ngoại hối bắt đầu ít chú ý đến diễn biến của đại dịch hoặc chí ít là ít nhạy cảm với tin tức về COVID-19 hơn, nhà đầu tư sẽ tập trung vào tác động lâu dài của dịch đối với nền kinh tế và khả năng chống đỡ của các nước", ông Weston nói thêm.

Trong tuần này, Mỹ sẽ công bố số liệu việc làm hàng tháng và khu vực Eurozone sẽ tiết lộ kết quả các cuộc khảo sát niềm tin doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cùng lúc, chính phủ các nước trên thế giới dần tiến đến việc mở cửa nền kinh tế sau một thời gian phong tỏa trên diện rộng.

Một trong các đồng tiền mạnh bị khuất phục trước đà tăng của đồng USD trong phiên giao dịch hôm nay là đồng EUR. Đồng tiền chung của khu vực Eurozone suy yếu sau khi Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này có thể sẽ cần tăng gấp ba mức viện trợ đã đề xuất trước đó để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế.

Vào lúc 13h55 giờ Việt Nam, cặp tỷ giá EUR/USD giảm 0,2% xuống giao dịch quanh mức 1,0856 USD/EUR, theo tổng hợp của Investing.com.

"Các bộ trưởng tài chính EU đã đề xuất tăng gói viện trợ thêm 500 tỉ euro nhằm tài trợ cho hệ thống y tế cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khó khăn.

Như vậy, khoản viện trợ cần thiết để ứng phó với đại dịch hiện nay lên tới ít nhất 1.000 tỉ euro. Đây là con số mà chúng tôi cần để giải quyết tác động kinh tế của COVID-19", ông Paolo Gentiloni - Ủy viên Kinh tế của EU trả lời phỏng vấn tờ Der Spiegel của Đức.

Ở diễn biến khác, thị trường dầu mỏ thế giới hôm nay liên tục đón nhận tin sốc khi giá dầu thô lao dốc mạnh trong bối cảnh các lệnh phong tỏa khiến hoạt động sản xuất và đi lại của người dân toàn cầu giảm, đẩy nhu cầu dầu thô xuống mức thấp.

Vào lúc 14h20 giờ Việt Nam, giá dầu WTI giao tháng 5 đã giảm mạnh 19% xuống còn 14,8 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ năm 1999. Giá dầu Brent giao tháng 6 giảm 2,9% xuống 27,3 USD/thùng, theo dữ liệu ghi nhận từ Bloomberg.

Ngay cả khi OPEC và các nước đồng minh (thường gọi là OPEC+) đã đạt được thỏa thuận giảm sản lượng kỉ lục 9,7 triệu thùng/ngày sau nhiều cuộc họp căng thẳng từ đầu tháng 4, thì mức giảm vẫn chưa thể bù đắp nhu cầu dầu thô bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Hiện tại, các chuyên gia chưa biết đà lao dốc của giá dầu thô sẽ kéo dài trong bao lâu, tuy nhiên ảnh hưởng của sự việc là rất lớn. Theo đó, một số đồng tiền hàng hóa như AUD và NZD có thể chịu tác động lớn trong thời gian tới.

Khả Nhân

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.