Cơn bão COVID-19 đang đẩy những nhà bán lẻ yếu ra khỏi thị trường
Đối với chuỗi bách hóa I.C. Penny, nguy cơ phá sản bắt đầu hiện rõ sau khi họ không thanh toán khoản lãi vay 15 triệu USD hồi giữa tháng 4. Tập đoàn cũng phải gạt sang một bên kế hoạch cải tổ mô hình kinh doanh để phục hồi do đại dịch viêm phổi cấp COVID-19, sự kiện khiến họ phải đóng mọi siêu thị để cách li xã hội.
Macy's - chuỗi bán lẻ đang cạn tiền mặt và giảm khả năng thanh khoản - đã thuê các cố vấn của ngân hàng tư vấn Lazard và hãng luật Kirkland & Ellis để xem xét hàng loạt giải pháp trong nỗ lực cứu vãn tình hình.
Hồi đầu tháng 4, tập đoàn Nordstrom cầm cố một số bất động sản cho một doanh nghiệp khác để vay 600 triệu USD.
Neiman Marcus, chuỗi siêu thị bách hóa cao cấp, cũng không thanh toán khoản lãi trái phiếu hôm 15/4, theo nội dung một thư mà Quĩ Marble Ridge Capital - đang nắm lượng trái phiếu trị giá gần 138 triệu USD của Neiman Marcus - gửi tới ban lãnh đạo của chuỗi bán lẻ.
Trái phiếu của Neiman Marcus sẽ đáo hạn vào tháng 10 năm sau. Chuỗi còn thời hạn tới giữa tháng 5 để thực hiện việc trả lãi. Sau đó, nếu Neiman Marcus không thanh toán, những người nắm trái phiếu có thể đưa tập đoàn ra tòa án để tuyên bố phá sản.
Reuters đưa tin hôm 20/4 rằng Neiman Marcus đang bàn bạc khả năng xin bảo hộ phá sản ngay trong tuần này.
Ngay từ trước khi COVID-19 xuất hiện ở Mỹ, hoạt động kinh doanh của các siêu thị bách hóa đã suy yếu do họ thích nghi chậm với thị hiếu đang thay đổi của người tiêu dùng. Trong lúc một số chuỗi siêu thị bách hóa đầu tư cho những giải pháp nhằm kéo khách hàng trở lại, sự bùng nổ của COVID-19 buộc họ phải tạm ngừng bán và không ai biết thời điểm họ sẽ mở cửa trở lại các siêu thị.
Tình hình rất nguy cấp. Các chuỗi siêu thị bách hóa cần tiền, và cần gấp, để chống đỡ trong thời gian mà các điểm bán tạm ngừng hoạt động. Nhưng khi chúng hoạt động trở lại, họ cần thêm nhiều tiền hơn để đầu tư và tăng doanh thu.
Do mỗi nhà bán lẻ hướng tới một giải pháp, rất có thể một số kế hoạch của họ không đáng để nhận vốn. Các ngân hàng muốn cho vay, song họ chỉ chọn những nhà bán lẻ xứng đáng.
"Mọi đối tượng vay vốn đều đang trình bày giải pháp thoát hiểm. Khác với khủng hoảng năm 2008, lần này các ngân hàng khá cởi mở với giới doanh nghiệp", Cathy Leonhardt, giám đốc bán lẻ tiêu dùng của PJ Solomon, bình luận.
PJ Solomon nói thêm rằng những doanh nghiệp sáng suốt nhất và hiệu quả nhất sẽ tồn tại, và thậm chí phát triển mạnh hơn sau đại dịch COVID-19. Những nhà bán lẻ còn lại sẽ khó mà vay tiền để sinh tồn.
Người tiêu dùng đang dần xa lánh các siêu thị. Trong mùa mua sắm trước, các cửa hàng bách hóa chứng kiến doanh số giảm 1,8% trong khoảng thời gian từ ngày 1/11 tới 24/12, theo chỉ số Mastercard Spending Pulse. Trong khi đó, tổng doanh số bán lẻ trên toàn nước Mỹ vẫn tăng 4,1% trong cùng kì, theo số liệu của Liên minh Bán lẻ Quốc gia.
Hàng loạt thương hiệu - như Nike, Coach và Levi's - là nguồn cung sản phẩm cho các chuỗi siêu thị bách hóa. Tuy nhiên, gần đây các thương hiệu ấy lại muốn đầu tư vào cửa hàng và trang web của họ để bán trực tiếp cho người tiêu dùng, khiến các chuỗi siêu thị bách hóa lao đao.