Ngay cả khi khốn đốn vì COVID-19, tỉ phú Richard Branson vẫn thể hiện sự khác biệt với đề nghị thế chấp đảo để vay tiền
Hôm 20/4, tỉ phú Richard Branson, người sáng lập Virgin Atlantic và Virgin Australia, thừa nhận hai hãng hàng không này cần sự hỗ trợ của chính phủ Anh và Australia để tiếp tục tồn tại trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến các máy bay không thể cất cánh.
Trong lá thư dành cho nhân viên, Branson nói sự tồn tại của Virgin Atlantic và Virgin Australia là yếu tố cần thiết để duy trì sự cạnh tranh với các hãng hàng không British Airways (Anh) và Qantas (Australia), theo CNN.
"Nếu Virgin Australia phá sản, Quantas sẽ trở thành thế lực độc quyền trên bầu trời Australia", ông nhận định.
Bản thân Branson đã rót 250 triệu USD vào tập đoàn Virgin để ứng phó dịch bệnh, và ông sẵn sàng thế chấp đảo Necker trong vùng biển Caribbe để vay tiền.
"Tôi muốn vay tiền để cứu nhiều việc làm nhất có thể trong tập đoàn Virgin", ông thổ lộ.
Vị tỉ phú nổi tiếng với những hành động lập dị xác nhận rằng hãng hàng không Virgin Atlantic sẽ vay một khoản tiền từ chính phủ Anh, song không tiết lộ con số.
"Một thực tế trong cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ hiện nay là nhiều hãng hàng không trên thế giới cần sự hỗ trợ của chính phủ và nhiều hãng đã nhận khoản vay. Nếu chính phủ không giúp, cạnh tranh sẽ biến mất và hàng trăm nghìn người sẽ mất việc", ông nhận định.
Lệnh cấm di chuyển quốc tế và phong tỏa ở cấp độ quốc gia đã đẩy ngành hàng không tới tình trạng tê liệt, khiến hàng chục hãng hàng không phải ngừng khai thác phi cơ và để nhân viên nghỉ việc không lương.
Tuần trước, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế ước tính doanh thu của ngành hàng không sẽ giảm một nửa trong năm nay, thấp hơn 314 tỉ USD so với năm ngoái.
Trong khi các hãng hàng không Mỹ đã nhận khoản tiền hỗ trợ hàng chục tỉ USD từ chính phủ, các chính phủ châu Âu vẫn chưa công bố gói cứu trợ tổng thể dành cho ngành hàng không, mà chỉ cho một số hãng vay tiền để trả lương cho người lao động.
Hãng hàng không giá rẻ EasyJet xác nhận họ đã vay chính phủ Anh 746,6 triệu USD. Chính phủ Anh tuyên bố họ sẽ xem xét từng hãng hàng không để ra quyết định cho vay hay không.
Lufthansa, một trong những hãng hàng không lớn nhất châu Âu, đã giảm vĩnh viễn số lượng máy bay và giải thể một hãng hàng không giá rẻ trực thuộc. Ban lãnh đạo tập đoàn cảnh báo ngành hàng không sẽ cần vài năm để phục hồi sau khủng hoảng COVID-19.
British Airways và Virgin Atlantic đã cho tổng cộng 38.000 nhân viên nghỉ không lương và đang phải dựa vào chính phủ Anh để trả lương cho những người này.
Virgin hoạt động trong nhiều lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19, như hàng không, giải trí, khách sạn và du thuyền. Lực lượng người lao động của tập đoàn vào khoảng 70.000 người ở 35 quốc gia.
"Thách thức hiện nay là chúng tôi không có doanh thu, nhưng lại phải chi rất nhiều khoản", Branson giải thích.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/