Thị trường chứng khoán chờ mảnh ghép khối ngoại
Người viết nhìn nhận rằng việc thị trường chứng khoán Việt Nam có một pha điều chỉnh khá mạnh trong quí 2-2018, ở một chừng mực nào đó là diễn biến hợp lý khi mà trước đó mức độ hưng phấn của thị trường đã có phần thái quá và thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung cũng có diễn biến không thuận lợi trước những thông tin xấu liên quan đến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Dù vậy cho đến giai đoạn gần đây, đặc biệt là hai tuần qua, chúng tôi đánh giá mức độ và tốc độ giảm của TTCK Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu của sự quá đà và phần nào phản ánh tâm lý hoảng loạn (ở mức không cần thiết) của các NĐT, đặc biệt là các NĐT trong nước.
Tính từ ngày 25-6 đến nay (2 tuần), các thị trường tại khu vực Châu Á chỉ ghi nhận mức giảm trung bình 1% và Dowjone gần như đi ngang thì VN-Index của Việt Nam trong giai đoạn này đã giảm đến 7,4%. Điều này cho thấy mức độ giảm giá tại thị trường Việt Nam trong khoảng hai tuần qua đã không thể còn được lý giải bằng việc thị trường toàn cầu tiêu cực. Đây là điểm rất cần chú ý.
Những tính toán của người viết cho thấy mức độ bán tháo hiện nay của thị trường đã vượt xa với trạng thái các đợt bán tháo thường có trong giai đoạn từ 2013 – 2017. Còn nếu so sánh với giai đoạn xấu hơn, 2011-2012 thì mức độ bán tháo hiện tại vẫn yếu hơn. Tuy nhiên khi nhìn về tốc độ rơi của giá thì đã vượt cả giai đoạn 2011-2012. Trừ khi NĐT nghĩ rằng Việt Nam đang quay lại thời kỳ 2007-2008 – giai đoạn sau bong bóng chứng khoán thì mới có thể nói rằng tốc độ rớt giá như hiện nay là hợp lý.
Tính đến hiện tại PE 2018 của thị trường Việt Nam (tính đầy đủ) đã về lại mức gần 17 lần (từ mức đỉnh điểm gần 22 lần), mức định giá này đã bắt đầu thấp hơn so với nhiều quốc gia tương đồng khác trong khu vực như, Indonesia (19,5 lần) , Phillipines (18,5 lần), Malay (17,3 lần). Điều này cho thấy định giá tại thị trường Việt Nam đã không còn đắt so với những gì giới đầu tư lo ngại vào giai đoạn quí 1-2018. Đó là chưa kể nếu chúng ta “bóc tách” sự ảnh hưởng từ cá biệt một số cổ phiếu đặc biệt tại TTCK Việt Nam thì PE trung bình của thị trường sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 14 lần, một con số đáng suy ngẫm về độ hấp dẫn của thị trường.
Dù đánh giá mức độ bán tháo hiện tại của thị trường đã ở mức thái quá, điều này không đồng nghia với việc thị trường chắc chắn sẽ có phục hồi mạnh. Ở chiều hồi phục, như đã lưu ý trong bài viết cuối tuần trước, người viết cho rằng thị trường Việt Nam cần “nới lỏng” được ba nút thắt, vốn là những vấn đề mà NĐT sẽ nhìn vào đó để đánh giá lại triển vọng của thị trường.
Ba “nút thắt” này bao gồm: (1) Khối ngoại giảm cường độ bán ròng; (2) Diễn biến tại thị trường các quốc gia mới nổi ít nhất đi ngang và (3) Chỉ số sức mạnh USD không vượt 95.
2/3 nút thắt đã thỏa khi diễn biến của thị trường chứng khoán toàn cầu đã ghi nhận khởi sắc bất chấp những thông tin chính thức đầu tiên về việc áp thuế qua lại giữa Mỹ - Trung đã thành hiện thực. Đồng đô la cũng có diễn biến thuận lợi khi chỉ số DXY đến cuối tuần thậm chí đã về dưới mức 94 – vùng gần đáy trong một tháng trở lại đây.
“Nút thắt” cuối cùng khiến tâm lý NĐT bị kìm hãm chính là trạng thái bán ròng của khối ngoại vẫn duy trì. Tính trong tuần rồi khối ngoại đã gia tăng cường độ bán ròng lên hơn 1.600 tỉ đồng tính riêng tại HSX, gấp 3 lần con số bán ròng trong tuần trước đó.
Không quá lời khi nói rằng đây sẽ là mảnh ghép quan trọng nhất trong tuần sau để quyết định đà hồi phục của thị trường sau phiên tăng mạnh mẽ trong thứ Sáu vừa rồi, có tiếp tục được duy trì hay không. Một kết quả tiết giảm mạnh bán ròng trở lại của khối ngoại hay “ngoạn ngục” hơn là quay lại mua ròng sẽ tạo ra cú hích rất mạnh để “giải tỏa” tâm lý cho NĐT trong bối cảnh hiện nay, khi mà phần lớn những vấn đề khác đã dần trở nên thuận lợi.