|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thép Trung Quốc đối mặt sóng gió khi ông Trump trở lại Nhà Trắng

22:44 | 18/11/2024
Chia sẻ
Nếu Trung Quốc không thay đổi chiến lược hiện tại và quyết định tái bơm tiền vào thị trường nhà đất hoặc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, mức tiêu thụ thép ở Trung Quốc sẽ suy giảm trong dài hạn.

Các nhà sản xuất thép tại Trung Quốc, quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới, đang phụ thuộc nhiều vào doanh số bán hàng ở nước ngoài để giải quyết tình trạng dư thừa do khủng hoảng bất động sản kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, họ đang vấp phải những cáo buộc bán phá giá từ các nhà nhập khẩu và chính sách bảo hộ từ ông Donald Trump, người sắp trở lại Nhà Trắng.

Nếu Trung Quốc không thay đổi chiến lược hiện tại và quyết định tái bơm tiền vào thị trường nhà đất hoặc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, mức tiêu thụ thép ở Trung Quốc sẽ suy giảm trong dài hạn.

Tuy nhiên, các nhà máy hầu như không cắt giảm sản lượng để phù hợp với thực tế đó. Kết quả là lượng xuất khẩu gần đạt mức kỷ lục. Hơn 11 triệu tấn đã được xuất xưởng trong tháng 10/2024, mức cao nhất trong chín năm.

 Thép cuộn tại nhà máy của Ben Gang Group Corporation ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, ngày 18/8/2021. (Ảnh: THX/TTXVN).

Các nhà đầu tư lo ngại rằng việc ông Trump tái đắc cử sẽ dẫn đến một cuộc chiến thương mại khác. Mặc dù Trung Quốc không bán trực tiếp nhiều thép cho Mỹ, nhưng chủ nghĩa bảo hộ có thể lan rộng khắp thị trường thép thế giới và kìm hãm thương mại toàn cầu.

Các nhà phân tích tại ANZ Group Holdings Ltd. cho rằng các nhà máy Trung Quốc có thể cố gắng "chạy trước" khi thuế quan tăng lên bằng cách tăng cường xuất khẩu hơn nữa trong vài tháng tới.

Trong lịch sử thương mại, thép Trung Quốc nằm trong nhóm “gây căng thẳng thương mại”. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, các nước nhập khẩu đã mở 25 cuộc điều tra chống bán phá giá tính từ đầu năm đến nay, mức nhiều nhất kể từ năm 2016.

Nhà phân tích Michelle Leung của Bloomberg Intelligence cho biết xuất khẩu thép của Trung Quốc có thể bắt đầu giảm vào cuối năm 2026 khi nhiều đối tác thương mại tăng cường kiểm soát xuất khẩu chống bán phá giá và tổng sản lượng thép giảm.

Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu thép sang các nền kinh tế đang phát triển lân cận, những nước vẫn cần xây dựng cơ sở hạ tầng trên quy mô lớn. Các quốc gia ở Đông Nam Á, Nam Á và Trung Đông đã ghi nhận mức tăng nhập khẩu lớn nhất trong năm nay và nhiều quốc gia là đối tác trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Tuy nhiên, những quốc gia đó cũng đang bị quá tải và đang dựng lên các rào cản thương mại để ứng phó. Điều này báo hiệu rắc rối cho các nhà sản xuất thép Trung Quốc vì thị trường đã bão hòa. Chi phí vận chuyển sẽ chỉ tăng lên khi phải vận chuyển đến các địa điểm xa hơn.

Xuất khẩu là yếu tố quan trọng giúp các nhà máy Trung Quốc duy trì hoạt động vì nhu cầu trong nước không đủ để duy trì sản lượng 1 tỷ tấn mỗi năm. Giờ đây, thép Trung Quốc giá rẻ đang cản trở toàn bộ thị trường. Các đối thủ từ "gã khổng lồ" thép châu Âu ArcelorMittal SA đến Nippon Steel Corp. của Nhật Bản đã kêu gọi các biện pháp cứng rắn hơn để ngăn chặn làn sóng này.

Theo bà Martina Reber, quản lý nghiên cứu tại Pala Investments Ltd., các sản phẩm thép của Trung Quốc thường rẻ hơn 10% đến 20% so với các nhà sản xuất lớn khác như Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng có những dấu hiệu đáng lo ngại ở một số điểm đến như Ấn Độ và Philippines (Phi-líp-pin), nơi giá trị xuất khẩu của Trung Quốc thực sự đã giảm ngay cả khi khối lượng tăng lên.

Các nước láng giềng khác cũng không hài lòng. Xuất khẩu từ Nhật Bản và Hàn Quốc đã chững lại khi đối mặt với sự cạnh tranh từ Trung Quốc, trong khi thị trường nội địa cũng bị đe dọa bởi dòng thép nhập khẩu.

Nhật Bản muốn mở rộng các biện pháp chống bán phá giá để ngăn chặn thép Trung Quốc được vận chuyển qua các nước thứ ba, trong khi Hàn Quốc đã mở một cuộc điều tra đối với việc nhập khẩu thép tấm không gỉ khi họ nhận được các khiếu nại về các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc được bán dưới giá thị trường.

Bà Martina Reber cho biết thép Trung Quốc giá rẻ tràn lan đã tạo ra những thách thức cho các nhà sản xuất ở Nhật Bản và Hàn Quốc, dẫn đến giảm thị phần và biên lợi nhuận.

Minh Hằng