Giá thép xây dựng tăng đợt thứ hai liên tiếp trong tháng 1
Thép cuộn đồng loạt tăng giá
Cuối tháng 1, một số doanh nghiệp sản xuất thép nâng 200.000-210.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cuộn CB240. Giá các mặt hàng thép xây dựng đang dao động 14,06 – 14,64 triệu đồng/tấn, theo số liệu của Steel Online.
Cụ thể, doanh nghiệp thép Hòa Phát đồng loạt 200.000 đồng/tấn đối với dòng thép cuộn CB240 ở cả ba miền, giá mặt hàng này đang giao dịch ở mức 14,34 triệu đồng/tấn. Còn thép thanh vằn D10 CB300 vẫn giữ nguyên mức giá ở đợt điều chỉnh trước, dao động 14,49-14,53 triệu đồng/tấn.
Tương tự, thương hiệu thép Việt Đức cũng nâng 200.000 đồng/tấn với dòng thép cuộn CB240 lên 14,24 triệu đồng/tấn. Còn loại D10 CB300 vẫn ổn định ở mức 14,64 triệu đồng/tấn.
Tại thép Kyoei Việt Nam, dòng thép cuộn CB240 hiện có giá 14,27 triệu đồng/tấn sau khi doanh nghiệp này điều chỉnh tăng 200.000 đồng/tấn. Thép D10 CB300 giữ nguyên mức giá 14,37 triệu đồng/tấn.
Với mức tăng 200.000 đồng/tấn, giá thép cuộn CB240 của thương hiệu thép VAS đang ở mức 14,41 triệu đồng/tấn, cao hơn mức giá 14,26 triệu đồng/tấn của mặt hàng thép thanh vằn D10 CB300.
Doanh nghiệp thép Việt Sing tăng 210.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240, lên 14,06 triệu đồng/tấn. Mức giá này hiện bằng với thép D10 CB300 của thương hiệu này.
Một số thương hiệu chưa ghi nhận điều chỉnh giá thép đợt thứ hai trong tháng 1, bao gồm Pomina miền Trung, Théo VJS miền Bắc...
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết từ đầu quý IV/2023, giá thép có xu hướng bật lên do tăng giá nguyên vật liệu (iron ore, than coke, phế, giá điện), chi phí tài chính và trượt giá USD/VND.
Nhà máy phải điều chỉnh tăng giá nhằm bù lại một phần giá tăng nguyên vật liệu, mặc dù nhu cầu vẫn ở mức thấp. Mức điều chỉnh giá sẽ không cao nhưng sẽ tiếp tục ở biên độ 100.000-150.000 đồng/tấn cho từng kỳ tăng giá.
Tuy nhiên, việc cạnh tranh về giá bán, về thị phần, thị trường của các nhà máy ngày càng trở nên khốc liệt để duy trì hoạt động của nhà máy. Hiện nay các nhà máy trong nước đối mặt nhiều khó khăn do giá tồn kho cao, giá bán thấp, và các chi phí tài chính.
Giá nguyên liệu thép đầu tháng 1 tiếp đà tăng
Năm 2023 chứng kiến sự biến động của giá nguyên liệu sản xuất thép tăng trong quý I, giảm trong quý II, ổn định trong quý III và tăng trở lại trong quý IV. Những ngày đầu năm 2024, nhiều mặt hàng nguyên liệu thép vẫn giữ đà tăng.
Theo đó, ngày 4/1, giá quặng sắt loại 62% Fe giao dịch ở mức 143 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, tăng 9 USD so với thời điểm đầu tháng 12/2023. Giá quặng sắt bình quân quý quý IV/2023 là khoảng 128-130 USD/tấn, tăng 30% so với năm 2022 và giá bình quân cả năm 2023 tăng nhẹ so với 2022. Giá quặng sắt có xu hướng tăng trong đầu tháng 1/2024.
Tương tự, giá thép phế nội địa trong tháng 1 tăng nhẹ khoảng 300 – 400 đồng/kg, giữ mức 9.100 đến 9.700 đồng/kg. Giá thép phế giao dịch cảng Đông Á ngày 4/1 giao dịch ở mức mức 397 USD/tấn, tăng 6 USD/tấn so với đầu tháng 12/2023.
Tuy nhiên, giá thép phế giao dịch cảng Đông Á bình quân đầu quý IV/2023 là 385 USD/tấn, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung giá giao dịch bình quân năm 2023 đạt 403,2 USD/tấn, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, giá than mỡ luyện cốc (Hard coking coal) xuất khẩu tại cảng Australia đầu tháng 1 giao dịch ở mức khoảng 275 USD/tấn FOB, giảm 4 USD/tấn so với mức giá giao đầu tháng 12/2023.
Giá than giao dịch bình quân quý IV/2023 là 269,2 USD/tấn, tăng 4% so với năm 2022. Tuy nhiên, mức giá bình quân cả năm 2023 đạt 223,8 USD/tấn, giảm 24% so với năm 2022.
Thị trường than điện cực graphite dự kiến sẽ ghi nhận các xu hướng tăng trưởng trong dài hạn, giá cho các điện cực giữ ở mức ổn định và có xu hướng tăng ở Trung Quốc. Trong quý IV/2023, giá than điện cực loại UHP600 dao động khoảng 6.000 USD/tấn FOB xuất khẩu của Trung Quốc.