|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp thép Việt chịu áp lực từ thép giá rẻ của Trung Quốc

17:00 | 27/01/2024
Chia sẻ
Những áp lực từ nhu cầu thị trường nội địa suy yếu đã khiến các nhà sản xuất thép Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu thép với giá rẻ. Điều này tạo ra sức ép với thị trường thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu thép giá rẻ

Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC), xuất khẩu thép của nước này trong năm 2023 đạt hơn 90 triệu tấn, tăng 36% so với năm 2023.  Đây đồng thời là mức cao nhất kể từ năm 2016. Giá thép xuất khẩu trung bình của năm 2023 chỉ khoảng 706 USD/tấn, giảm 35% so với năm 2022.

Phần lớn thép được xuất khẩu sang các khu vực có ít rào cản thương mại, bao gồm Đông Nam Á, Trung Đông, Nam Á, Trung Mỹ…

 Nguồn: Tổng cục Hải quan Trung Quốc (H.Mĩ tổng hợp)

Việt Nam nhập khẩu 8,3 triệu tấn thép từ Trung Quốc, tăng 63% so với năm 2022 và chiếm tỷ trọng cao nhất khoảng 78% cơ cấu các thị trường xuất khẩu thép vào Việt Nam. Giá thép nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm 2023 trung bình 681 USD/tấn, giảm 30% so với năm ngoái. 

Các doanh nghiệp thép Việt Nam đang tỏ ra lo lắng trước làn sóng đẩy mạnh xuất khẩu của Trung Quốc.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoà Phát, cho biết năm 2024 thị trường thép trong nước sẽ đối mặt với nhiều rủi ro trong đó có việc nền kinh tế Trung Quốc có thể chưa khởi sắc. 

“Áp lực từ thị trường Trung Quốc rất lớn. Năm ngoái, nước này xuất khẩu hơn 90 triệu tấn tấn thép và dự kiến có thể tăng lên 100 triệu tán trong năm nay. Rõ ràng, nhiều nước đang dựng hàng rào với Trung Quốc. Nếu Việt Nam không có biện pháp phòng vệ thương mạng xứng đáng, chắc chắn với vị trí ngay sát Trung Quốc, áp lực thép nước này đổ vào thị trường nội địa rất lớn. Do đó, chúng tôi mong muốn cơ quan nhà nước có biến pháp hỗ trợ chính đáng và công bằng”, ông Thắng nói. 

Trước đó, Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ (còn gọi là tôn mạ) nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc vào năm 2017 với mức thuế cao nhất là 38,34%. Mã vụ việc ER01.AD02. Sau 5 năm áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Bộ Công Thương quyết định chấm dứt lệnh này. 

Tuy nhiên, đến năm 2023, các doanh nghiệp thép nộp hồ sơ để kiến nghị Cục Phòng vệ Thương mại khởi xướng điều tra lại vụ việc AD02. 

Ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen, cho biết kể từ khi Việt Nam dừng vụ AD02, lượng tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng rõ rệt.

“Các doanh nghiệp cực kỳ khó khăn trong việc cạnh tranh. Dưới góc độ ngành sản xuất tôn mạ, chúng tôi mong muốn Cục Phòng vệ Thương mại đẩy nhanh tiến độ vụ AD02”, ông Thanh nói.  

Theo thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2023, Việt Nam đã khởi xướng điều tra 10 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến sản phẩm thép nhập khẩu. Trong đó, đa phần các vụ việc, sản phẩm thép có xuất sứ từ Trung Quốc. 

 Các vụ việc Việt Nam khởi xướng điều tra đối với sản phẩm thép giai đoạn 2022 - 2023 (Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam)

Nhu cầu thép Trung Quốc có thể tiếp tục giảm, áp lực toàn cầu vẫn lớn?

Các doanh nghiệp cho rằng nếu nền kinh tế của Trung Quốc trong năm 2024 phục hồi, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản, thì tiêu thụ thép của nước này tăng, từ đó áp lực sẽ giảm bớt đối với thị trường thép Việt Nam. 

Tuy nhiên theo Reuters, trong một cuộc họp báo mới đây, các quan chức tại Viện Nghiên cứu và Kế hoạch Công nghiệp Luyện kim Trung Quốc (MPI) cho biết nhu cầu của nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới này trong năm 2023 giảm 3,3 so với  năm 2022 và giảm thêm 1,7% vào năm 2024, do hoạt động xây dựng vẫn trầm lắng.

Theo đó, nhu cầu thép trong năm ngoái ở mức 890 triệu tấn trong khi sản lượng đạt trên 1 tỷ tấn khiến nguồn cung dư thừa. 

Ngành thép của nước này đã chịu áp lực đáng kể từ lĩnh vực bất động sản ngập trong nợ nần. Các nhà nghiên cứu tại MPI cho biết nhu cầu thép xây dựng trong năm 2023 ước tính giảm 4,8% so với năm 2022 xuống còn 506 triệu tấn.

Họ cho biết thêm, nhu cầu thép sẽ giảm xuống còn 875 triệu tấn vào năm 2024, với nhu cầu thép xây dựng giảm 4% trong năm tới.

Xây dựng bất động sản chiếm khoảng 35% nhu cầu thép của Trung Quốc và lĩnh vực này đã gặp khó khăn trong năm nay bởi các nhà phát triển lớn gặp phải khủng hoảng thanh khoản và doanh số bán hàng giảm. 

Tuy nhiên, ông Guan Zhijie, Phó tổng kỹ sư tại MPI, cho biết xuất khẩu thép của Trung Quốc trong năm tới có thể giảm nhẹ do tăng trưởng kinh tế  ở nước ngoài chậm lại. Mặc dù vậy, dù giảm nhẹ nhưng so với con số khá lớn trong năm 2023, áp lực đối với thị trường thép toàn cầu vẫn rất lớn.

Trong một báo cáo mới đây, bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) kỳ vọng giá thép có thể phục hồi trong thời gian tới, tuy nhiên giá khó có thể tăng mạnh vì thị trường bất động sản ở Trung Quốc chưa có nhiều khởi sắc, nhu cầu chung vẫn đang bị ảnh hưởng.

Mặt khác, sự gia tăng giá thép so với chi phí nguyên liệu đầu vào có thể thúc đẩy hoạt động sản xuất ở Trung Quốc quay trở lại.

H.Mĩ