|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp thép kỳ vọng gì trong năm 2024?

11:34 | 23/01/2024
Chia sẻ
Các doanh nghiệp sản xuất thép đang chờ đợi sự phục hồi từ ngành bất động sản và việc chính phủ tiếp tục thúc đẩy đầu tư công. Song, điều họ lo lắng là chi phí sản xuất đang tăng mạnh trong khi nhu cầu vẫn dừng ở mức “kỳ vọng”.

Nhu cầu thép năm 2024 có thể dần phục hồi

Sau một năm đầy khó khăn, doanh nghiệp thép đang đặt nhiều niềm tin hơn cho năm 2024 với kỳ vọng ngành bất động sản sẽ phục hồi và lượng tiêu thụ thép cuộn cán nóng ở các ngành sản xuất cao hơn.

Ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel, Mã: TVN), Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhận định năm 2024, thị trường thép đã có những dấu hiệu ban đầu phục hồi. 

“Với những chương trình thúc đẩy nền kinh tế của Chính phủ, trong đó có tháo gỡ khó khăn lĩnh vực bất động sản, hỗ trợ lãi suất, đẩy mạnh đầu tư công… chúng tôi dự báo ngành thép tăng trưởng sản lượng 10% trong năm 2024”, ông Đa nhận định. 

 Ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (Ảnh: H.Mĩ)

Năm 2023, ngành thép chứng kiến nhiều khó khăn, trong đó nền kinh tế tăng trưởng chậm và khủng hoảng ngành bất động sản đã làm tiêu thụ sụt giảm. Theo đó, tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng ở mức 3,74% - mức thấp so với nhiều năm trước đây, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành thép. 

Tiêu thụ thép ước đạt 20 triệu tấn, giảm 8% so với năm 2022. Sản xuất thép thành phẩm cả năm đạt 27 triệu tấn, giảm 8%. 

Nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, hiệu quả giảm sút do nhu cầu thép trong nước và thế giới giảm. Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ, khó khăn. 

 Nguồn: VSA, H.Mĩ tổng hợp.

“2024 sẽ là năm khởi động của ngành thép sau khi đã chạm đáy vào năm 2023. Thị trường sẽ bắt đầu vào đà phục hồi từ năm 2025”. Đó là nhận định của ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát khi trao đổi với chúng tôi về triển vọng của ngành thép trong năm 2024. 

Theo ông Thắng, năm 2023 chính là đáy của ngành thép và 2024 thị trường sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, mức độ tăng thế nào sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc nhanh hay chậm, lộ trình giảm lãi suất của Fed ra sao, triển vọng nền kinh tế Mỹ có suy thoái hay không.

Với thị trường nội địa, sức tiêu thụ cũng chưa thể phục hồi một cách nhanh chóng. “Hy vọng rằng thị trường bất động sản sẽ phục hồi vào nửa cuối năm nay sẽ tạo ra nhu cầu cho ngành thép”, ông Thắng nói. 

Trong ngành tôn mạ, doanh nghiệp cũng kỳ vọng nhiều vào xuất khẩu. Ông Lê Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tôn Phương Nam cho biết năm 2023, hoạt động kinh doanh của công ty tại các thị trường nước ngoài, đặc biệt là Châu Âu và Mỹ, chịu tác động rất lớn bởi khủng hoảng kinh tế và việc chi phí logistics tăng vào cuối năm.

"Sang năm 2024, chúng tôi rất kỳ vọng vào hoạt động xuất khẩu sang hai thị trường nói trên sẽ gia tăng. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã có những biện pháp giảm thiểu rủi ro, tìm kiếm các đối tác vận tải phù hợp để đảm bảo chi phí logistics cạnh tranh”, ông Việt nói.

Vị này cũng cho rằng thị trường trong nước sẽ có nhiều điểm sáng bởi các chính sách hỗ trợ kinh tế mà Chính phủ đưa ra năm 2023 phần nào đã có độ “ngấm”. Các doanh nghiệp bắt đầu quay trở lại kinh doanh.  Mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng giảm về bình quân trước khi xảy ra COVID-19, là động lực lớn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư công sẽ tác động tích cực cho ngành thép trong đó có tôn mạ. 

Đồng quan điểm, trong báo cáo mới đây, Hiệp hội Thép Thế giới (WSA) cũng đưa ra mức dự báo tăng trưởng nhu cầu thép toàn cầu dự kiến 1,9% trong năm 2024, đạt gần 1,85 tỷ tấn. 

 Ông Lê Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tôn Phương Nam (Ảnh: H.Mĩ)

Trên thực tế, thị trường thép bắt đầu có những tín hiệu tích cực từ quý IV/2023 khi tiêu thụ thép thành phẩm tăng dần qua các tháng.

Theo VSA, lượng bán hàng thép thành phẩm đạt hơn 7,4 triệu tấn, tăng 24% so với tháng IV/2022. 

Trong đó, thép xây dựng (chiếm 41% cơ cấu bán hàng), tăng 21% lên 3,1 triệu tấn. Theo thông lệ hàng năm, quý IV cũng là thời điểm thuận lợi của các công trình xây dựng.

Riêng trong tháng 12/2023, lượng bán hàng thép xây dựng đạt mức cao cao nhất kể từ tháng 5/2022. Đây đồng thời là tháng thứ hai liên tiếp bán hàng thép xây dựng tăng so với cùng kỳ năm trước đó.

Một dấu hiệu cho thấy sức cầu đang dần phục hồi là tương quan giữa sản lượng - tiêu thụ. Những tháng cuối năm, lượng tiêu thụ thép xây dựng có xu hướng cao hơn so với sản lượng. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang rút dần hàng tồn kho để bù đắp sản lượng, đặc biệt là tháng 11 và 12. 

 Nguồn: VSA, H.Mĩ tổng hợp.

Áp lực tăng giá bán

Có thể thấy các doanh nghiệp sản xuất thép đang chờ đợi sự phục hồi từ ngành bất động sản và việc chính phủ tiếp tục thúc đẩy đầu tư công. Song, điều họ lo lắng là chi phí sản xuất đang tăng mạnh trong khi nhu cầu vẫn dừng ở mức “kỳ vọng”.

Giá quặng sắt 62%Fe trong những ngày đầu tháng 1 chạm 142 USD/tấn - mốc cao nhất 19 tháng. Giá quặng sắt tăng ngay cả khi nhu cầu thép của thế giới vẫn ở mức thấp.

 Diễn biến giá quặng sắt 62%Fe trong 5 năm qua (Đơn vị: USD/tấn, nguồn: tradingeconomics)

Nhiều lời giải thích khác nhau cho xu hướng tăng giá này, chủ yếu đến từ việc kỳ vọng của thị trường đối với kế hoạch kích thích nền kinh tế của Trung Quốc trong đó có việc vực lại thị trường bất động sản. Ngoài ra, việc kỳ vọng vào các đợt chi tiêu lớn vào xây dựng cơ sở hạ tầng trong năm nay cũng góp phần tạo động lực cho giá. 

Bên cạnh quặng sắt, giá điện tại Việt Nam tăng cũng đang gây áp lực cho các doanh nghiệp. Trong năm 2023, giá điện tăng hai lần với tổng mức tăng thêm trung bình 142,35 đồng/kWh (tương đương 7,6%) so với năm 2022. 

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia phân tích ngành thép cho rằng tỷ trọng điện trong chi phí giá vốn của ngành thép dao động trong khoảng 5 - 7%, tuỳ thuộc vào diễn biến giá than và giá quặng sắt. Nếu giá than và quặng sắt tăng thì tỷ trọng chi phí điện giảm xuống. 

Tuỳ vào công nghệ luyện thép (lò cao hay lò quang điện) mà mức độ ảnh hưởng của giá các nguyên liệu đầu vào tăng đối với các doanh nghiệp khác nhau. Điển hình như giá quặng sắt tăng sẽ tác động nhiều hơn đối với Hoà Phát do doanh nghiệp này sử dụng công nghệ lò cao. Trong khi đó, giá điện tăng sẽ ảnh hưởng nhiều đến VNSteel. 

Trong bối cảnh nhu cầu thép thấp hiện nay, việc chuyển chi phí điện và nguyên liệu khác tăng lên vào giá bán trở nên khó khăn, đặc biệt là thép xây dựng. 

“Đây là bài toán rất khó, ngành thép đã phải đối diện với khó khăn kép khi giá chi phí đầu vào tăng mạnh trong khi nhu cầu yếu. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình tài chính của doanh nghiệp”, ông Nghiêm Xuân Đa nói. 

Còn với quan điểm của Tổng Giám đốc Hoà Phát mức giá quặng sắt lên tới 140 USD/tấn là bất hợp lý so với thực trạng của nền kinh tế và cần điều chỉnh xuống. 

Tính đến ngày 23/1, giá quặng sắt 62%Fe đã giảm nhẹ xuống 135 USD/tấn. 

Trước áp lực chi phí đầu vào tăng, từ cuối năm ngoái, các nhà máy bắt đầu nâng nhẹ giá thép xây dựng dù nhu cầu còn yếu, nhằm bù đắp một phần chi phí gia tăng. 

“Việc cạnh tranh về giá bán, thị phần của các nhà máy ngày càng khốc liệt để duy trì hoạt động. Hiện, các nhà máy trong nước đối mặt với nhiều khó khăn do tồn kho cao, giá bán thấp và các chi phí tài chính vẫn cao”, VSA cho biết trong một báo cáo mới đây. 

Theo VSA mức điều chỉnh giá trong thời gian tới sẽ không cao, tiếp tục ở biên độ 100 - 150 đồng/kg cho từng kỳ điều chỉnh. 

 Nguồn: SteelOnline, H.Mĩ tổng hợp.

Còn với HRC, giá mặt hàng này tăng mạnh trong thời gian qua là tin vui đối với các doanh nghiệp như Hoà Phát và Formosa nhưng lại là tin buồn với những doanh nghiệp sản xuất tôn mạ như Tôn Phương Nam, Hoa Sen, Nam Kim bởi đây là nguyên liệu đầu vào của họ. 

“Trong những tháng gần đây giá thép HRC tăng mạnh, từ mức khoảng 560 USD/tấn hồi tháng 9 lên 650 USD/tấn vào tháng 1/2024. Bên cạnh đó, chi phí điện tăng cũng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất. Các yếu tố này này gây áp lực rất lớn cho giá thành sản phẩm tôn thép mạ và phần nào đó tác động làm giảm sức cạnh tranh của tôn thép mạ của Việt Nam ra thế giới.”, ông Lê Việt nói. 

Ông cho biết dưới áp lực chi phí tăng hiện nay, công ty sẽ phải tăng giá bán nhưng phần tăng chưa đủ bù đắp chi phí đầu vào cao. 

“Chúng tôi nghĩ rằng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và đặc biệt là các nhà sản xuất tôn thép mạ, HRC tại Việt Nam sẽ tìm giải pháp tiết giảm chi phí, cân bằng cơ cấu giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Chúng tôi cũng mong muốn chính phủ có chính sách bình ổn, giữ giá điện ở mức hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn thời điểm hiện tại”, ông nói.

H.Mĩ

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.