Thép, cacao là 2 hàng hóa thể hiện tốt nhất quý I/2018
Ông Sal Gilbertie, Chủ tịch kiêm Giám đốc phòng đầu tư của công ty Teucrium Trading cho biết, nhu cầu gia tăng đã chấm dứt thời kỳ giá xuống trên thị trường hàng hóa, bắt đầu từ năm 2011. Chỉ số S&P GSCI, theo dõi 24 loại hàng hóa, đã tăng 1,7% trong năm nay tính đến ngày 28/3.
Tuy nhiên, lo ngại về một chiến thương mại có thể xảy ra đã dẫn đến nhiều phản ứng trái chiều khi giới giao dịch xem xét tới những ảnh hưởng tiềm tàng từ thuế nhập khẩu áp lên thép và nhôm của chính quyền ông Trump, và đề xuất đánh thuế ít nhất 50 tỷ USD giá trị hàng hóa của Trung Quốc.
Thị trường kim loại ghi nhận tác động lớn nhất từ sự thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ.
Cụ thể, giá thép, dự theo số liệu của S&P Global Platts về thép cán nóng sản xuất tại Mỹ, tăng 33% trong quý I, tính đến ngày 28/3.
“Nhu cầu về thép vẫn duy trì mãnh mẽ và nhiều hơn nguồn cung, cùng với đó nhu cầu của 3 ngành tiêu thụ thép chính gồm xây dựng, xe cộ và năng lượng đang hoạt động rất tốt”, ông Joseph Innace, Tổng biên tập mục kim loại tại Mỹ của S&P Global Platts, cho biết.
Mặt khác, cacao ghi nhận quý tăng ấn tượng nhất, với giá hợp đồng giao tương lai tăng 35%. Vấn đề sản xuất tại miền Đông châu Phi đã thúc đẩy đà tăng của giá cacao.
Đậu tương cũng là một mặt hàng nổi bật, khi tăng 7% vì thời tiết khô hạn ảnh hưởng tới mùa màng tại Argentina. Ngoài ra, nông dân Mỹ đang lo ngại rằng Trung Quốc sẽ hạn chế nhập khẩu đậu tương như một biện pháp trả đũa các biện pháp thuế quan của Mỹ.
Vàng và dầu cũng nằm trong danh sách các loại hàng hóa có sự thể hiện tích cực trong quý vừa rồi, tuy nhiên mức tăng là rất nhỏ.
“Những lo ngại về lạm phát, căng thẳng địa chính trị và lãi suất, đặc biệt là chênh lệch giữa lạm phát kỳ vọng và lợi suất trái phiếu là những nhân tố đóng góp cho sự gia tăng của giá vàng”, ông Will Rhind, Giám đốc điều hành của nhà cung cấp quỹ đầu tư GraniteShare, nhận định. Dự báo giá vàng có thể duy trì ở mức hiện tại, nhưng cũng có khả năng sẽ có sự đột phá nhờ những tác nhân đó.
Còn đối với giá dầu, ông Rhind cho biết giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ WTI đã tăng bất chấp những dự báo về sản xuất dầu tại quốc gia này sẽ đạt mức cao chưa từng có trong năm nay, với bối cảnh sản lượng giảm tại các quốc gia, dẫn đầu là Tổ chức các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và kỳ vọng nhu cầu sẽ tiếp tục gia tăng.
Trong số những hàng hóa ghi nhận mức giảm lớn có than đá và khí đốt tự nhiên, lần lượt giảm 31% và 9%. Theo đó, khí đốt tự nhiên chịu tác động mạnh từ việc sản xuất tăng cao tại Mỹ và giá khí đốt tự nhiên ở mức thấp đã ảnh hưởng tới nhu cầu than đá.
Cùng với đó, giá đường cũng ghi nhận giảm 17% trong quý này, chịu áp lực từ nguồn cung tăng mạnh tại Ấn Độ, theo ông Andrew Hecht, người dẫn chương trình The Commodities Hour trên kênh TFNN. Ông Hecht cho biết giá đường giao tương lai đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2016 và chốt phiên ở mức thấp ghi nhật hồi tháng 8/2015 là 10,13 USD cent/pound – được ghi nhận làm mức hỗ trợ quan trọng.
Một hàng hóa nữa ghi nhận giảm trong quý này là quặng sắt, giảm 16%, dựa trên giá IODEX đối với quặng sắt tinh 62% được chuyển tới Trung Quốc trong bối cảnh các nhân tố môi trường và hạn chế sản xuất thép tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của S&P Global Platts. Tuy nhiên, theo ông Innace, nếu thời tiết ấm áp sắp quay trở lại tại Trung Quốc, hoạt động xây dựng sẽ được khuyến khích, thúc đẩy nhu cầu đối với thép và hỗ trợ giá quặng sắt.
Trong những tháng sắp tới, hàng hóa sẽ đối mặt với những thử thách phức tạp. “Dữ liệu không mấy khả quan của nền kinh tế toàn cầu dường như ám chỉ tăng trưởng nhu cầu của hàng hóa sẽ không tốt và kìm hãm đà tăng của giá giao tương lai”, ông Rob Haworth, nhà chiến lược đầu tư cấp cao tại Bank Wealth Management cho biết. Ông cũng lưu ý thêm, rủi ro về việc gia tăng các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ/ Trung Quốc cũng sẽ diễn ra, điều có thể giới hạn thương mại và tăng trưởng toàn cầu.