|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cắt giảm gần 500 nhân viên trong năm 2024, Sacombank đã trả lương như thế nào trong 10 năm gần đây?

07:00 | 11/02/2025
Chia sẻ
Theo thống kê, so với quy mô nhân sự lớn nhất trong năm 2019, nhà băng này đã cắt giảm gần 1.150 nhân viên. Mặc dù vậy, Sacombank vẫn có lợi nhuận và thu nhập bình quân nhân viên cao nhất lịch sử trong năm 2024.

Quy mô nhân sự xuống thấp nhất trong gần một thập kỷ

Theo số liệu mới nhất từ báo cáo tài chính hợp nhất, tính đến cuối năm 2024 quy mô nhân sự Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã: STB) đã giảm 476 người so với thời điểm cuối năm 2023 và ở mức 18.088 nhân viên. 

So với quy mô lớn nhất vào năm 2019, Sacombank đã cắt giảm gần 1.150 nhân sự. Tuy nhiên, trái ngược với diễn biến cắt giảm nhân sự, chi phí dành cho nhân viên của ngân hàng liên tiếp tăng qua các năm trong giai đoạn 2015 - 2024, từ 2.858 tỷ tại năm 2015 lên 7.419 tỷ đồng trong năm 2024. 

Do đó, thu nhập bình quân nhân viên Sacombank tăng liên tục qua các năm. Tại năm 2016, thu nhập bình quân nhân viên Sacombank chỉ với 14,83 triệu đồng/tháng/người thì đến năm 2024 đã đạt 33,8 triệu đồng/tháng.

Về thù lao cho lãnh đạo cấp cao, báo cáo hợp nhất cũng cho thấy, Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban tổng giám đốc và Ban kiểm soát nhận tổng mức thù lao sau thuế của ngân hàng và công ty con cho cả năm 2024 là 165 tỷ đồng, tăng 2 tỷ đồng so với năm 2023.

Sacombank chi hơn 53 tỷ đồng trả thù lao cho các thành viên HĐQT, tăng gần 9 tỷ đồng so với năm trước. Với tổng mức chi này, bình quân 12 tháng mỗi thành viên Hội đồng quản trị nhận hơn 4,4 tỷ đồng, tương đương 367 triệu/người/tháng.

 

Lợi nhuận năm 2024 cao nhất lịch sử 

Mặc dù số lượng nhân viên sụt giảm, Sacombank ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận quý IV đạt 4.626 tỷ đồng, tăng 67,9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế là 3.598 tỷ đồng, tăng 59,3%.

Trong quý IV/2024, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của Sacombank tăng 10,5%, lên 7.410 tỷ đồng, trong khi đó  chi phí hoạt động ghi nhận giảm 7,6%, giúp cho lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 29,1% từ 3.299 tỷ đồng lên 4.259 tỷ đồng. 

Xét về cơ cấu, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đã tăng 8,3% so với cùng kỳ, lên 6.099 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khoản thu nhập ngoài lãi tăng gần 22%,động lực tăng trưởng đến từ hoạt động dịch vụ tăng 64,6%.

Báo cáo chứng khoán Vietcap cho biết áp lực dự phòng từ VAMC giảm và việc thu hồi nợ xấu thành công của Sacombank, đã dẫn đến mức hoàn nhập dự phòng đáng kể trong quý IV/2024. Ngân hàng báo cáo khoản hoàn nhập chi phí dự phòng ròng trong quý là 367 tỷ đồng. 

Lũy kế cả năm, lợi nhuận Sacombank đạt 12.720 tỷ đồng, tăng 32,6% so với năm 2023, đạt mức cao nhất lịch sử hoạt động của ngân hàng này và vượt chỉ tiêu được Đại hội đồng cổ đông giao. Động lực tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ hoạt động dịch vụ và chứng khoán đầu tư khi tăng trưởng hai con số lần lượt là 13,8% và 63,5%.

Lũy kế cả năm 2024, lợi nhuận Sacombank đạt 12.720 tỷ đồng, tăng 32,6% so với năm 2023. 

Tổng tài sản của ngân hàng đạt 748.095 tỷ đồng, tăng 10,9% so với đầu năm. Chỉ số lợi nhuận trên tài sản ròng (ROA) và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) lần lượt đạt 1,46% và 20,23%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng đạt 539.315 tỷ đồng, tăng 11,7% so với đầu năm. Trong khi đó, dự phòng rủi ro tăng 17,3% so với đầu năm, số dư huy động từ khách hàng tăng 11%, đạt 566.882 tỷ đồng.

Về chất lượng tài sản, số dư nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) của Sacombank tính hết cuối quý IV tăng 18%, lên mức 12.957 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 2,28% hồi đầu năm lên 2,4%. Trong đó, số dư nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 81% so với hồi đầu năm từ 4.900 tỷ lên hơn 8.869 tỷ đồng.

 

Loạt quỹ ngoại thoái vốn

Ngày 5/2, Sacombank công bố danh sách các cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ ngân hàng, trong đó có hai cổ đông ngoại thoái vốn.

Cụ thể, quỹ Amersham Industries Limited, thuộc nhóm quỹ Dragon Capital, đã rút khỏi danh sách này chỉ sau ba tuần góp mặt. Trước khi thoái vốn, quỹ này sở hữu hơn 19,04 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 1,01% vốn điều lệ của Sacombank (theo danh sách cập nhật ngày 13/1). Ngoài ra, người liên quan đến cổ đông này cũng sở hữu hơn 20,71 triệu cổ phiếu, chiếm 1,1% cổ phần.

Một quỹ khác thuộc Dragon Capital là Norges Bank cũng giảm tỷ lệ sở hữu tại Sacombank từ 1,27% xuống 1,1%. Hiện tại, quỹ này đang sở hữu hơn 20,97 triệu cổ phiếu của ngân hàng.

Bên cạnh đó, Pyn Elite Fund là tổ chức sở hữu nhiều cổ phần nhất, với 6,14% vốn điều lệ (115,8 triệu cổ phiếu). Quỹ SCB Vietnam Alpha Fund Not For Retail Investors tăng tỷ lệ sở hữu lên 1,57% (29,6 triệu cổ phiếu), trong khi quỹ Tianhong Vietnam Thematic Fund giữ nguyên tỷ lệ 1,6% (30,25 triệu cổ phiếu).

Chủ tịch Sacombank, ông Dương Công Minh, sở hữu 3,32% cổ phần (62,57 triệu cổ phiếu), cùng em gái ông, bà Dương Thị Liêm, sở hữu 0,63% (11,86 triệu cổ phiếu). Tổng cộng, 5 cổ đông này nắm giữ 13,73% vốn điều lệ của Sacombank.

Tổng cộng, 5 cổ đông này hiện nắm giữ gần 259,2 triệu cổ phiếu, chiếm khoảng 13,73% vốn điều lệ của Sacombank.

Minh Nguyệt

Doanh nghiệp chăn nuôi phất cao khi giá heo lập đỉnh, riêng heo ăn chuối của bầu Đức ngậm ngùi báo lỗ
Nhờ chi phí thức ăn chăn nuôi ở mức thấp, trong khi giá heo hơi biến động đi lên do thiếu nguồn cung nên các công ty như Dabaco, Nông nghiệp BaF,... đã tận dụng được cơ hội để gia tăng đàn, nhờ đó có lợi nhuận cả năm tăng trưởng đột biến so với 2023.