Thủ tướng đề nghị có gói tín dụng ưu đãi nhà ở cho người không quá 35 tuổi
Thực trạng người lao động trẻ khó tiếp cận cơ hội an cư đang diễn ra phổ biến, nhất là tại các thành phố lớn trong bối cảnh giá nhà và thu nhập ngày càng chênh lệch lớn.
Tại hội nghị với các ngân hàng thương mại ngày 11/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các nhà băng nghiên cứu, tiếp tục có các gói tín dụng ưu đãi cho cả cung và cầu để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người trẻ từ 35 tuổi trở xuống và những đối tượng khó khăn.
Thực tế, ngành ngân hàng đang triển khai một số chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, tín dụng dành cho nhà ở xã hội có vai trò quan trọng. Vì vậy, cơ quan này đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp chặt với các địa phương để đánh giá chính xác nhu cầu, từ đó có chính sách phù hợp.
"Ví dụ, có những người trẻ chỉ muốn thuê nhà thay vì mua, nên tín dụng cần được thiết kế linh hoạt để đáp ứng thực tế", bà Hồng nói.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/11/crawl-2025021119355590.jpg)
Một dãy chung cư tại khu đô thị phía Tây Hà Nội. (Ảnh: Giang Huy).
Đề xuất về chính sách cho vay mua nhà với người trẻ (tuổi từ 18-45) cũng được nêu tại báo cáo gửi Thủ tướng của Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) mới đây.
Hiệp hội này đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét xây dựng cơ chế ưu đãi tín dụng cho nhóm người trẻ lần đầu mua nhà thương mại giá rẻ. Mức lãi suất thương mại ưu đãi từ 6-7% một năm và được bảo đảm khoản vay bằng chính tài sản đã mua. Thời hạn ưu đãi lãi suất sẽ kéo dài từ 10-15 năm.
Trước đó, HoREA cũng từng kiến nghị về việc nghiên cứu chính sách vay ưu đãi lãi suất 4,7% một năm trong 20 năm cho người mua căn nhà đầu tiên, giá tài sản không quá 2 tỷ đồng một căn.
Độ tuổi từ 25-35 được đánh giá là nhóm có khả năng thu nhập tốt để mua nhà. Bà Giang Huỳnh, Phó giám đốc bộ phận Nghiên cứu thị trường Savills TP HCM từng chỉ ra rằng với nhóm này, việc sở hữu một căn nhà đòi hỏi thu nhập và số dư nhất định, họ không ngại sử dụng đòn bẩy tài chính để hiện thực hóa khả năng sở hữu bất động sản nhưng cũng thận trọng hơn trong bài toán đi vay.
Một báo cáo mới đây từ Công ty nghiên cứu thị trường CBRE cho thấy, Hà Nội và TP HCM thuộc top đầu các thành phố châu Á mà người dân khó sở hữu nhà ở với thu nhập hiện tại, vượt cả Singapore.
Tương tự, theo chuyên trang nhà đất Batdongsan, năm 2024, với GDP bình quân đầu người khoảng 9,5 triệu đồng một tháng, một người trẻ (tuổi từ 25-40) cần làm việc và tích cóp 26 năm để có đủ tiền mua một căn hộ chung cư 60 m2, giá 3 tỷ đồng (điều kiện lãi suất huy động khoảng 4,5% một năm).
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nhóm người trẻ trong độ tuổi lao động còn một khoảng thời gian dài để làm ăn và trả nợ, thông thường sau khoảng 10-15 năm sẽ có thu nhập tăng gấp đôi hoặc cao hơn. Nhóm này hầu như không có rủi ro cho các ngân hàng thương mại khi vay.
Trong khi đó, với thu nhập hiện nay, phần lớn người trẻ hoặc người có thu nhập trung bình chỉ đủ khả năng vay mua các dự án nhà vừa túi tiền, giá bán từ 2-3 tỷ đồng mỗi căn. Nhưng phân khúc này đang khan hiếm nguồn cung, ít được các chủ đầu tư quan tâm, nhất là ở thị trường Hà Nội và TP HCM.
Do vậy, việc tạo cơ chế thuận lợi cho nhóm lao động trẻ mua nhà ở thương mại giá vừa túi tiền sẽ là động lực để khuyến khích doanh nghiệp bất động sản tái cấu trúc rổ hàng, chuyển hướng sang đầu tư sang phân khúc này nhiều hơn.