Quyết định của ông Trump tác động ra sao đến triển vọng cổ phiếu thép?
Ngày 10/2 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp thuế nhập khẩu 25% với toàn bộ các sản phẩm thép vào Mỹ. Đây là lần thứ hai mà Mỹ thực hiện đánh thuế với mặt hàng này.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Khối Nghiên cứu Đầu tư của FIDT, đánh giá ngành thép Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực với sự kiện đánh thuế lần này. Tuy nhiên mức độ tác động sẽ không quá đáng kể dựa vào ba yếu tố.
Thứ nhất, thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng không quá trọng yếu của ngành thép Việt Nam. Thứ hai, giá thép có xu hướng tăng khi Mỹ đánh thuế. Thứ ba, đợt đánh thuế này không làm thay đổi năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ.
Tuy có xu hướng tăng dần, tỷ trọng xuất khẩu thép Việt Nam đi Mỹ chiếm tỷ trọng không quá lớn. Chi tiết các doanh nghiệp lớn theo FIDT ước tính mức đóng góp doanh thu từ thị trưởng Mỹ của Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đạt 1,5%, Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) 9%, Tôn Đông Á (Mã: GDA) 10,5%, và Thép Nam Kim (Mã: NKG) 15%.
Trong chu kỳ trước, Mỹ đánh thuế nhập khẩu thép, giá mặt hàng này có diễn biến khá tích cực khi các nhà phân phối bên Mỹ có xu hướng tăng cường nhập khẩu trong thời gian thuế chưa có hiệu lực, về dài hạn xu hướng giá thép vào Mỹ cũng sẽ có xu hướng tăng lên để bù đắp mức thuế tăng thêm.
FIDT kỳ vọng, xu hướng này sẽ tiếp tục lặp lại trong giai đoạn tới khi Mỹ công bố áp thuế nhập khẩu, qua đó hỗ trợ giá bán đầu ra cho các doanh nghiệp ngành thép.
Về thuế bổ sung đối với thép và nhôm, theo ông Huy, mức thuế hiện tại của Mỹ đối với mặt hàng này của Việt Nam đã cao, khoảng 10 - 25%. Năm 2024, giá trị xuất khẩu các sản phẩm này sang Mỹ khoảng 3,7 tỷ USD, chỉ chiếm 3,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.
“Thị trường Mỹ chiếm khoảng 13,2% khối lượng xuất khẩu thép của Việt Nam trong năm 2024, nên sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến các công ty niêm yết. Ngoài ra, không có công ty niêm yết nào xuất khẩu nhôm sang Mỹ. Do đó, tác động của các mức thuế mới có thể là không nhiều”, ông Huy nhận định.
Về thuế đối ứng, năm 2021, mức thuế tối huệ quốc (MFN) trung bình của Việt Nam khoảng 12%, và hiện tại có thể khoảng 10 - 11%.
Mức thuế trung bình của Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam khoảng 5%. Do đó, ước tính sơ bộ cho thấy mức thuế bổ sung đạt khoảng 5% đối với hàng hóa Việt Nam, và đây là một cách tiếp cận dễ chịu hơn so với mức dự kiến ban đầu là 10%.
Tại báo cáo mới đây, SSI Research cũng nêu đối với Việt Nam, nhập khẩu thép vào Mỹ đã bị đánh thuế 25% kể từ năm 2018, vì vậy thép của Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế này. Do đó, có rất ít tác động đến ngành thép Việt Nam liên quan đến xuất khẩu sang Mỹ.
Hành động thuế mới thậm chí có thể có phần tích cực đối với ngành thép Việt Nam vì đưa mức thuế nhập khẩu của Việt Nam (trước khi tính đến các loại thuế bảo hộ khác) ngang hàng với các quốc gia khác. Xuất khẩu thép của Việt Nam sang các quốc gia bị ảnh hưởng như Mexico và Canada cũng tương đối nhỏ.
Một điểm nữa cần xem xét là tác động cuối cùng có thể phức tạp để xác định, vì có một số loại thuế khác như CVD (thuế đối kháng) và AD (thuế chống bán phá giá), trong đó thuế AD vẫn đang trong quá trình điều tra.
Gần đây, Mỹ đã phát hành kết quả điều tra sơ bộ và thuế sơ bộ CVD đối với thép chống ăn mòn của Việt Nam, với Hoa Sen và Tôn Đông Á nhận được mức thuế tối thiểu (khoảng 0,13% và 0%). Kết quả sơ bộ AD dự kiến sẽ được công bố trong những tháng tới.
Báo cáo phân tích mới đây của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) lưu ý từ 9/2024, Mỹ đã thông báo về việc tiến hành điều tra để lấy cơ sở và chuẩn bị áp thuế chống bán phá giá (CBPG) với tôn mạ nhập khẩu từ Việt Nam, mức thuế quan dự kiến từ 10 - 25%. Kết quả sơ bộ dự kiến sẽ được công bố trong tháng 4/2025.
Hòa Phát ít chịu tác động nhất từ thuế quan của Mỹ, trong khi đó, Nam Kim chịu tác động lớn do doanh thu từ Mỹ - Mexico chiếm hơn 26% doanh thu 2024 (của Nam Kim).
Theo KBSV ước tính, sản lượng HRC cần thiết để sản xuất tôn mạ cho Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Đông Á xuất khẩu đi Mỹ - Mexico trong 2024 ước tính đạt 450.000 tấn. Nếu sản lượng xuất khẩu tôn mạ vào thị trường Mỹ của Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Đông Á giảm trung bình 25% trong 2025, nhu cầu tiêu thụ HRC hao hụt chỉ chiếm xấp xỉ 2% tổng công suất sản xuất của Hòa Phá trong kỳ.
Bên cạnh đó, Hòa Phát cũng có kế hoạch sử dụng HRC để sản xuất thép chất lượng cao như tanh lốp, thép dây hàn, lõi que hàn, cáp thang máy... Rủi ro sản lượng tiêu thụ HRC của Hòa Phát suy giảm do nhu cầu tiêu thụ của ba đơn vị kia bị ảnh hưởng từ thuế quan của Mỹ được đánh giá ở mức thấp.
Tại chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng” ngày 10/2, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của Chứng khoán VPBank (VPBankS), cho biết những nguồn nhập khẩu thép lớn vào Mỹ trong giai đoạn vừa qua là Canada, Brazil, Mexico , Hàn Quốc và Việt Nam. Đồng thời, Canada là nhà cung cấp nhôm lớn nhất, chiếm 79% thị phần.
Trong năm 2018, ông Trump cũng áp thuế 25% đối với các nguồn xuất khẩu thép rồi, Việt Nam cũng đã chịu mức thuế này. Với mức thuế cao, các quốc gia như Việt Nam và Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ với tỷ trọng khá nhỏ, chỉ đâu đó khoảng 3%. Do đó, ảnh hưởng đối với Việt Nam không lớn.
Một số doanh nghiệp có thể chịu ảnh hưởng sẽ là Hòa Phát, Nam Kim, Hoa Sen, Tôn Đông Á. Trong đó, nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất là tôn mạ. Tỷ trọng sản lượng xuất khẩu của nhóm tôn mạ sang Mỹ là rất lớn. Ví dụ, Tôn Đông Á (Mã: GDA) xuất khẩu sang Mỹ chiếm chiếm khoảng 35%, Nam Kim (Mã: NKG) chiếm khoảng 25%, Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) 15%, riêng Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) dưới 5%.
Nhìn chung, trong giai đoạn nửa đầu năm 2025, những yếu tố liên quan đến thị trường xuất khẩu, đặc biệt mặt hàng Việt Nam có thể chịu thuế chung với toàn cầu, hoặc những mặt hàng Mexico, Canada và Trung Quốc bị đánh thuế, có thể sẽ gây ảnh hưởng về thông tin, tác động tới giá cổ phiếu.
Bộ phận phân tích của Chứng khoán An Bình (ABS Research) cho biết nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm, nhưng sau đó miễn thuế hoặc cấp hạn ngạch miễn thuế cho một số đối tác thương mại như Canada, Mexico, Brazil hay Hàn Quốc. Đây sẽ là các quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của sắc lệnh thuế lần này do đang có thị phần nhập khẩu nhôm, thép hàng đầu vào Mỹ.
Nhìn chung, các quốc gia bị ảnh hưởng dự kiến sẽ tìm cách bảo vệ lợi ích kinh tế của họ thông qua các biện pháp trả đũa thương mại hoặc đàm phán song phương hay tìm kiếm giải pháp thông qua các tổ chức quốc tế như WTO.
Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia xuất khẩu thép lớn nhất vào Mỹ, theo số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, năm 2024, giá trị xuất khẩu của ngành thép Việt Nam đạt khoảng 1,7 tỷ USD, chiếm 1,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang quốc gia này.
Hiện tại các sản phẩm thép của Việt Nam đang chịu mức thuế khoảng 10 - 25% khi xuất sang thị trường Mỹ và các chính sách bảo hộ thương mại là không mới, đã xuất hiện ngay trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donlad Trump.
ABS Reseach cho rằng, các rào cản thuế quan này là không mới, thị trường Mỹ không phải thị trường quá lớn như ASEAN và EU với ngành thép Việt Nam.
Các doanh nghiệp trong nước đã có kinh nghiệm và chủ động trong việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Tác động của các chính sách mới sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường trong ngắn hạn, tạo cơ hội đầu tư với tầm nhìn dài hạn khi giá cổ phiếu về mức chiết khấu hấp dẫn.
Đánh giá đối với ngành thép nói chung, ông Bùi Văn Huy cho biết kết quả kinh doanh có sự chậm lại trong quý IV/2024.
Dữ liệu FIDT cho thấy trong quý IV/2024, lợi nhuận sau thuế của nhóm thép đang ở mức thấp nhất 5 quý gần đây, do tình trạng dư cung ở Trung Quốc làm cho giá thép đầu ra liên tục giảm từ tháng 4/2024 đến nay.
Trong 2025, ngành thép đối mặt với rất nhiều thách thức như tình trạng dư cung ở Trung Quốc vẫn tiếp diễn khiến cho giá bán đầu ra liên tục giảm và neo ở mức thấp, Mỹ đánh thuế mạnh các sản phẩm từ thép ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, FIDT đánh giá khả quan cho ngành thép với triển vọng cao của thị trường tiêu thụ nội địa bất động sản phục hồi, đẩy mạnh đầu tư công, chính sách phòng vệ thương mại giảm bớt áp lực từ thép Trung Quốc. Ước tính năm 2025, mức tiêu thụ nội địa đạt khoảng 21 triệu tấn thép, tăng 10% so với năm trước.
SSI Reseach cũng đánh giá triển vọng cho ngành thép năm 2025 tích cực dựa trên giá thép đã chạm đáy, nhu cầu nội địa mạnh hơn từ sự phục hồi của ngành bất động sản và đầu tư công mạnh mẽ. Hơn nữa, nhóm phân tích kỳ vọng sẽ có thuế chống bán phá giá đối với HRC của Trung Quốc và Ấn Độ (giả định).
Theo dự báo của KBSV, các doanh nghiệp sản xuất sẽ gia tăng cạnh tranh trên thị trường nội địa để duy trì tăng trưởng doanh thu.
Xu hướng nội địa hóa đã diễn ra từ đầu nửa cuối 2024 sau khi các thông tin về việc khởi xướng các cuộc điều tra chống bán phá giá thép lan rộng từ các nước. So với vùng đỉnh quý I/2024, sản lượng xuất khẩu tôn mạ quý IV/2024 của Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Đông Á đã giảm lần lượt 19%/31%/28%. Sản lượng xuất khẩu thép xây dựng, HRC của Hòa Phát cũng giảm 45%.
Xu hướng này được hỗ trợ nhờ nhu cầu tiêu thụ trong nước quay trở lại, với động lực chính tới từ sự hồi phục của thị trường bất động sản dân dụng, các dự án đầu tư công tiếp tục được triển khai.
KBSV cho rằng các doanh nghiệp sản xuất thép với thị phần nội địa lớn sẽ có lợi thế trong việc duy trì đà tăng trưởng doanh thu trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng sẽ tập trung mở rộng sang các thị trường mới (khu vực chưa áp dụng hàng rào thuê quan với thép Việt Nam) để duy trì sản lượng tiêu thụ.