|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mức thuế 25% có thực sự tác động tiêu cực với ngành thép Việt Nam?

14:53 | 11/02/2025
Chia sẻ
Ông Phạm Công Thảo - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam, cho biết nếu mức thuế mới của ông Trump không "xếp chồng" lên mức thuế 25% đã được áp thì tác động tới ngành thép của Việt Nam là không đáng kể.

Hôm 10/2, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh áp thuế 25% đối với nhôm và thép nhập khẩu, tăng cường nỗ lực bảo vệ các ngành công nghiệp quan trọng về mặt chính trị của Mỹ bằng thuế quan đánh vào một số đồng minh thân cận nhất.

Thuế quan mới sẽ áp dụng rộng rãi với tất cả mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ, bao gồm từ Canada và Mexico, hai nhà cung ứng hàng đầu của siêu cường số một thế giới.

Theo Viện Sắt và Thép Mỹ, trong năm 2024, Canada là nước cung ứng nhiều thép nhất cho Mỹ. Nước láng giềng phía bắc xuất khẩu 5,95 triệu tấn thép sang Mỹ, giảm 5% so với năm trước đó.

Kế tiếp lần lượt là Brazil, Mexico, Hàn Quốc và Việt Nam. 

Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lượng thép Việt xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2024 đạt gần 1,7 triệu tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, tăng trên 50% so với năm 2023 xét về cả lượng và kim ngạch. 

 Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Điều này giúp nâng tỷ trọng xuất khẩu thép của Mỹ lên 13%, từ mức 9,68% của năm 2023 (xét về lượng). Mỹ là thị trường tiêu thụ thép lớn thứ ba của Việt Nam, sau ASEAN và EU. 

 Nguồn: VSA (H.Mĩ tổng hợp)

Hiện tại thép của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ vẫn đang chịu mức thuế 25% theo mục 232 mà Mỹ áp dụng từ năm 2018. Mức thuế này được áp dụng hầu hết nước trên thế giới, ngoại trừ một số đối tác thân cận của Mỹ như Canada, Mexico. 

Đánh giá tác động của lệnh thuế này, trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Công Thảo - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam, cho biết hiện vẫn chưa rõ lệnh thuế này sẽ áp chồng lên mức thuế 25% theo mục 232 (tức thành 50%) hay là chỉ đơn thuần là mở rộng đối tượng chịu thuế, bao gồm cả các đồng minh thân cận. 

“Nếu chỉ là mở rộng đối tượng chịu thuế thì quyết định này chưa ảnh hưởng gì đáng kể đối với hoạt động xuất khẩu thép sang Mỹ. Nhưng nếu Mỹ áp chồng lên mức thuế 25% theo Mục 232 thì việc xuất khẩu thép sang thị trường này sẽ chịu tác động tiêu cực. Con số 1,7 triệu tấn thép xuất khẩu sang Mỹ năm 2024 cũng khá lớn. Nếu lượng thép này không bán được sang Mỹ, nguồn tiêu thụ thay thế có thể là thị trường nội địa. Khi đó, áp lực cạnh tranh sẽ lớn hơn ”, ông Thảo nói. 

Ông phân tích thêm, nếu bị áp thuế chồng lên nhau, các nước khác đặc biệt là Trung Quốc và khối ASEAN cũng sẽ tăng cường tìm kiếm thị trường tiêu thụ thay thế. Trong đó, Việt Nam cũng được xem là điểm đến của các dòng thép này và áp lực cạnh tranh càng lớn hơn. 

Chia sẻ với chúng tôi, một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực thương mại nhìn nhận: “Theo quan sát của tôi, quyết định mới của ông Trump không áp chồng thuế lên mức cũ theo Mục 232. Quyết định thuế mới này chủ yếu nhắm vào các đối tác và nhóm sản phẩm được miễn thuế trước đó. Tuy nhiên, vẫn cần chờ đợi văn bản chính thức từ Nhà Trắng”.

Nền kinh tế Mỹ ngày nay không còn tập trung vào lĩnh vực sản xuất như trong quá khứ, nhưng mỗi năm vẫn tiêu thụ hàng chục triệu tấn thép. Cho nên, siêu cường số một thế giới vẫn đều đặn nhập khẩu  thép mỗi năm.

Theo số liệu từ Viện Sắt và Thép Mỹ, lượng thép thành phẩm nhập khẩu trong năm 2024 ở mức 22,5 triệu tấn tăng 3,7% so với năm 2023. Con số này tương đương đương 23% thị phần thép thành phẩm của cả nước.  Trong khi đó, việc bổ sung công suất của các nhà máy trong nước để bù đắp phần sụt giảm từ nguồn nhập khẩu cũng cần nhiều thời gian, không phải câu chuyện một sớm, một chiều. 

Chia sẻ với Báo Chính Phủ, ông Đỗ Ngọc Hưng - tham tán thương mại, trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam (Bộ Công Thương) tại Mỹ cho rằng "Nếu Mỹ áp dụng thuế 25% với toàn bộ hàng nhập khẩu, sản phẩm thép Việt Nam vẫn có cơ hội tiếp tục xuất khẩu khi năng lực của các nhà sản xuất thép, nhôm của Mỹ chưa thể đáp ứng ngay. Dù vậy, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm xuống”.

Một doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thép nhìn nhận quyết định áp thuế lần này của ông Trump có thể chỉ là bước đệm để ông bước vào bàn đàm phán với các nước, giống như những gì ông đã làm trước đây. 

“Tổng thống Trump xuất thân là một doanh nhân, do đó ông rất giỏi trong việc đàm phán. Trước khi bước vào bàn đàm phán, ông Trump sẽ tung ‘hoả mù’ bằng một loại thuế nào đó để có vị thế tốt hơn”, vị này nói. 

 Kho thép dây tại một nhà máy (Ảnh: H.Mĩ)

Đa dạng hoá thị trường

Nhằm giảm thiểu tác động khó lường liên quan đến thuế quan Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần đánh giá tình hình để có chiến lược kinh doanh phù hợp, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường có FTA với Việt Nam, tránh phụ thuộc vào một thị trường.

Chia sẻ với người viết ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research cho biết "Theo trao đổi của tôi với một số doanh nghiệp, sau khi Mỹ điều tra chống bán phá giá thép  CORE thì họ cũng đã giảm sự phụ thuộc vào thị trường này. Do đó, thị trường nội địa thời gian tới đóng vai trò là động lực tăng trưởng nhiều hơn so với xuất khẩu", ông Châu nhận định.

Ông nói thêm, không chỉ Mỹ, các nước đang ngày có xu hướng áp dụng các biện các biện pháp bảo hộ hơn. Việc ông Trump áp thuế thép cũng không phải là vấn đề quá mới. Trong khi đó, thị trường trong nước có nhiều yếu tố thúc đẩy ở hai nhóm chính là đầu tư công và bất động sản. Chính phủ đang nỗ lực tháo gỡ các vấn đề pháp lý của thị trường bất động sản, bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư công như cầu, cảng, sân bay, cao tốc...

Bên cạnh việc đa dạng hoá thị trường,Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ khuyến nghị doanh nghiệp cũng cần tuân thủ các quy định của Mỹ về nguồn gốc xuất xứ và luôn sẵn sàng tham gia đầy đủ quá trình giải trình của cơ quan điều tra Mỹ các vụ việc phòng vệ thương mại. Với sản phẩm thép, Mỹ đã điều tra hơn 34 vụ, chiếm hơn 50% tổng số vụ kiện mà Mỹ điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam còn với sản phẩm nhôm là 2 vụ việc.

Gần đây nhất, hồi tháng 9 năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) đối với sản phẩm thép chống ăn mòn (thép CORE) nhập khẩu từ Việt Nam.

Trong giai đoạn 2021-2023, Việt Nam xuất khẩu lần lượt 626 triệu USD, 751 triệu USD và 242 triệu USD sản phẩm thép CORE sang Mỹ, đứng thứ ba trong số 10 nước bị điều tra, chỉ sau Canada và Mexico.

H.Mĩ

Quyết định của ông Trump tác động ra sao đến triển vọng cổ phiếu thép?
Theo một số nhà phân tích trong nước, thị trường Mỹ chiếm khoảng 13% khối lượng xuất khẩu thép của Việt Nam trong năm 2024, nên mức thuế mới của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến các công ty niêm yết. Trong khi đó, triển vọng với ngành thép năm 2025 vẫn tương đối tích cực.