Grab đứng trước cơ hội sáp nhập lịch sử: Thành gã khổng lồ gọi xe thống trị toàn bộ Đông Nam Á
Tháng 2/2024, Grab và GoTo Group - đơn vị sở hữu Gojek, được cho là đã nối lại đàm phán sáp nhập. Một năm sau, tin tức về thương vụ này lại xuất hiện. Lần này, thỏa thuận có thể định giá GoTo hơn 7 tỷ USD.
Theo Bloomberg, một phương án đang được xem xét là mua lại toàn bộ bằng cổ phiếu.
Năm ngoái, thương vụ này được đánh giá là “không dễ thực hiện”. Tuy nhiên, những thay đổi trong ban lãnh đạo của GoTo và việc tập trung vào mảng gọi xe sau khi bán cổ phần Tokopedia cho TikTok đã giúp hai bên có nhiều điểm chung hơn.
Bên cạnh đó, một số yếu tố mới trong năm qua khiến khả năng sáp nhập trở nên cao hơn.
Grab và GoTo đều từ chối đưa ra bình luận về thông tin này.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/11/crawl-2025021110553346-2025021110553350.jpg)
Grab đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi để sáp nhập GoTo - đơn vị sở hữu Gojek. (Ảnh: Grab).
Một yếu tố quan trọng là sự chênh lệch giá cổ phiếu giữa hai công ty. Trong năm qua, giá cổ phiếu Grab đã tăng khoảng 45% trước khi tin tức sáp nhập xuất hiện. Trong khi đó, cổ phiếu GoTo gần như không thay đổi.
Điều này giúp phương án sáp nhập bằng cổ phiếu có lợi cho Grab. Công ty có thể dùng ít cổ phiếu hơn để mua lại GoTo với cùng một giá trị.
Một số cổ đông của GoTo là các quỹ đầu tư. Theo thời gian, các quỹ này ngày càng gần đến thời hạn hoàn trả vốn và lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Thông thường, quỹ đầu tư tư nhân có vòng đời khoảng 10 năm, với khả năng gia hạn tối đa thêm ba năm. Nhiều quỹ đã rót vốn vào Gojek hoặc Tokopedia từ năm 2014 đến 2018. Điều đó có nghĩa là các nhà đầu tư của họ có thể đang mong chờ lợi nhuận sớm.
Vì vậy, các quỹ vẫn nắm giữ cổ phần GoTo có thể muốn công ty tiến hành thương vụ sáp nhập. Chẳng hạn, SoftBank vẫn sở hữu 7,6% cổ phần GoTo. Đây là kết quả của khoản đầu tư vào Tokopedia từ năm 2018.
Thông thường, các quỹ có thể bán cổ phiếu của mình trên thị trường chứng khoán vì GoTo đã niêm yết. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Indonesia có thanh khoản thấp. Điều này khiến việc bán một lượng lớn cổ phiếu trở nên khó khăn.
Việc sáp nhập với Grab, ngay cả khi được thực hiện hoàn toàn bằng cổ phiếu, vẫn có lợi cho các nhà đầu tư. Họ có thể đổi cổ phiếu GoTo kém thanh khoản lấy cổ phiếu Grab - công ty đã niêm yết trên sàn Nasdaq, nơi có nhiều người mua hơn.
Trong khi đó, Grab không cần dùng đến tiền mặt cho thương vụ này. Dù cổ đông của Grab có thể bị pha loãng cổ phần, họ sẽ sở hữu một công ty lớn hơn và ít phải cạnh tranh hơn tại Indonesia – một thị trường quan trọng.
Tuy nhiên có một rào cản quan trọng có thể cản trở thương vụ sáp nhập – sự phản đối từ cơ quan quản lý.Năm ngoái, Ủy ban Cạnh tranh Indonesia cho rằng việc Grab và GoTo sáp nhập có thể dẫn đến tình trạng độc quyền.
Vậy nhưng, một thay đổi lớn đã xảy ra kể từ đó: Indonesia có tổng thống mới. Tổng thống Prabowo Subianto đang tìm cách thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Vì vậy, nếu Grab cam kết đầu tư nhiều hơn vào Indonesia như một phần của thỏa thuận, điều này có thể nhận được sự ủng hộ.
Tuy nhiên, khi tin đồn sáp nhập xuất hiện vào năm 2020, các công đoàn tài xế của Grab và Gojek đã đe dọa tổ chức biểu tình trên toàn quốc.
Chính quyền Tổng thống Prabowo sẽ cân bằng thế nào giữa mong muốn thu hút đầu tư nước ngoài và phản ứng của tài xế trong nước vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải.
Trước đó, Indonesia đã phê duyệt thương vụ TikTok Shop mua lại Tokopedia. Điều này cho thấy chính phủ và các cơ quan quản lý không nhất thiết có quan điểm bảo hộ. Tuy nhiên, thương vụ này vẫn có sự cạnh tranh mạnh từ Shopee. Trong lĩnh vực gọi xe, điều đó không rõ ràng.
Phản hồi Sở giao dịch chứng khoán Indonesia, GoTo khẳng định chưa có thỏa thuận nào về việc sáp nhập.