|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

The New York Times: Việt Nam khó có thể trở thành 'người khổng lồ' chỉ sau một đêm

11:52 | 31/07/2019
Chia sẻ
Samsung đã đến Việt Nam và giờ thì Apple có thể sẽ là cái tên tiếp theo.

Không một quốc gia nào trên thế giới hưởng lợi được nhiều từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hơn Việt Nam. 

Các nhà máy ở Việt Nam đang đón nhận nhiều đơn hàng hơn bao giờ hết khi thuế quan của Mỹ khiến nhiều doanh nghiệp phải cân nhắc việc duy trì sản xuất tại Trung Quốc.

ha1

Nhà máy của Công ty TNHH Cơ Khí Chính Xác, Dịch Vụ & Thương Mại Việt Nam (VPMS) gần Bắc Ninh. (Ảnh: NYT)

Làm tốt từ những điều nhỏ nhất

Công ty của ông Vũ Hữu Thắng phía bắc tỉnh Bắc Ninh, CTCP Công nghệ Bắc Việt, sản xuất những bộ phận nhỏ bằng nhựa cho máy tinh Canon, nhạc cụ Korg, điện thoại và phụ kiện điện thoại Samsung, bao gồm cả tai nghe.

Ông Thắng cho hay rất khó để cạnh tranh với Trung Quốc khi công ty của ông vẫn phải nhập khẩu từ 70 tấn đến 100 tấn nhựa mỗi tháng, phần lớn được sản xuất tại quốc gia này.

"Khi chúng tôi mua vật liệu, chi phí đã cao hơn những gì Trung Quốc có thể làm từ 5% đến 10%", ông Thắng chia sẻ. Cùng lúc, thị trường Việt Nam quá nhỏ để thu hút được các nhà sản xuất nhựa xây dựng nhà máy tại đây.

ha2

Công nhân tại nhà máy của Công ty CP Công nghệ Bắc Việt với nhiều sản phẩm cho các đối tác như Canon, Korg và Samsung. (Ảnh: Raymond Zhong)

Các đoàn đàm phán của Trung Quốc và Mỹ đang nhóm họp tại Thượng Hải tuần này để tìm cách tháo gỡ căng thẳng. Thế nhưng, với nhiều công ty, sức hấp dẫn của việc sản xuất ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang giảm dần.

Với smartphone, máy chơi game và các thiết bị điện tử tiêu dùng khác đang nằm trong danh sách áp thuế tiếp theo, nhiều nhà sản xuất đang cảm thấy áp lực để tìm ra một "công xưởng" mới với chi phí nhân công rẻ để sản xuất hoặc thành phẩm sản phẩm của mình.

Apple đã để ý tới Việt Nam và Ấn Độ với mong muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình. 

Nintendo trong khi đó đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sản xuất dòng máy Switch sang Việt Nam từ Trung Quốc, theo Panjiva, một công ty nghiên cứu chuỗi cung ứng. 

Cùng thời điểm, ông lớn sản xuất Foxconn, một đối tác lắp ráp chính của iPhone, nói vào tháng 1 rằng công ty này đã mua nhiều quyền sử dụng đất ở Việt Nam và rít 200 triệu USD vào nhánh nhà máy này tại Ấn Độ. 

Nhiều đối tác khác của Apple tại Trung Quốc và Đài Loan cũng "đánh tiếng" rằng họ sẽ đẩy mạnh sản xuất ở Việt Nam.

Việt Nam khó có thể trở thành "người khổng lồ" chỉ sau một đêm

Với tất cả lợi thế trên, Việt Nam, với dân số gần 100 triệu người, cũng khó có thể thay thế Trung Quốc như một trung tâm sản xuất chỉ sau một đêm. 

Giá đất ở đây khá đắt đỏ trong khi nguồn cung các nhà máy và nhà kho sẵn sàng để sử dụng luôn lại không nhiều. Tuyển dụng đội ngũ lãnh đạo và công nhân lành nghề cũng là một thách thức.

"Mọi thứ đang kéo căng khả năng của Việt Nam", ông Frederick R. Burke, giám đốc điều hành công ty luật Baker McKenzie ở TP HCM nói. Ngay cả khi nguồn lao động của Việt Nam có thêm một triệu người mỗi năm, ông nhận định, "người ta đã bắt đầu nói đến những sự thiếu hụt.".

Việt Nam cũng không có hệ sinh tháu công ty phụ trợ cho các linh kiện, bộ phận và vật liệu chuyên dụng như những gì các nhà sản xuất Trung Quốc có được.

Bà Trần Thu Thuỷ cho biết "tất nhiên" bà muốn làm việc với Apple một ngày nào đó. Công ty của bà, HTMP, sản xuất khuôn kim loại để các công ty dùng để sản xuất nhựa. 

Bà Thuỷ chia sẻ trong tương lai HTMP có thể sản xuất khuôn cho thân máy kim loại của những chiếc laptop. Thế nhưng, bà cũng thừa nhận, cho tới lúc đó, vẫn còn nhiều việc phải làm.

ha3

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, một người sáng lập của VPMS. Samsung và VPMS từng hợp tác thời gian đầu mở nhà máy tại Việt Nam. (Ảnh: NYT)

Việt Nam thực tế đã trở thành "thiên đường" sản xuất giày dép, quần áo hay các mặt hàng cần nhiều lao động khác nói chung.

Nike và Adidas giờ đã sản xuất khoảng một nửa lượng giày sneaker của mình ở Việt Nam. Khi các nhà máy tăng cường vận hành, chính phủ Việt Nam cũng có nhiều động thái cải thiện cơ sở vật chất như đường, cầu cảnh hay điện. 

Việt Nam cũng kí nhiều thỏa thuận với nhiều quốc gia nhằm giảm thuế quan, bao gồm cả một thỏa thuận đạt được gần đây với Liên minh Châu Âu.

Samsung đã tới Việt Nam và một ngày nào đó Apple cũng vậy

The New York Times đánh giá việc Samsung tới Việt Nam là một dấu ấn cực kì tích cực.

Hơn một thập niên trước, Samsung Electronics đã mở một nhà máy ở Bắc Ninh để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Động thái này được xem như một lời tiên tri. Chi phí ở Trung Quốc đang tiếp tục tăng lên. Vì thế, Samsung đóng cửa tất cả trừ một nhà máy sản xuất smartphone duy nhất ở quốc gia tỉ dân này.

Hiện tại, Samsung đang lắp ráp khoảng một nửa số thiết bị của mình bán ra trên toàn cầu tại Việt Nam. Nhà máy của ông lớn công nghệ Hàn Quốc cũng đang thuê khoảng 100.000 nhân sự. Sự thành công của Samsung tại Việt Nam đã thuyết phục nhiều công ty Hàn Quốc rằng họ cũng cần đến đây.

"Khi bạn là một công ty lớn và bạn chuyển đến một nơi nào đó, mọi thứ sẽ đi theo bạn", Filippo Bortoletti, phó giám đốc công ty tư vấn doanh. nghiệp Dezan Shira nói.

Dù vậy, cảm xúc của các doanh nghiệp địa phương lại cực kì lẫn lộn. Những ông lớn nước ngoài đến Việt Nam và phần lớn lại hợp tác với các đối tác trước đó của mình. Thực tế này khiến "mảnh đất" còn lại cho doanh nghiệp địa phương không còn nhiều.

ha4

Nhà máy của Samsung tại Bắc Ninh. (Ảnh: NYT)

Samsung hiện có 35 nhà cung ứng Việt Nam, người phát ngôn hãng này cho biết. Apple từ chối đưa ra bình luận.

Khi Samsung mới mở nhà máy tại Việt Nam, hãng này mua một số sản phẩm kim loại từ Công ty TNHH Cơ Khí Chính Xác, Dịch Vụ & Thương Mại Việt Nam (VPMS). Thế nhưng, khi nhiều đối tác Hàn Quốc của Samsung vào Việt Nam, chỉ sau một năm, Samsung và VPMS ngừng hợp tác, ông Nguyễn Xuân Hoàng, một trong những nhà sáng lập công ty nói.

Giá thành và chất lượng không phải vấn đề, ông Hoàng chia sẻ, trong tiếng máy móc hoạt động ở một nhà máy gần Bắc Ninh. Vấn đề là quy mô, Samsung cần nhiều sản phẩm hơn những gì VPMS có thể đáp ứng.

Công ty của ông Vũ Tiến Cường, Fitek, sản xuất các thiết bị công nghiệp cho Samsung, Canon và một số công ty lớn khác ở Bắc Ninh. Ông nhận thấy hầu hết đơn vị cung ứng của Việt Nam đều gặp phải vấn đề chất lượng và năng suất, khiến mức độ cạnh tranh với các công ty đa quốc gia giảm sút. 

Cốt lõi của vấn đề nằm ở thiếu kinh nghiệm thay vì thiếu vốn hay kiến thức.

Thế nhưng, ông Cường có một niềm tin rằng mọi thứ rồi sẽ cải thiện và "trưởng thành".

ha5

Ông Vũ Tiến Cường, chủ tịch hội đồng quản trị công ty Fitek. (Ảnh: NYT)

Chị Nguyễn Thị Huệ, 28 tuổi, nắm được những cách để phát triển. Một thời gian dài sau khi thành lập công ty vào năm 2015, chị Huệ làm việc 16 giờ mỗi ngày cho một công ty khác trong khi chuẩn bị cho công ty của riêng mình.

Startup của chị, Anofa, chuyên xử lý bề mặt kim loại và đang hợp tác với nhiều thương hiệu nước ngoài như LG hay Ducatti.

"Chúng tôi thực sự mong đợi" về triển vọng Apple mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam, Nguyễn Văn Huấn, chồng chị Huệ đồng thời là luật sư của chị, chia sẻ.

Anofa cũng đang đầu tư mạnh vào máy móc mới để dành được nhiều hợp đồng hơn từ các khách hàng nước ngoài. "Họ có tiêu chuẩn và yêu cầu cao hơn", ông Huấn nói.

"Chúng tôi có thể đáp ứng", chị Huệ khẳng định.

Thái Sơn