Người Việt thận trọng chi tiêu trước biến động
Tấn Lợi, nhân viên văn phòng tại quận Tân Phú (TP HCM) được tăng lương năm nay nhưng quyết định giảm chi, sau năm 2024 nới hầu bao. "Tôi thấy tình hình đang nhiều bất ngờ, cần tích lũy để phòng thân", anh nói.
Thắt chặt chi tiêu hơn cũng là cách Ngân Khánh (quận Bình Thạnh, TP HCM) chọn khi thu nhập hai vợ chồng cô giảm trong quý I. Khánh kể, thu nhập của chồng cô - môi giới một công ty chứng khoán - kém đi trong 3 tháng đầu năm khi khách hàng giảm giao dịch, tiền hoa hồng bị thu hẹp. Sang tháng 4, thị trường trải qua nhiều phiên ảm đạm, biến động mạnh trước các thông tin chính sách thuế quan mới của Mỹ khiến vợ chồng Khánh thận trọng hơn trong chi tiêu.
Du lịch hè và giải trí nằm trong hạng mục được Khánh tính giảm chi năm nay, trong khi giá thực phẩm tăng, cộng với các áp lực tài chính khác như trả tiền vay mua nhà, 3 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
"Năm nay chắc gia đình không đi du lịch hè. Tôi phải cơ cấu lại các khoản chi, chọn kênh tích lũy khác như mua vàng lúc giá bình ổn hơn", Ngân Khánh nói.

Người dân mua sắm hàng hoá tại một siêu thị ở Thủ Đức, TP HCM tháng 1/2025. Ảnh: Quỳnh Trần
Trường hợp như Tấn Lợi hay Ngân Khánh thận trọng hơn trong chi tiêu không hiếm, trong bối cảnh thị trường biến động.
Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc kinh doanh cấp cao công ty khảo sát thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam nói người tiêu dùng đang lo lắng nhiều hơn. "Người tiêu dùng không biết ngày mai thay đổi ra sao. Chúng tôi dự báo niềm tin chưa phục hồi tốt", bà nhận định tại một hội thảo hôm 11/4.
Trước đó, tín hiệu cảnh giác đã diễn ra. Theo Cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước quý I tăng 9,9% so với cùng kỳ 2024, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 7,5%. Cả hai đều tích cực hơn năm ngoái, nhưng chậm so với cùng giai đoạn 2023.
Trong chỉ tiêu này, bán lẻ là hoạt động tăng thấp hơn bình quân, mức 8,8%. Quan sát riêng ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), bà Nga nói tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm đạt 4,3%, cao hơn bình quân hai năm trước nhưng thấp hơn giai đoạn 2019-2022. Nhưng lý do tăng đáng quan tâm. "Mức độ tiêu dùng hầu như không đổi, tăng trưởng là nhờ giá tăng", bà phân tích.
Theo Cục Thống kê, CPI quý I tăng 3,22%, tức là ổn định dưới mục tiêu 4%. Nhưng các chỉ số thành phần đều tăng như giá thịt lợn 12,49%; thuốc và dịch vụ y tế 14,4%; vật liệu xây dựng 5,11%. Trong khi, phân bổ túi tiền hộ gia đình chủ yếu cho 4 nhóm gồm thực phẩm, FMCG, sức khỏe, giáo dục, chiếm đến 35-40% tổng chi.
"Các bà nội trợ - thường là những người nắm hầu bao của hộ gia đình - thấy giá nhảy múa thì đương nhiên sẽ không thể không lo lắng", bà Nga nói.
Ngoài ra, sau các thông tin về thuế quan gần đây của Mỹ, một số tổ chức đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng Việt Nam. Hôm 11/4, UOB thông báo hạ từ 7% xuống 6%. Theo bà Nga, điều này có thể tác động đến niềm tin của người tiêu dùng.
Bà Tạ Ngọc Phương Thảo, Giám đốc Quốc gia nền tảng dữ liệu và phân tích tài chính Investing tại Việt Nam lý giải thêm nhiều người không tự tin tiêu dùng khi những khoản đầu tư của họ như chứng khoán và bất động sản sụt giảm.
Chính phủ hôm 11/4 khẳng định giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng GDP 2025 từ 8% trở lên, bất chấp thách thức thuế quan phủ bóng nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Vì vậy, theo bà Thảo, với khu vực dịch vụ chiếm 43,48% cơ cấu, kích cầu nội địa và củng cố tâm lý tiêu dùng rất cần thiết đẩy mạnh.
Dẫn nghiên cứu đăng trên "Journal of Consumer Research" của Đại học Chicago, (Mỹ), bà Thảo nêu tâm lý tiêu dùng là "điểm khởi nguồn". Khi tin rằng thu nhập sẽ ổn định hoặc tăng, người dân có xu hướng chi tiêu mạnh hơn, kể cả với những mặt hàng giá trị lớn. Sự lạc quan này tạo nên vòng lặp tích cực, là niềm tin thúc đẩy tiêu dùng, tiêu dùng kích thích tăng trưởng kinh tế, từ đó càng củng cố niềm tin.
Trong động thái mới đây, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với thuế quan của Mỹ. Trong đó, ngành ngân hàng được giao triển khai các gói tín dụng ưu đãi, gồm 500.000 tỷ đồng cho hạ tầng, khoa học công nghệ, kích cầu tiêu dùng nội địa. Bộ Tài chính được yêu cầu đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giãn hoãn thuế, trong đó có giảm tiếp 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) tới hết 2026.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng đây cũng là thời điểm cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải ra sức giữ vững thị trường nội địa trước nguy cơ làn sóng hàng giá rẻ nước ngoài tìm đến khi rào cản thuế quan làm khó tiếp cận Mỹ. "Doanh nghiệp cần tìm mọi cách để giữ thị phần, chăm sóc tốt khách hàng của mình", bà nói.
Bà Nguyễn Phương Nga khuyến nghị doanh nghiệp tìm hiểu rõ vai trò từng kênh phân phối trong mục tiêu tăng trưởng để có chiến thuận bán hàng phù hợp, chú trọng chất lượng sản phẩm. Đồng thời, bà cho rằng nhà điều hành cần cân nhắc trong việc tung ưu đãi hợp lý. Bởi theo nghiên cứu của Kantar ở châu Á, trong số 100% doanh thu tạo ra bằng khuyến mãi thì chỉ 60% mang lại tích cực dài hạn.
"Chất lượng sản phẩm ngày càng quan trọng trong bối cảnh người tiêu dùng cân nhắc chi tiêu. Doanh nghiệp làm tốt cũng cần công khai chất lượng để khách hàng hiểu, nắm bắt thông tin", bà Nga khuyến nghị.