Thế giới lên án Trung Quốc vì luật an ninh quốc gia Hong Kong
Việc Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia Hong Kong sáng ngày 30/6 đã vấp phải chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, khác với Mỹ, châu Âu và Nhật Bản không đe dọa thực hiện các biện pháp trừng phạt. Sự đoàn kết của các liên minh lâu năm của Mỹ đang bị thử thách trước một Bắc Kinh ngày càng táo bạo.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Ullyot phát biểu: "Do Bắc Kinh giờ đối xử với Hong Kong theo mô hình "một quốc gia, một chế độ", Mỹ cũng cần làm vậy. Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh ngay lập tức thay đổi quyết định".
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng thẳng từng tuyên bố: "Cái gọi là luật "an ninh quốc gia" mà Bắc Kinh thông qua ngay trước lễ kỉ niệm 23 năm Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc báo hiệu cái chết của nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ".
Các "diều hâu" trong Quốc hội Mỹ chỉ trích mạnh mẽ động thái của Bắc Kinh.
Thượng nghị sĩ Tom Cotton tuyên bố: "Ông Tập Cận Bình và Trung Quốc phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng vì đã phá hoại quyền tự do của Hong Kong".
Ông Cotton kêu gọi: "Chính quyền Tổng thống Trump nên xem xét mọi phương án có trong tay để ngăn chặn Bắc Kinh hưởng lợi từ vị thế tài chính và kinh tế của Hong Kong. Chúng ta không thể làm ngơ trước các hành động hà khắc của Trung Quốc".
Thượng nghị sĩ Marco Rubio đăng trên Twitter: "Trung Quốc đã hợp pháp hóa việc đàn áp nền dân chủ của Hong Kong [....] Thật đáng tiếc, Hong Kong không còn là nơi an toàn để kinh doanh".
Thượng nghị sĩ Josh Hawley gọi 30/6 là "một ngày đáng buồn" cho Hong Kong và thế giới.
Ông viết trên Twitter: "Câu hỏi bây giờ là liệu Bắc Kinh có sử dụng luật an ninh quốc gia Hong Kong như một cái cớ để bỏ tù các lãnh đạo phe ủng hộ nền dân chủ không. Mỹ cần phải cảnh giác và sẵn sàng áp dụng các biện pháp trừng phạt tiếp theo".
Theo Nikkei Asian Review, từ trước khi luật an ninh quốc gia Hong Kong được chính thức thông qua, Mỹ đã cam kết sẽ đáp trả bằng hành động. Hôm 29/6, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố sẽ ngừng xuất khẩu thiết bị quốc phòng, công nghệ nhạy cảm sang Hong Kong.
"Mỹ đang xem xét các đặc quyền khác và sẽ thực hiện các biện pháp bổ sung để phản ánh thực tế tại Hong Kong", ông Pompeo cho biết.
Tuần trước, Mỹ đã quyết định hạn chế thị thực với các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc là phá hoại nền tự trị của Hong Kong.
Tuy nhiên, các biện pháp Mỹ đã công bố không có nhiều tác động đến Trung Quốc. Những mặt hàng bị ngừng xuất khẩu chỉ chiếm 1,2% tổng hàng hóa Mỹ bán sang Hong Kong năm 2018. Lệnh hạn chế thị thực gần như chỉ có ý nghĩa biểu tượng vì Mỹ từ lâu đã cấm mọi chuyến bay từ Trung Quốc. Washington vẫn chưa tung ra đòn đáp trả có sức công phá lớn.
Một trong số những đòn trả đũa nghiêm trọng nhất Mỹ có thể thực hiện là hạn chế quyền trao đổi tự do giữa USD và đồng đô la Hong Kong, chấm dứt cơ chế neo tỉ giá của đồng đô la Hong Kong vào USD. Động thái này sẽ gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế Hong Kong và đồng thời làm khó cho các tổ chức tài chính Mỹ đang hoạt động tại thành phố này.
Các nhà lập pháp Mỹ đang thảo luận một dự luật có thể hủy niêm yết doanh nghiệp Trung Quốc khỏi sàn chứng khoán Mỹ. Một biện pháp khác đang được giới chính trị gia Mỹ cân nhắc sẽ trừng phạt các tổ chức tài chính nước ngoài giao dịch với quan chức Trung Quốc gây tổn hại tới nền tự trị của Hong Kong.
Những biện pháp này có thể ảnh hưởng lớn khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại Hong Kong.
Ông Trump sẽ cần phải cân nhắc tác động của những dự luật này tới thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung trước khi đặt bút kí thông qua. Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung là một trong những thành tựu mà ông Trump muốn nhấn mạnh trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Nhật Bản, châu Âu chưa có hành động cụ thể
Trong khi đó, dù Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) mạnh mẽ phản đối luật an ninh Hong Kong, nhưng các quốc gia này không cân nhắc các biện pháp trừng phạt.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết Nhật Bản "rất tiếc" về việc Trung Quốc thông qua đạo luật quốc gia Hong Kong. Theo một quan chức cấp cao, cách nói này thể hiện một bước tiến trong tuyên bố trước đó là Nhật Bản "quan ngại" về đạo luật này.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho biết động thái này sẽ có "tác động rất nghiêm trọng" đối với kế hoạch về chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson nói với các phóng viên rằng ông "quan ngại sâu sắc" về luật an ninh quốc gia Hong Kong. Chính quyền ông Johnson sẽ sớm quyết định có nên khuyến khích 2,85 triệu người Hong Kong xin cấp quyền cư trú tại Anh để đáp trả Trung Quốc hay không.
Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel cho biết: "Chúng tôi lên án quyết định của Trung Quốc". Ông Michel nói rằng luật an ninh quốc gia Hong Kong "có nguy cơ làm suy yếu nghiêm trọng mức độ tự trị cao của Hong Kong".