|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

EU cảnh báo: Trung Quốc sẽ gánh chịu 'hậu quả xấu' nếu áp dụng luật an ninh quốc gia Hong Kong

12:28 | 23/06/2020
Chia sẻ
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cảnh báo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về "những hậu quả rất tiêu cực" đối với kế hoạch của Bắc Kinh nhằm áp dụng luật an ninh quốc gia tại Hong Kong.
EU cảnh báo: Trung Quốc sẽ gặp 'hậu quả tiêu cực' nếu áp dụng luật an ninh quốc gia Hong Kong - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: Tân Hoa Xã

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula cũng hối thúc chính phủ Trung Quốc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho châu Âu và quan tâm nhiều hơn nữa về biến đổi khí hậu. Đây có vẻ là dấu hiệu châu Âu muốn cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

Để thể hiện sự mất kiên nhẫn của liên minh châu Âu (EU), bà Ursula kêu gọi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tăng cường chú ý cho các cuộc nói chuyện về đầu tư đang diễn ra trước "cuối mùa hè" nhằm đạt được một thỏa thuận vào cuối năm.

Về phần mình, ông Tập Cận Bình cam kết sẽ làm việc với khối EU trên tinh thần hợp tác và duy trì chủ nghĩa đa phương.

Theo South China Morning Post (SCMP), cuộc hội đàm trực tuyến giữa ông Tập với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel diễn ra sau khi hai nhà lãnh đạo này tham gia hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Hội nghị này tập trung vào các vấn đề kinh tế liên quan tới COVID-19, mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc, tình hình tại Hong Kong và các vấn đề quốc tế khác.

"Luật an ninh quốc gia Hong Kong có nguy cơ làm suy yếu nghiêm trọng nguyên tắc 'một quốc gia, hai chế độ'", bà Ursula phát biểu trong cuộc họp báo sau hội nghị. "Chúng tôi cũng đã truyền tải thông điệp rằng Trung Quốc có thể phải gánh chịu các hậu quả rất tiêu cực nếu tiếp tục kế hoạch áp đặt đạo luật này".

"EU đang giữ liên lạc với các đối tác trong Nhóm G7 về vấn đề luật an ninh quốc gia Hong Kong. Hôm nay chúng tôi đã thể hiện lập trường rất rõ ràng với giới lãnh đạo Trung Quốc và kêu gọi họ cân nhắc lại. Dĩ nhiên họ có quan điểm khác, nhưng chúng tôi đã truyền đạt quan điểm rất rõ ràng".

Nhưng bà Ursula đã né tránh các câu hỏi về các biện pháp mà EU sẽ thực hiện.

Về thỏa thuận đầu tư, bà Ursula kêu gọi Trung Quốc nâng các cuộc đàm phán lên "cấp độ chính trị cao hơn". Về biến đổi khí hậu, hai nhà lãnh đạo EU thúc giục Trung Quốc thực hiện cam kết theo Thỏa thuận Paris.

Trung Quốc đang tập trung vào mối quan hệ hợp tác với EU trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung đang lên cao.

Theo truyền thông Trung Quốc, ông Tập đã khẳng định với các nhà lãnh đạo EU: "Trung Quốc là đối tác, không phải đối thủ của EU. Trung Quốc và EU không có xung đột cốt yếu nào và sự hợp tác giữa hai bên lớn hơn nhiều so với cạnh tranh".

Ông Tập cũng sẵn sàng "liên lạc chặt chẽ" với các nhà lãnh đạo EU để thúc đẩy các chương trình nghị sự song phương lớn – một cách nói gián tiếp về thỏa thuận đầu tư.

Ông Tập nói rằng Trung Quốc và EU "nên tôn trọng lẫn nhau, tạo ra điểm chung và chấp nhận những khác biệt".

Theo thông cáo báo chí của EU, hai nhà lãnh đạo cao cấp của EU cũng đề cập đến "tình trạng xói mòn nhân quyền, bao gồm cách Trung Quốc đối xử với dân tộc thiểu số tại Tân Cương và Tây Tạng và về những người bảo vệ nhân quyền, cũng như các hạn chế tới quyền tự do cơ bản".

Giang