|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

EU đứng trước áp lực theo Mỹ hay về với Trung sau COVID-19

16:00 | 30/05/2020
Chia sẻ
Quan chức đối ngoại hàng đầu của EU nhận định rằng kỷ nguyên châu Á đã đến, đánh dấu sự kết thúc của hệ thống toàn cầu do Mỹ dẫn dắt và châu Âu cần đẩy mạnh chiến lược với Trung Quốc.
EU đứng trước áp lực theo Mỹ hay về với Trung sau COVID-19 - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Michele Tantussi/Getty Images.

Ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) nhận định rằng, dịch Covid-19 có thể đóng vai trò bước ngoặt và áp lực chọn phe đang ngày càng tăng. Tuy vậy, ông đưa ra lời khuyên EU cần đi theo các giá trị và lợi ích của riêng mình, tránh ngả về một bên chỉ Mỹ hoặc Trung Quốc.

Trong một cuộc gặp với các nhà ngoại giao Đức hôm 25/5, ông Borell nhấn mạnh: “Các nhà phân tích từ lâu đã đề cập đến sự kết thúc của một hệ thống do người Mỹ lãnh đạo và sự xuất hiện của một thế kỷ châu Á. Điều này đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta”.

Cũng theo ông, khối 27 quốc gia thành viên của EU cần có chiến thuật mạnh mẽ và độc lập hơn với Trung Quốc, đồng thời duy trì mối quan hệ tốt hơn với những nước dân chủ khác ở châu Á.

Các chuyên gia nhận xét rằng, EU đã miễn cưỡng đứng về phía Tổng thống Donald Trump khi Washington mở các cuộc công kích hướng đến Bắc Kinh. Tuy nhiên, những động thái mới nhất của Trung Quốc nhắm vào sự độc lập của Hồng Kông đã khiến châu Âu thay đổi suy nghĩ về “gã khổng lồ châu Á”.

Ông Borrell trước đây từng thừa nhận rằng EU đã quá ngây thơ khi “chơi” với Trung Quốc, nhưng giờ đây ông khẳng định điều đó đã kết thúc. Trong một bài báo được đăng vào tháng 5 trên nhiều tờ báo châu Âu, quan chức đối ngoại hàng đầu EU đã thúc giục khối này áp dụng thái độ cứng rắn tập thể với Trung Quốc.

Trước đó, vào mùa Xuân năm 2019, trong một văn bản chiến lược, châu Âu từng gọi Trung Quốc là “hệ thống đối địch”. Nhưng cùng tháng văn bản này được công khai, Ý đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên ký biên bản ghi nhớ về việc tham gia “Vành đai, Con đường” với Trung Quốc. 

Nhiều quốc gia châu Âu còn "bật đèn xanh" để tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei thiết lập mạng không dây 5G.

Tuy vậy, chủ trương muốn mạnh tay hơn với Trung Quốc hiện nay của châu Âu đã bị kiềm chế bởi các biện pháp của Tổng thống Trump và có một nỗi lo ngại rằng khi đứng về phía Mỹ và cùng đối đầu với Trung Quốc thì đối tác hàng đầu của EU không ai khác chính là ông chủ Nhà Trắng.

Hàng loạt các chính trị gia cấp cao ở Pháp và Đức đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc. Nhập khẩu hàng ngày của châu Âu từ Trung Quốc lên tới 1 tỷ Euro, nhưng các nhà kinh tế cho biết, có dấu hiệu một số hình thức thương mại sẽ không quay trở lại. 

Trung Quốc đã giúp châu Âu phục hồi kinh tế trong năm 2007-2008 bằng cách mua nợ nhưng câu chuyện này dường như đã bị xếp vào dĩ vãng và thay bằng sự cảnh giác.

Bà Margrethe Vestager, một quan chức cấp cao khác của EU phụ trách vấn đề cạnh tranh, đã nói về tình trạng thiếu sự qua lại giữa khối này và Trung Quốc như sau: "Ở vùng phía tây Đan Mạch nơi tôi lớn lên, chúng tôi được dạy rằng nếu bạn mời một người khách đến ăn tối và họ không mời lại bạn, hãy ngừng mời họ. Châu Âu cần quyết đoán hơn về việc chúng ta là ai".

Những gì bà Vestager vừa nói, theo The Guardian, ám chỉ việc EU luôn sẵn sàng mở cửa cho hàng hóa Trung Quốc nhưng Bắc Kinh thì luôn đóng kín cửa thị trường hoặc hạn chế các doanh nghiệp EU ở chiều ngược lại.

Ông Philippe Le Corre thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế nhận định Covid-19 đã trở thành “kẻ thay đổi cuộc chơi” và làm đổi hướng khái niệm của châu Âu về Trung Quốc. Ông nói: “Trung Quốc đã không ghi nhận giúp đỡ ban đầu của châu Âu, có lẽ bắt nguồn từ việc Bắc Kinh không thoải mái với việc được nước ngoài hỗ trợ”.

Dư luận châu Âu cũng không mấy hài lòng với hành vi của Trung Quốc. Một cuộc khảo sát do Tổ chức Phi lợi nhuận Körber-Stiftung (Đức) tiến hành cho kết quả là 71% người Đức tin rằng “có thể giảm thiểu đại dịch Covid-19 nếu Trung Quốc minh bạch hơn”.

68% người Đức có cái nhìn không mấy thiện cảm với Mỹ trong một vài năm trở lại đây và tỷ lệ này với Trung Quốc cũng bị giảm 11%.

Tại Pháp, một cuộc thăm dò của Ifop/Reputation Squad được thực hiện vào cuối tháng 4 cho thấy chỉ có 12% người được hỏi nhận thấy Trung Quốc là nơi tốt nhất để đáp ứng những thách thức của thập kỷ tiếp theo.

Ông Borrell đã miêu tả sự ngạc nhiên của mình khi biết tất cả các nguồn cung paracetamol của châu Âu đều đến từ Trung Quốc. Nội các Đức gần đây đã phê chuẩn một đạo luật mới để ngăn chặn nước ngoài thâu tóm các công ty y tế nước mình.

Bộ trưởng Tài chính Pháp, Bruno Le Maire, trong khi đó tuyên bố sẽ không để các công ty yếu thế với công nghệ mỏng manh bị các đối thủ nước ngoài mua lại với giá thấp.

Trong lúc này, Trung Quốc đang nỗ lực ngăn đà trượt dốc trong quan hệ với EU khi tuyên bố 2020 là năm của châu Âu với hai hội nghị thượng đỉnh lớn và tiếp tục củng cố quan hệ với các nước Đông Âu thông qua nhóm 17+1.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hương Vũ