CE và FDA - 'Hộ chiếu thương mại' đưa hàng Việt vào EU và Mỹ
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) đang gặp khó khăn, lúng túng trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng của nước nhập khẩu, đặc biệt là quy trình xin Chứng nhận CE và FDA của EU và Mỹ.
Việc thiếu thông tin về vấn đề này dẫn đến nhiều DN phải thông qua các tổ chức môi giới để làm chứng nhận, nhưng không đảm bảo được tính xác thực.
Trong khi đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đáp ứng những quy định về tiêu chuẩn chất lượng của thị trường EU và Mỹ, nhất là quy trình xin chứng nhận CE (sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường) và FDA (quy định giám sát độ an toàn những sản phẩm thuộc danh mục quản lý lưu hành trên thị trường Mỹ)... sẽ khai thác tối đa lợi ích từ EVFTA khi Hiệp định này chính thức có hiệu lực.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời gian qua, với tác động của dịch Covid-19, nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn, trong đó có các DN dệt may.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, sản xuất khẩu trang vải, khẩu trang vải kháng khuẩn đáp ứng nhu cầu trong nước, xuất khẩu, góp phần tăng thu nhập, giảm bớt khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Tuy nhiên ông Hải cũng cho biết, đối với mặt hàng khẩu trang và thiết bị bảo hộ y tế khi xuất khẩu vào EU và Mỹ, các DN cần nhận thức tầm quan trọng của các chứng nhận về sự phù hợp cũng như công tác đảm bảo chất lượng sản phẩm.
“Bộ Công Thương mong muốn các doanh nghiệp khi xuất khẩu khẩu trang vào các thị trường này cần phải có sự nghiêm túc, có sự đầu tư bài bản và đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu.
Nếu không, mặt hàng khẩu trang khi đi qua mùa dịch sẽ lắng xuống và hoạt động kinh doanh không được lâu bền, thậm chí có thể gây thiệt hại đáng kể”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu khẳng định.
Lý giải về quy trình, thủ tục xin chứng nhận CE đối với thị trường EU và Mỹ, bà Dương Phong Hiền, Trưởng đại diện Eurofins tại Hà Nội chỉ rõ, CE được ví như chiếc thẻ “hộ chiếu thương mại” lưu thông sản phẩm khẩu trang cũng như các thiết bị phòng hộ cá nhân vào thị trường EU.
“Sản phẩm gắn nhãn CE như là lời tuyên bố của DN khẳng định sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn, sức khỏe, môi trường và chính CE cũng là căn cứ xử lý các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn bảo vệ môi trường”, bà Hiền cho biết.
Khi đề cập về chứng nhận FDA để xuất khẩu các sản phẩm này vào thị trường Mỹ, Trưởng đại diện Eurofins tại Hà Nội cũng lưu ý, đây không phải là câu chuyện đơn giản, doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị thực sự bài bản thì mới có thể đem hàng vào thị trường này một cách lâu dài.
“Quy trình đăng ký FDA trải qua 5 bước cơ bản: Xác định, phân loại sản phẩm; xuất trình tài liệu cần thiết; thiết lập và duy trì hệ thống tuân thủ quy định chất lượng của FDA; đăng ký số DUNS; đăng ký doanh nghiệp; đánh giá...”, bà Hiền chỉ rõ.
Riêng đối với mặt hàng khẩu trang xuất khẩu, chuyên gia của Công ty SGS Việt Nam - bà Trần Thanh Thủy Tiên cho biết, các DN cần nắm vững các thông số, ký hiệu, thông tin, chi tiêu của các loại khẩu trang hiện có trên thị trường.
Qua đó, các doanh nghiệp có thể hiểu hơn về tiêu chuẩn của các loại khẩu trang nhằm đưa ra hướng sản xuất phù hợp với yêu cầu các thị trường khác nhau.
"Việt Nam cần sớm hoàn thiện thêm các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm kiểm soát và nâng cao chất lượng các sản phẩm khẩu trang và đồ bảo hộ.
Từ đó, tạo điều kiện thúc đẩy khả năng cạnh tranh của các sản phẩm dệt may Việt Nam với các sản phẩm cùng loại trên thị trường", chuyên gia của SGS nhận định.
Khẳng định tầm quan trọng của Chứng nhận CE và FDA khi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU và Mỹ, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải lưu ý, ngay từ bây giờ, doanh nghiệp cần quan tâm đáp ứng các tiêu chuẩn, tạo tấm “hộ chiếu” giúp sản phẩm của Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường EU và Hoa Kỳ, tránh tình trạng sản xuất đại trà mà không theo tiêu chuẩn kỹ thuật nào, sẽ không xuất khẩu được mà còn có thể gây dư thừa, thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp.
“Hiện nay, Hiệp định EVFTA đã được ký kết và đang chờ Quốc hội phê chuẩn. Để có thể đón đầu các cơ hội to lớn mà Hiệp định mở ra, các DN Việt Nam cũng cần nắm chắc những quy định về tiêu chuẩn chất lượng của thị trường EU để đảm bảo khai thác tối đa lợi ích từ Hiệp định”, ông Hải chỉ rõ.
Cũng theo ông Hải, hiện Bộ Công thương đã trao đổi với Bộ Khoa học và Công nghệ cùng phối hợp xây dựng các dịch vụ về đánh giá, thử nghiệm, kiểm định, chứng nhận cho các sản phẩm nói chung, trong đó có sản phẩm dệt may, khẩu trang y tế nói riêng.
Tuy nhiên, DN Việt Nam cũng phải có nhận thức đúng đắn về việc đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật, thực phẩm để thâm nhập vào thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường khó tính như EU hay thị trường Mỹ.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/