|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thế giới có thể thiệt hại hơn 2.300 tỷ USD vì chậm tiêm vắc xin ngừa COVID-19

11:27 | 25/08/2021
Chia sẻ
Tiến độ chậm trễ trong việc triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 2.300 tỷ USD.
Thế giới có thể thiệt hại hơn 2.300 tỷ USD vì chậm tiêm vắc xin ngừa COVID-19 - Ảnh 1.

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân tại Nagoya, Nhật Bản, ngày 5/7. (Ảnh: Kyodo/TTXVN).

Theo nghiên cứu được Đơn vị tình báo kinh tế (EIU) thuộc báo The Economist công bố ngày 25/8, các nước không tiêm đủ vắc xin cho 60% dân số vào giữa năm 2022 sẽ chịu tổn thất tương đương 2.000 euro (2.348 tỷ USD) trong giai đoạn 2022 - 2025.

Đặc biệt, các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi sẽ phải gánh chịu khoảng 70% khoản thiệt hại trên vì tỷ lệ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 còn kém xa các nước giàu hơn.

EIU cảnh báo sự chậm trễ trong việc triển khai tiêm vắc xin có thể gây phẫn nộ, làm gia tăng nguy cơ bất ổn xã hội tại các nền kinh tế đang phát triển.

Theo báo cáo, khu vực châu Á-Thái Bình Dương chịu thiệt hại nặng nhất khi chiếm 3/4 tổng số tiền thiệt hại trên. Tuy nhiên, nếu xét về tỷ lệ phần trăm của GDP, khu vực phía Nam sa mạc Sahara châu Phi chịu tổn thất nặng nhất.

EIU đánh giá tốc độ tiêm chủng tại các nền kinh tế thu nhập thấp là chậm chạp. Tính đến cuối tháng 8, khoảng 60% dân số của các nước thu nhập cao hơn đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin ngừa COVID-19, trong khi tỷ lệ này chỉ là 1% tại các nước thu nhập thấp hơn.

Trao đổi với báo giới, bà Agathe Demarais, tác giả báo cáo, cho rằng nỗ lực của quốc tế nhằm cung cấp vắc xin ngừa COVID-19 cho các nước nghèo đã không đạt được mục tiêu dù chỉ được đề ra ở mức vừa phải.

Bà nhận định có rất ít cơ hội để có thể cân bằng khả năng tiếp cận vắc xin giữa các nước, đồng thời cảnh báo việc các nền kinh tế phát triển đang tiến tới tiêm mũi vắc xin tăng cường ngừa COVID-19 sẽ dẫn tới sự thiếu hụt nguyên liệu thô và tạo nút thắt trong khâu sản xuất.

Trước đó, Trưởng nhóm khoa học Soumya Swaminathan của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 18/8 cho biết những dữ liệu hiện tại không cho thấy các mũi tiêm vắc xin tăng cường ngừa COIVD-19 là cần thiết.

Trong khi đó, Cố vấn WHO Bruce Aylward cho rằng “hiện có đủ vắc xin trên khắp thế giới, nhưng lại không đến đúng địa điểm theo đúng thứ tự”.

Theo ông Aylward, việc tiêm đủ hai mũi cần được áp dụng với tất cả những nước dễ bị tổn thương nhất trên toàn thế giới trước khi mũi thứ ba tăng cường được áp dụng với những người đã tiêm đủ hai mũi. Ông cũng cho rằng còn khá lâu nữa thế giới mới đến được mức độ đó.

Phương Oanh