Tham gia vào các FTA, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu bền vững
Đằng sau kỳ tích 400 tỉ USD xuất nhập khẩu | |
Phó Thủ tướng: Xuất nhập khẩu sau 2 năm tăng 100 tỷ USD là 'kỳ tích' |
Như vậy, chỉ sau hơn 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã tăng gấp 4 lần và là một đòn bẩy tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có một số chia sẻ với VietnamPlus về những nét nổi bật trên, qua đó cũng làm rõ hơn bức tranh xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian qua.
Xin ông chia sẻ về những điểm nhấn của hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2017?
Ông Trần Thanh Hải: Có thể nói năm 2017 là năm thành tích khá đậm nét của hoạt động kinh tế nói chung và trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu. Thể hiện đầu tiên là kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt qua kim ngạch 400 tỷ USD, dự báo cả năm đạt 408 tỷ USD.
Tốc độ tăng trưởng cũng rất cao, không chỉ đạt 2 con số mà còn đạt đến mức 21%. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu hồi phục chưa rõ nét thì tốc độ tăng trưởng như vậy của Việt Nam rất lớn.
Khi chúng ta đạt được kim ngạch xuất khẩu lớn như vậy cũng đồng thời chúng ta duy trì được cán cân thương mại tích cực, dự báo cả năm xuất siêu khoảng 3 tỷ USD. Điều đó đóng góp rất lớn vào việc ổn định cán cân thanh toán vãng lai, cũng như góp phần ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô, từ đó tạo điều kiện cho chúng ta có đà để phát triển các hoạt động về kinh tế xã hội trong những năm tới.
- Thành tích xuất khẩu năm nay cao gấp 3 lần so với con số dự kiến, vậy đâu là nguyên nhân để đạt được các kết quả trên?
Ông Trần Thanh Hải: Thành tích như vậy cũng có sự đóng góp của các nhóm hàng khác nhau. Chúng ta thấy trước đây xuất khẩu chủ yếu dựa vào nhóm hàng khoáng sản, hiện nay tỷ trọng của nhóm này rất thấp và chủ yếu là nhóm hàng công nghiệp, với tỷ trọng khoảng 88% và 12% còn lại bao gồm cả nhóm nông sản và khoáng sản.
Trong nhóm hàng công nghiệp thì nhóm mặt hàng điện thoại di động chiếm lớn nhất và hiện chiếm 1/4 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và đóng góp của Samsung quan trọng cho kim ngạch chung. Ngoài ra, các sản phẩm khác như dệt may, da giày cũng đóng góp tích cực cho kim ngạch chung. Xuất khẩu dệt may năm 2017 dự báo vượt 30 tỷ USD và mức đóng góp vào kim ngạch chung rất tốt.
Trong khi đó, nhóm hàng nông sản có điều kiện xuất khẩu khó khăn hơn nhóm mặt hàng công nghiệp do phụ thuộc vào thời tiết và giá cả thế giới nhưng năm nay nhóm hàng này vẫn đạt được nhiều kết quả tốt, đặc biệt là nhóm hàng rau quả năm nay vượt qua cả xuất khẩu gạo là mặt hàng truyền thống. Với kim ngạch như vậy có thể thấy bức tranh xuất khẩu năm nay rất tích cực và sự tăng trưởng đã vượt qua dự báo từ đầu năm.
- Biểu đồ xuất khẩu của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước:
- Xuất siêu năm nay rất cao, vậy theo ông trong bối cảnh hiện nay, cán cân thương mại có những điểm gì đáng lưu ý?
Ông Trần Thanh Hải: Trong những năm vừa qua chúng ta thấy kim ngạch nhập khẩu luôn bám sát xuất khẩu, thậm chí trước đây nhập khẩu còn nhiều hơn xuất khẩu và chúng ta đã ở tình trang nhập siêu khá dài.
Từ 2012 đến nay về cơ bản mức kim ngạch đó đã cân bằng, có những năm xuất siêu có năm nhập siêu nhưng tỷ lệ không lớn so với kim ngạch xuất khẩu.
Năm nay có thể xuất siêu hơn 3 tỷ USD điều này có sự đóng góp từ tốc độ tăng trưởng xuất khẩu có thể nói là rất ngoạn mục và đó là sự tăng trưởng vượt bậc.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng chủ động được một phần nguyên liệu trong nước. Hơn nữa, khi các doanh nghiệp FDI tích cực đầu tư vào Việt Nam ở các công đoạn mà chúng ta đang thiếu, điều đó cũng giúp chúng ta bớt nhập khẩu nguyên phụ liệu và bán thành phẩm.
Điều này cũng thể hiện rất rõ ở những ngành như công nghiệp ôtô, hiện nhiều chi tiết sản xuất được tại Việt Nam. Hoặc trong ngành điện tử, điện thoại đã có nhiều doanh nghiệp cung cấp các bán thành phẩm cho nhà sản xuất điện thoại ở Việt Nam. Chưa kể ngành dệt may, da giày, đồ gỗ chúng ta cũng thấy có bức tranh như vậy.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
- Cùng với thách thức, nhiều ý kiến còn lo ngại rằng hoạt động xuất nhập khẩu còn thiếu bền vững bởi hàng hóa của ta còn có tỷ lệ chế biến thấp, giá trị gia tăng chưa cao, vậy Bộ Công Thương sẽ giải quyết việc này ra sao?
Ông Trần Thanh Hải: Việc gia tăng hàm lượng chế biến trong hàng hóa xuất khẩu là vấn đề dài hạn và điều đó đòi hỏi một chính sách, cách tiếp cận dài hạn. Bộ Công Thương đã tính đến vấn đề này từ lâu nhưng thời gian qua, có thể là chúng ta ưu tiên hơn vào giải quyết những công việc trước mắt trước.
Ở một góc độ khác, việc Việt Nam tham gia vào các Hiệp định Thương mại tự do cũng chính là chủ trương của Nhà nước giúp chúng ta tăng tự lực về kinh tế, tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu bền vững khi chúng ta có thể có được nhiều thị trường hơn, tạo sự thông thoáng hơn cho các sản phẩm Việt Nam.
Một góc độ nữa là xây dựng pháp luật trong nước, việc ban hành Luật Quản lý Ngoại thương và những Nghị định mới được ban hành trong năm 2017, hệ thống pháp luật quản lý ngoại thương và xuất nhập khẩu đã thông thoáng và cởi mở hơn rất nhiều.
Tôi nhấn mạnh thêm về vấn đề nâng cao năng lực của doanh nghiệp, điều này là câu chuyện của doanh nghiệp, nhưng Nhà nước có vai trò xúc tác và hỗ trợ doanh nghiệp trong đó. Ta cũng có Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, tất nhiên Luật là một chuyện, việc triển khai trong thực tế là những vấn đề tiếp theo.
Điểm nhấn tiếp theo là cải cách hành chính. Có thể nói nhiều chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra một cách không đáng có do thủ tục hành chính hoặc vấn đề thu phí như phí đường bộ, phí cảng, phí các địa phương... năm 2017 là năm ta quyết liệt cắt giảm điều kiện kinh doanh, rà soát các hoạt động kiểm tra chuyên ngành để đơn giản hóa một cách tối đa Thủ tục hành chính. Đó là những biện pháp đóng góp về lâu dài cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam bền vững hơn.
- Xin cảm ơn ông./.