|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tech In Asia: Ứng dụng công nghệ bất động sản sẽ là lĩnh vực hút vốn vào startup tiếp theo ở Việt Nam

16:16 | 31/05/2021
Chia sẻ
Thời gian gần đây, các startup trong ngành công nghệ bất động sản (proptech) ở Việt Nam nhận được nhiều sự ưu ái của các nhà đầu tư.

Trong vòng ba năm kể từ thời điểm PropertyGuru thâu tóm cổng thông tin bất động sản Việt Nam Batdongsan.com.vn, các startup công nghệ mới liên tục xuất hiện trong ngành. 

Vì sao công nghệ bất động sản (proptech) sẽ là lĩnh vực hút vốn tiếp theo ở Việt Nam? - Ảnh 1.

Một toà nhà ở TP HCM. (Ảnh: 123rf).

Năm ngoái, nền tảng bất động sản Propzy nhận được 25 triệu USD trong vòng đầu tư Series A do SoftBank Ventures Asia và Gaw Capital dẫn dắt. Rever, một công ty môi giới ứng dụng công nghệ khác, cũng kêu gọi được 6,3 triệu USD từ nhiều quỹ đầu tư mạo điểm trong nước và quốc tế. 

Startup Homebase cũng nhận được sự chống lưng của nhiều nhà đầu tư có tiếng như Y Combinator, 1982 Ventures, và người sáng lập 99.co là ông Darius Cheung.

Những startup proptech (công nghệ bất động sản) ở Việt Nam phần nào đều mong muốn giải quyết vấn đề thiếu hụt niềm tin trong các giao dịch bất động sản đồng thời nắm bắt cơ hội ở một thị trường nhà đất bùng nổ nhu cầu, theo nhận định từ TechInAsia.

Tiến xa hơn các danh sách bất động sản

Batdongsan.com.vn và Muabannhadat.vn từng là 2 "ông lớn" trong mảng đăng tải thông tin bất động sản ở Việt Nam trong quá khứ.

Vì sao công nghệ bất động sản (proptech) sẽ là lĩnh vực hút vốn tiếp theo ở Việt Nam? - Ảnh 2.

Các trang chia sẻ thông tin bất động sản hàng đầu ở Việt Nam, dựa trên số lượng truy cập hàng tháng. (Đơn vị: triệu lượt, Nguồn: TechinAsia/SimilarWeb, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Ở thời kỳ đỉnh cao, Muabannhadat.vn được cho là có thông tin của 85% các danh sách bất động sản ở Việt Nam. Dù vậy, Ringer, công ty mẹ có trị sở ở Thuỵ Điển của Muabannhadat.vn, quyết định tạm dừng dịch vụ vào năm ngoái. Lý do Ringer đưa ra cho quyết định này là COVID-19 khiến công ty "không thể tìm được giải pháp khả thi để duy trì dịch vụ với thành công về mặt kinh tế trong tương lai".

Khác Mỹ, thị trường Việt Nam không có một kho dữ liệu bất động sản tập trung dành cho cả các đơn vị chia sẻ danh mục bất động sản và những nhà môi giới.

"Một trong những vấn đề lớn của thị trường bất động sản Việt là thiếu minh bạch. Người mua luôn cảm thấy rối rắm với nhiều thông tin bất động sản giả trên hàng trăm website cung cấp dịch vụ môi giới", bà Lê Hoàng Uyên Vy của quỹ Do Ventures, chia sẻ. 

Ông Phan Lê Mạnh, Cựu giám đốc marketing Zalo, thành lập Rever vào năm 2016. Startup này lấy cảm hứng từ nền tảng Beike Zhaofang ở Trung Quốc. Giống Beike, Rever muốn mảng môi giới bất động sản có tính minh bạch cao hơn.

Vì sao công nghệ bất động sản (proptech) sẽ là lĩnh vực hút vốn tiếp theo ở Việt Nam? - Ảnh 3.

Ông Phan Lê Mạnh, CEO và người sáng lập Rever. (Ảnh: Rever)

Thị trường Việt Nam khó so sánh được về quy mô với thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, thay đổi được một ngành công nghiệp mới nổi và có mức độ phân mảnh cao là rất khó.

Ở những thị trường chưa đạt được độ chín như Việt Nam, khách hàng thường chỉ tham gia một vài giao dịch bất động sản trong đời. Điều này đồng nghĩa với việc chu trình mua bất động sản có thể kéo dài rất nhiều năm.

Mặc dù lấy thông tin khách hàng là một nhiệm vụ dài hạn, tận dụng các dữ liệu từ đại lý có thể được thực hiện nhanh hơn, theo ông Mạnh/

Thế nhưng, nếu chỉ có dữ liệu tốt hơn có đủ để thuyết phục người dùng tìm đến các startup proptech?

Một báo cáo được JLL và TechInAsia thực hiện vào năm 2017 cho thấy các startup proptech đang đối mặt với "thực tế cam go" khi người dùng thích tìm đến các kênh trực tiếp.

Ở Việt Nam, ngay cả với tầngl lớp trung lưu gia tăng và 70% dân số sử dụng smartphone, việc thuyết phục người dùng sử dụng ví điện tử đã là một thách thức. Chưa kể đến việc thuyết phục họ tìm đến các công ty proptech để thực hiện một giao dịch quan trọng của cuộc đời: mua căn nhà mơ ước.

"Chúng tôi ửng hộ các nền tảng marketing và bán hàng sử dụng công nghệ nhưng chúng tôi vấn tin là để bán bất động sản thành công cần tương tác trực tiếp. Và ở Việt Nam, quy trình này vẫn còn tốn nhiều nhân lực và cần nhiều giấy tờ", Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Vietnam, chia sẻ.

Những khoản chiết khấu nhỏ có thể thuyết phục người dùng sử dụng Shopee hay Grab song đối với những người mua nhà, họ cần nhiều hơn thế để bắt đầu tìm đến các ứng dụng proptech.

Thế nhưng, có một bài học mà startup proptech có thể học từ Grab.

Vì Việt Nam không có các quy trình cấp phép cho đại lý bất động sản, ai cũng có thể làm điều này. Điều này đồng nghĩa với việc tìm kiếm một đạt lý bất động sản phù hợp là rất khó.

Từ đó, startup có thể áp dụng các hệ thống chấm điểm như Grab cho các đại lý bất động sản. Chiến lược này giúp tăng niềm tin khách hàng và giảm các hành động xấu từ đại lý.

Cuộc chơi ngày càng nóng lên

Vì sao công nghệ bất động sản (proptech) sẽ là lĩnh vực hút vốn tiếp theo ở Việt Nam? - Ảnh 4.

Văn phòng của OneHousing tại Hà Nội. (Ảnh: OneHousing)

Khi nhu cầu nhà ở tại Việt Nam tiếp tục nóng lên, các công ty truyền thống cũng đang nhập cuộc cuộc đua proptech.

Năm ngoái, Vingroup ra mắt nền tảng OneHousing.vn và ứng dụng OneHousing Pro Agent. Với các dự án do chính mình phát triển và có sự hợp tác với nhiều ngân hàng lớn, OneHousing có lợi thế cạnh tranh đặc biệt.

OneHousing đặt mục tiêu trở thành một nền tảng tất cả trong một với nhiều dịch vụ khác nhau dành cho cả người mua, người bán và các nhà đầu tư.

Các đối thủ khác cũng đang xây dựng các công cụ số để nâng cao trải nghiệm người dùng.

Ông MacGregor của Savills Vietnam tiết lộ công ty đã ra mắt nền tảng quản lý bất động sản Property Cube cho hơn 100 toà nhà đang quản lý tại Việt Nam. Công cụ này có thể rút ngắn khoảng cách giữa người thuê, đơn vị phát triển bất động sản và ban quyền trị toà nhà. Bên cạnh đó, nó cũng cung cấp các dịch vụ tư vấn.

"Dù cạnh tranh gia tăng, các startup protech vẫn có thể lựa chọn hướng tiếp cận giải quyết nhiều vấn đề trong mảng bất động sản hoặc chỉ giải quyết một vấn đề ngách", ông MacGregor nói thêm.

Vì sao công nghệ bất động sản (proptech) sẽ là lĩnh vực hút vốn tiếp theo ở Việt Nam? - Ảnh 5.

(Nguồn: TechinAsia, Việt hoá: Nam Khánh).

Sở hữu một phần hoặc đầu tư khá phổ biến ở các thị trường bất động sản Phương Tây. Song ở Việt Nam, đây vẫn là một mô hình mới lạ.

James Vuong, CEO và người sáng lập ứng dụng đầu tư cá nhân Infina, hy vọng có thể thay đổi thực tế này.

Ông James Vuong nhận định mô hình của Infina cần thiết cho thị trường Việt Nam vì tâm lý tin tưởng rằng đầu tư bất động sản là khoản đầu tư tốt nhất. Dù vậy, giá bất động sản cao và lãi suất cho vay cao khiến đây là điều không phải ai cũng làm được.

Infina muốn mô hình sở hữu một phần của nhiều loại hình tài sản như chứng chỉ tiền gửi, quỹ tương hỗ và bất động sản dễ tiếp cận hơn.

"Trong vòng từ 18 đến 26 tháng, khi khoản lợi nhuận đủ lớn, bất động sản sẽ được bán và lợi nhuận chia cho toàn bộ những người đồng sở hữu", James Vuong giải thích và nói rằng startup này thu phí quản lý và một phần phí hoa hồng giao dịch.

Herston Elton Powers, đối tác điều hành tại 1982 Ventures, tin rằng Việt Nam là một trong những thị trường bất động sản hấp dẫn nhất trong khu vực. 1982 Ventures là một trong những nhà đầu tư sớm vào nền tảng Homebase.

Một khảo sát gần đây của Mingtiandi cho thấy COVID-19 đang đẩy nhanh tốc độ đón nhận các startup proptech tại Châu Á. Các chuyên gia tham gia vào khảo sát nhận định phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và tự động hoá quy trình sẽ là những xu hướng trong ngành bất động sản Châu Á trong 5 năm tiếp theo.

Nam Khánh