Tập đoàn FLC có quí lỗ gộp đầu tiên trong lịch sử
Bất ngờ lỗ gộp 51 tỉ đồng
Đêm 30/7, CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí II/2019 với doanh thu thuần 3.255 tỉ đồng, tăng 9% so với cùng kì năm ngoái.
Giá vốn hàng bán tăng tới 25,2% lên 3.306 tỉ đồng, do vậy, Tập đoàn FLC lỗ gộp 51 tỉ đồng trong khi cùng kì năm ngoái có lãi 347 tỉ đồng.
Chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lí doanh nghiệp đều tăng đáng kể. Chủ yếu nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng 348% lên 729 tỉ đồng, FLC mới thoát lỗ ròng và đạt lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 13,2 tỉ đồng, giảm 48% so với quí II năm ngoái.
Quí II/2019 | Tăng/giảm so với cùng kì | Nửa đầu năm 2019 | Tăng/giảm so với cùng kì | |
Doanh thu thuần | 3.255 | 9,0% | 6.235 | 18,8% |
Lợi nhuận gộp | -51 | 33 | -93,9% | |
Doanh thu HĐ tài chính | 729 | 347,7% | 1.040 | 251,9% |
Chi phí tài chính | 189 | 11,3% | 301 | 32,3% |
Lãi/Lỗ trong cty liên doanh liên kết | 0 | 0 | ||
Chi phí bán hàng | 190 | 15,4% | 287 | 35,9% |
Chi phí quản lí DN | 197 | 113,0% | 354 | 83,3% |
Lợi nhuận khác | -23 | 18 | ||
Lợi nhuận trước thuế | 79 | 19,4% | 151 | -22,4% |
Lợi nhuận sau thuế | 13 | -48,1% | 21 | -79,3% |
Lợi nhuận sau thuế cty mẹ | 15 | -42,0% | 22 | -77,4% |
Báo cáo giải trình biến động lợi nhuận của Tập đoàn do Tổng Giám đốc Hương Trần Kiều Dung kí không cung cấp thêm thông tin gì so với báo cáo tài chính.
Giải trình biến động lợi nhuận hợp nhất quí II/2019 của Tập đoàn FLC do Tổng Giám đốc Hương Trần Kiều Dung kí. Nguồn: FLC.
Theo thuyết minh của báo cáo tài chính, trong 6 tháng đầu năm nay FLC có doanh thu hoạt động tài chính lên tới 1.040 tỉ đồng, cao hơn cùng kì năm ngoái 744 tỉ đồng. Chênh lệch này chủ yếu đến từ "Lãi bán các khoản đầu tư" trị giá 778 tỉ đồng trong khi nửa đầu năm ngoái giá trị khoản mục này bằng 0.
Một điểm đáng chú ý khác là báo cáo tài chính riêng quí II của Tập đoàn FLC thể hiện công ty mẹ có lợi nhuận gộp 118 tỉ đồng và lãi ròng 264 tỉ đồng.
Trong khi đó, báo cáo tài chính hợp nhất hiển thị lỗ gộp và lãi ròng vỏn vẹn 13 tỉ đồng, điều này cho thấy ít nhất một trong số các công ty con của Tập đoàn FLC đang làm ăn thua lỗ, dẫn tới kéo tụt kết quả kinh doanh toàn tập đoàn.
Tập đoàn FLC có quí lỗ gộp đầu tiên kể từ khi niêm yết cổ phiếu năm 2011 đến nay. Nguồn: Kiên Dương tổng hợp từ báo cáo tài chính.
Bamboo Airways vẫn là nguyên nhân gây lỗ?
Trong quí I, kết quả kinh doanh của Tập đoàn FLC cũng có diễn biến tương tự. Lợi nhuận sau thuế riêng đạt 249 tỉ đồng, tăng đột biến 185% so với cùng kì 2018 nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất lại vỏn vẹn 8 tỉ đồng, giảm 92%.
Tại đại hội cổ đông thường niên của Tập đoàn FLC ngày 26/6 vừa qua, Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết cho biết một công ty con của Tập đoàn là Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) chưa tạo ra lợi nhuận và Tập đoàn đang phải bù lỗ, vì vậy mà kết quả kinh doanh hợp nhất quí I sụt giảm mạnh.
Hãng hàng không Bamboo Airways cất cánh bay thương mại lần đầu tiên vào ngày 16/1 năm nay. Đến nay hãng đang khai thác 10 tàu bay và đã được Bộ Giao thông vận tải đồng ý về chủ trương tăng qui mô đội tàu bay lên 30 chiếc đến năm 2023.
Theo ông Trịnh Văn Quyết, Bamboo Airways hiện chỉ khai thác 10 tàu bay nhưng phải chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng và nuôi bộ máy nhân sự đủ như khi khai thác 30 máy bay nên mới đang thua lỗ. Ông kì vọng sang quí I/2020, hãng hàng không tân binh này mới có lãi.
Như vậy, nhiều khả năng Bamboo Airways cũng chính là nhân tố khiến kết quả quí II của FLC tiếp tục kém khởi sắc.
Nợ phải trả tăng gần 1.600 tỉ đồng
Tính đến cuối quí II, tổng tài sản của Tập đoàn FLC tăng 6,2% so với ngày đầu năm lên mức 27.497 tỉ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn tăng 15,4% lên 18.048 tỉ đồng chủ yếu nhờ vào khoản phải thu ngắn hạn tăng 2.051 tỉ đồng.
Tại ngày 30/6, phải thu ngắn hạn chiếm tới gần 82% tài sản ngắn hạn của Tập đoàn FLC. Hàng tồn kho giảm gần 10% xuống còn 1.600 tỉ đồng, tương đương gần 9% tài sản ngắn hạn.
Cuối quí II | Đầu năm | Tăng/giảm | |
Tài sản ngắn hạn | 18.048 | 15.644 | 15,4% |
Tiền và tương đương tiền | 427 | 334 | 27,8% |
Đầu tư tài chính ngắn hạn | 294 | 279 | |
Phải thu ngắn hạn | 14.764 | 12.713 | 16,1% |
Hàng tồn kho | 1.600 | 1.773 | -9,8% |
Tài sản ngắn hạn khác | 964 | 545 | 76,8% |
Tài sản dài hạn | 9.449 | 10.245 | -7,8% |
Phải thu dài hạn | 557 | 831 | -33,0% |
Tài sản cố định hữu hình | 2.978 | 2.996 | -0,6% |
Bất động sản đầu tư | 1.248 | 959 | 30,2% |
Tài sản dở dang dài hạn | 3.374 | 3.759 | -10,2% |
Đầu tư tài chính dài hạn | 321 | 966 | -66,8% |
Tài sản dài hạn khác | 971 | 735 | 32,2% |
Tổng cộng tài sản | 27.497 | 25.889 | 6,2% |
Nợ phải trả | 18.462 | 16.871 | 9,4% |
Nợ ngắn hạn | 14.861 | 13.307 | 11,7% |
Nợ dài hạn | 3.601 | 3.563 | 1,1% |
Vốn chủ sở hữu | 9.035 | 9.019 | 0,2% |
Vốn chủ sở hữu nhích nhẹ 0,2% lên 9.035 tỉ đồng. Nợ phải trả tăng 9,4% trong nửa đầu năm, đạt 18.462 tỉ đồng tại ngày 30/6. Đáng chú ý, khoản Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 718 tỉ đồng, phải trả người bán ngắn hạn tăng 516 tỉ đồng và doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn tăng 317 tỉ đồng.
Tỉ lệ nợ trên tổng nguồn vốn của FLC vì thế mà tăng từ 65% ngày đầu năm lên 67% vào ngày 30/6.
Báo cáo tài chính hợp nhất quí II của FLC cũng ghi nhận nhiều giao dịch với tổng trị giá hàng nghìn tỉ đồng với CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS). Tập đoàn FLC và FLC Faros đều do ông Trịnh Văn Quyết làm chủ tịch và cổ đông lớn nhất.
Trích báo cáo tài chính hợp nhất quí II/2019 của Tập đoàn FLC.
Tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ mà Tập đoàn FLC mua, bán với FLC Faros là hơn 1.220 tỉ đồng. Ngoài ra, Tập đoàn FLC còn trả trước cho FLC Faros gần 460 tỉ đồng.