FLC sắp chào bán gần 300 triệu cp: Nhìn lại lịch sử tăng vốn từ ‘thuở lọt lòng’
Mới đây hôm 5/8, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Mã: FLC) được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận phương án chào bán hơn 299,6 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỉ lệ 42,2%.
Giá chào bán bằng mệnh giá 10.000 đồng/cp. Tổng trị giá ước tính trên 2.996 tỉ đồng.
Hiện nay Tập đoàn FLC có vốn điều lệ xấp xỉ 7.100 tỉ đồng (tương ứng với gần 710 triệu cổ phần). Nếu đợt chào bán thành công 100%, vốn điều lệ của FLC sẽ vượt ngưỡng 10.000 tỉ đồng (tương ứng trên 1 tỉ cổ phần).
Trụ sở Tập đoàn FLC mới được chuyển về tòa nhà Bamboo Airways Airways Tower, số 265 phố Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: PV.
Tiền thân của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC là Công ty TNHH Đầu tư Trường phú Fortune được thành lập theo giấy đăng ký kinh doanh số 0102033961 cấp ngày 17/3/2008 với số vốn ban đầu là 18 tỉ đồng.
Ngày 9/12/2009, Trường Phú Fortune chuyển đổi từ công ty TNHH sang công ty cổ phần và đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư tổng hợp CRV.
Ngày 20/1/2010, CRV đổi tên thành Công ty Cổ phần FLC. Đến ngày 22/11/2010, Công ty Cổ phần FLC được đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và giữ nguyên tên gọi này từ đó đến nay.
Theo giải thích của công ty, FLC là viết tắt của ba từ tiếng Anh là Finance (Tài chính), Land (Đất đai) và Corporate (Doanh nghiệp).
Con đường từ 18 lên 10.100 tỉ đồng
Từ số vốn điều lệ 18 tỉ đồng ban đầu, ngày 6/2/2010, Công ty cổ phần FLC phát hành riêng lẻ để tăng vốn điều lệ lên 25 tỉ đồng.
Chỉ hai ngày sau vào 8/2/2010, FLC thông qua phương án phát hành riêng lẻ và đến 28/3/2010, vốn điều lệ của FLC chính thức tăng lên 100 tỉ đồng.
Ngày 1/10/2010, FLC hoàn tất phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu, vốn điều lệ tăng lên thành 170 tỉ đồng.
Theo báo cáo thường niên năm 2010, ông Trịnh Văn Quyết, người giữ chức Chủ tịch HĐQT của FLC từ ngày 31/8/2010 đến nay, sở hữu 1,76% vốn điều lệ công ty.
Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) góp 5,88% vốn. SSIAM là công ty con của Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (nay đổi tên thành Chứng khoán SSI) do ông Nguyễn Duy Hưng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc.
Thông tin cổ đông của FLC. Trích báo thường niên năm 2010.
Ngày 1/4/2011, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản chấp thuận cho CTCP Tập đoàn FLC trở thành công ty đại chúng.
Ngày 15/2/2012, Đại hội cổ đông thường niên năm 2012 đã thông qua phương án phát hành cổ phần để hoán đổi cổ phần CTCP FLC Land. Phương án này sau đó đã được UBCKNN chấp thuận. Đến ngày 4/6/2012, vốn điều lệ của Tập đoàn FLC đạt 771,8 tỉ đồng.
Ngày 25/4/2013, Đại hội cổ đông thường niên của FLC thông qua phương án phát hành cổ phiếu tỉ lệ 1:1 cho cổ đông hiện hữu. Đến ngày 4/4/2014, FLC hoàn tất đợt phát hành và tăng vốn điều lệ gấp đôi, từ 771,8 tỉ đồng lên 1.543,6 tỉ đồng.
Ngày 28/1/2015, vốn điều lệ của FLC lại được nâng lên mức 3.749 tỉ đồng sau khi công ty phát hành cho cổ đông hiện hữu tỉ lệ 100%, phát hành riêng lẻ 60 triệu cổ phiếu và trả cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 4%.
Ngày 15/9/2015, vốn điều lệ của FLC tiếp tục tăng lên mức 5.299 tỉ đồng sau khi công ty phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư.
Tháng 8/2016, Tập đoàn FLC hoàn tất đợt chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tổng số tiền thu về là 1.082 tỉ đồng, nâng vốn điều lệ của FLC lên 6.380,4 tỉ đồng.
Đợt phát hành năm 2016 này khá tương đồng với đợt phát hành sắp tới của FLC vì giá chào bán đều là 10.000 đồng/cp và đều cao hơn nhiều so với thị giá.
Tháng 2/2018, FLC hoàn tất trả cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 7%, vốn điều lệ tăng lên gần 6.827 tỉ đồng.
Tháng 8/2018, FLC hoàn tất trả cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 4%, vốn điều lệ đạt xấp xỉ 7.100 tỉ đồng.
Nếu đợt chào bán gần 300 triệu cổ phiếu sắp tới đây thành công, vốn điều lệ của FLC sẽ đạt xấp xỉ 10.100 tỉ đồng, cao gấp 561 lần số vốn 18 tỉ đồng khi công ty mới thành lập và tương ứng với tốc độ tăng trưởng vốn 77,8% mỗi năm.
Lịch sử tăng vốn điều lệ của Tập đoàn FLC từ khi thành lập năm 2008 đến nay. Kiên Dương tổng hợp.
Cơ cấu cổ đông của Tập đoàn FLC hiện cũng đã có nhiều thay đổi đáng kể so với trước. Cổ đông lớn duy nhất của công ty là Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết với tỉ lệ sở hữu 21,19%.
SSIAM không còn có tên trong danh sách cổ đông lớn và theo khẳng định mới đây của ông Nguyễn Duy Hưng, tất cả tổ chức đầu tư do ông quản lí (trong đó có SSI và SSIAM) đều không sở hữu cổ phiếu FLC.