FLC phát hành 300 triệu cổ phiếu đắt gấp đôi thị giá, ai sẽ mua?
Giá phát hành dự kiến cao gấp đôi thị giá
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2018, lãnh đạo CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) cho biết dự kiến trong quý 3/2018 sẽ phát hành 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 100:42 với giá 10.000 đồng/cp, nhằm huy động 3.000 tỷ đồng đầu Dự án quần thể du lịch sinh thái nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình.
Giá cổ phiếu FLC dưới mệnh giá từ hơn 3 năm nay, kết phiên 20/6/2018 ở mức 4.690 đồng/cp, tức chưa bằng một nửa giá chào bán dự kiến. Câu hỏi đặt ra là liệu ai sẽ mua cổ phiếu FLC phát hành thêm với mức giá này?
Về phần mình, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn khẳng định FLC sẽ không phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá. Nếu điều kiện thị trường không thuận lợi và FLC không huy động được vốn ở mức giá 10.000 đồng/cp, công ty sẽ tìm nguồn vốn khác, cụ thể là đi vay, để tài trợ cho dự án.
"Bí kíp" phát hành thành công của FLC
Thực tế đây không phải là lần đầu tiên FLC phát hành thêm cổ phiếu với giá cao hơn đáng kể so với thị giá.
Năm 2016, từ 24/6 đến 19/8, FLC chào bán 179,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (CĐHH) với giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/cp trong khi thị giá dao động khoảng 5.600 – 6.200 đồng/cp.
Kết quả, cổ đông hiện hữu chỉ đăng ký mua 23,6 triệu cổ phiếu, chiếm 13% tổng khối lượng chào bán. Sau đó, FLC phải chào bán riêng lẻ 156 triệu cổ phiếu còn lại cho 8 nhà đầu tư cá nhân gồm Nguyễn Thùy Trang, Hồ Thị Hiền, Trần Văn Toàn, Nguyễn Thị Hiên, Nguyễn Thị Phú, Trần Thị Mai Anh, Đàm Quang Cường và Nguyễn Quang Trung.
Kết thúc đợt chào bán, 8 cá nhân này đã chi ra khoảng 846 tỷ đồng để mua vào tổng cộng 84,6 triệu cổ phiếu FLC với giá 10.000 đồng/cp. Như vậy, tuy giá phát hành cao hơn thị giá khoảng 40%, FLC vẫn bán được hơn 60% lượng cổ phiếu chào bán ban đầu, thu về trên 1.080 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong 8 cá nhân nói trên, có 4 người xuất hiện trong danh sách được CTCP FLC Faros (một công ty cũng do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch) ủy thác đầu tư với giá trị còn lại đến 30/6/2016 là hơn 852 tỷ đồng. Cụ thể như sau:
Hai cá nhân Trần Văn Toản và Nguyễn Thị Hiên cũng xuất hiện trong danh sách những NĐT cá nhân đăng ký mua gần 27 triệu cổ phiếu của CTCP Nông dược HAI (Mã: HAI – một công ty có liên quan đến FLC, do FLC nắm giữ 12,65% vốn) không bán hết trong đợt chào bán đầu năm 2015.
Đợt chào bán cho CĐHH chỉ phân phối được 25,4 triệu cổ phiếu HAI. Số còn lại, chiếm quá nửa số chào bán ban đầu, phải được phân phối cho 9 cá nhân. Nguồn: Nghị quyết HĐQT HAI ngày 9/3/2015. |
Phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư tổ chức
Ttừ 15/12/2017 đến 19/1/2018, CTCP Đầu tư và Khoán sản FLC AMD (Mã: AMD – một công ty cũng nằm trong "họ FLC") chào bán gần 102 triệu cổ phiếu cho CĐHH.
Thực tế những ngày đầu chào bán, giá cổ phiếu AMD dao động trong khoảng 10.000 – 10.700 đồng/cp, tức nhỉnh hơn vài % so với giá chào bán 10.000 đồng/cp. Tuy nhiên càng về sau, giá cổ phiếu AMD càng giảm mạnh và đến ngày 19/1 chỉ còn 7.900 đồng/cp, thấp hơn 21% so với giá chào bán.
Vì vây, không có gì đáng ngạc nhiên khi đợt chào bán của AMD rơi vào tình trạng ế ẩm, cổ đông hiện hữu chỉ đăng ký mua gần 29% lượng chào bán. AMD buộc phải chào bán phần lớn số cổ phiếu còn lại theo phương thức riêng lẻ, lần này không phải cho các NĐT cá nhân mà là các tổ chức như dưới đây:
Nhiều công ty trong danh sách này có quan hệ khá mật thiết với FLC, chẳng hạn như:
CTCP FLC Golf & Resort là công ty con của Tập đoàn FLC.
Công ty TNHH Khu Công nghiệp Toàn cầu có người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Thị Hồng Dung, cái tên đứng đầu trong danh sách những nhà đầu tư được FLC Faros ủy thác năm 2016 với số tiền 360 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư Fujikaen Việt Nam là cổ đông nắm giữ 16,1 triệu cổ phiếu của Tập đoàn FLC. Giữa FLC và Fujikaen Việt Nam còn có quan hệ làm ăn khá thân thiết khi theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I của FLC, giá trị các khoản mà FLC phải thu của Fujikaen lên tới gần 900 tỷ đồng.
Công ty TNHH Newland Holdings Việt Nam có trụ sở chính tại Tầng 5, tòa nhà FLC Landmark Tower, đường Lê Đức Thọ, Từ Liêm, Hà Nội – trùng với địa chỉ của Tập đoàn FLC.
Công ty chứng khoán Artex là một công ty khác trong "họ FLC". Artex có cổ đông lớn là ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT FLC hiện đang nắm giữ 8,47% vốn điều lệ.
Việc cổ phiếu không bán hết cho cổ đông hiện hữu được đem phân phối cho công ty "người nhà" mới đây cũng được CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Mã: SCR) thực hiện. Cụ thể, CTCP Đầu tư Thành Thành Công mua 24,4 triệu cổ phiếu SCR "ế", chiếm 50% số cổ phần chào bán. Phó Chủ tịch SCR là mẹ của Chủ tịch Thành Thành Công.