FLC còn phải góp bao nhiêu vốn vào các công ty con?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 đã kiểm toán mới được công bố, CTCP Tập đoàn FLC còn thiếu khoảng 6.040 tỉ đồng vốn góp vào 19 công ty con và công ty liên kết. Trong đó, số tiền ít nhất là 500 triệu đồng của Công ty TNHH Kinh doanh dịch vụ Nghỉ dưỡng FLC, đây là công ty con do FLC sở hữu 100% .
Các khoản FLC chưa thanh toán với các bên tại ngày lập báo cáo (30/3/2019). Trích báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của FLC năm 2018.
Doanh nghiệp có số vốn góp bị thiếu nhiều nhất là Công ty TNHH Hàng không Tre Việt, chủ sở hữu trực tiếp của hãng hàng không Bamboo Airways, với 1.058 tỉ đồng.
Tre Việt cũng là công ty con do Tập đoàn FLC sở hữu 100%, được thành lập ngày 31/5/2017 với vốn điều lệ ban đầu 700 tỉ đồng.
Ngày 13/7/2018, hội đồng quản trị Tập đoàn FLC ban hành nghị quyết thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ cho Bamboo Airways lên 1.300 tỷ đồng. Số vốn tăng thêm từ nguồn vốn góp của chủ sở hữu - Tập đoàn FLC.
Theo giấy đăng kí kinh doanh cấp đổi ngày 25/7/2018, Bamboo Airways đã được tăng vốn điều lệ lên mức 1.300 tỉ đồng, thời điểm góp vốn là ngày 18/7, tức 5 ngày sau khi nghị quyết về việc tăng vốn được ban hành.
Tuy nhiên theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 đã kiểm toán, cho đến ngày lập báo cáo này (30/3/2019) Tập đoàn FLC vẫn còn phải thanh toán số tiền góp vốn là 1.058 tỉ đồng.
Hai công ty liên kết với Tập đoàn FLC cũng chưa nhận nhận được vốn góp là Công ty TNHH Thương mại và Nhân lực Quốc tế FLC (47 tỉ đồng) và Công ty cổ phần RosLand (294 tỉ đồng).
Theo báo cáo tài chính của FLC, tỉ lệ sở hữu của FLC tại hai công ty này lần lượt là 47% và 49%, giá trị đầu tư theo sổ sách lần lượt là 47 tỉ đồng và 294 tỉ đồng, bằng số vốn mà FLC chưa thanh toán trong năm 2018.
Mối quan hệ của Tập đoàn FLC với các công ty liên quan. Trích báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của FLC năm 2018.
Đối với CTCP Rosland, cần lưu ý rằng ngày 28/3 vừa qua, Tập đoàn FLC và CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS, công ty có cùng Chủ tịch HĐQT với Tập đoàn FLC) công bố thông tin cho biết Rosland hiện không còn là công ty liên kết của hai doanh nghiệp này.
Cụ thể, Rosland mới đây tăng vốn điều lệ gấp 2,5 lần, từ 200 tỉ đồng lên 500 tỉ đồng. Tuy nhiên ngày 27/3, Hội đồng quản trị của FLC đã thông qua việc không góp thêm vốn để tăng vốn điều lệ cho Rosland. Do đó, tỉ lệ sở hữu của FLC tại Rosland đã giảm từ 49% xuống còn 19,6% và kể từ ngày 27/3, Rosland không còn là công ty liên kết của Tập đoàn FLC.
Cùng ngày 27/3, HĐQT của FLC Faros cũng thông qua việc không góp vốn điều lệ cho Rosland, tỉ lệ sở hữu của FLC Faros cũng giảm từ 49% xuống còn 19,6% và do vậy từ ngày 27/3, Rosland cũng không còn là công ty liên kết của FLC Faros.
Công bố thông tin của FLC Faros do Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Bình Phương kí, bà Phương đồng thời là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC.
Tháng 6/2018, FLC công bố việc nhận chuyển nhượng 980.000 cổ phần của Rosland với giá không thấp hơn 100.000 đồng/cổ phần, tương ứng với giá trị tối thiểu 98 tỉ đồng, tỉ lệ sở hữu 49%. Cùng khoảng thời gian này, FLC Faros giảm tỉ lệ sở hữu tại Rosland từ 98% xuống còn 49%.
Công ty cổ phần Rosland được thành lập ngày 2/11/2009, hiện có địa chỉ tại tầng 4, tòa nhà FLC Landmark Tower, đường Lê Đức Thọ, Từ Liêm, Hà Nội – tức là cùng tòa nhà trụ sở Tập đoàn FLC.
Theo giấy đăng kí kinh doanh thay đổi ngày 27/3, ngoài việc tăng vốn từ 200 tỉ đồng lên 500 tỉ đồng, Rosland còn đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh phát triển Bất động sản FLCHomes. Người đại diện theo pháp luật của FLCHomes là Tổng Giám đốc Đàm Ngọc Bích. Bà Bích đồng thời là Phó Tổng Giám đốc thường trực của Tập đoàn FLC