Tấm phao 54 tỷ USD từ ngân hàng trung ương có thể không cứu nổi Credit Suisse
Cuộc vật lộn
Credit Suisse thông báo sẽ vay 50 tỷ CHF (tương đương 53,7 tỷ USD) từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB), tận dụng phao cứu sinh mà ngân hàng trung ương tung ra vào cuối ngày 15/3 sau khi cổ phiếu của nhà băng này giảm tới 30%. Credit Suisse cũng cho biết họ sẽ mua lại một số khoản nợ của chính mình.
Trong một tuyên bố vào đầu ngày 16/3, CEO Ulrich Körner cho biết ông đã thực hiện các “bước đi quyết đoán” để củng cố ngân hàng trong bối cảnh Credit Suisse vẫn đang trong quá trình cải tổ quan trọng. Kế hoạch cải tổ này được công bố vào mùa thu năm ngoái.
“Đội ngũ Credit Suisse quyết tâm tiến nhanh hơn để đơn giản hoá quy trình và xây dựng ngân hàng, tập trung hơn vào nhu cầu của khách hàng”, ông Körner nhấn mạnh trong tuyên bố.
Cổ phiếu Credit Suisse nhảy vọt 32% vào đầu phiên giao dịch ngày 16/3, nhưng sau đó đã xoá bỏ hơn một nửa mức tăng. Kể từ đầu năm 2023, vốn hoá của Credit Suisse đã giảm khoảng 1/3 và trong một năm qua đã mất hơn 72%.
Gã khổng lồ ngành ngân hàng Thụy Sỹ đang phải đương đầu với một loạt bê bối, quyết định chính sách sai lầm và sai phạm. Niềm tin của nhà đầu tư và khách hàng vào Credit Suisse do đó đã bị xói mòn nghiêm trọng.
Năm ngoái, khách hàng đã rút khoảng 123 tỷ CHF (khoảng 133 tỷ USD) từ Credit Suisse, chủ yếu là trong quý IV. Hồi tháng 2 năm nay, ngân hàng báo lỗ ròng gần 7,3 tỷ CHF (tương đương 7,9 tỷ USD) trong năm 2022, mức lỗ lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Credit Suisse được thành lập vào năm 1856, là một trong những tổ chức tài chính lớn nhất thế giới và được xếp vào nhóm “các nhà băng có tầm quan trọng đối với hệ thống tài chính toàn cầu”, bên cạnh 30 cái tên khác như JPMorgan Chase, Bank of America và Bank of China.
Không đủ
Theo CNN, khoản vay từ SNB có thể giúp Credit Suisse có thêm thời gian để khôi phục lòng tin của nhà đầu tư và tiếp tục các kế hoạch tái cấu trúc.
Các kế hoạch trên gồm việc tách mảng ngân hàng đầu tư thành một doanh nghiệp độc lập có trụ sở tại Mỹ, tập trung hơn vào thị trườngThụy Sỹ và quản lý tài sản cho các khách hàng giàu có.
Tuy nhiên, bấy nhiêu là chưa đủ để nhà băng lớn thứ hai Thụy Sỹ thoát khỏi một loạt khó khăn đang bao trùm lấy họ.
“Theo quan điểm của chúng tôi, Credit Suisse khó có thể duy trì vị thế như trước vì các đối tác của ngân hàng này đã bắt đầu lo sợ, như chúng ta đã thấy qua sự yếu kém trong giá cổ phiếu và tình hình tín dụng của họ”, các nhà phân tích của JPMorgan Chase đánh giá.
Đồng thời, JPMorgan Chase còn cho rằng có khả năng đối thủ lớn hơn của Credit Suisse tại Thụy Sỹ là UBS sẽ tiếp quản ngân hàng này.
Truyền thông Thụy Sỹ đưa tin rằng chính phủ đã tổ chức một cuộc họp bất thường vào ngày 16/3 để thảo luận tình hình tại Credit Suisse, theo Reuters.
Lo ngại về các ngân hàng yếu kém đã bùng nổ vào tuần trước, khi Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank của Mỹ đột ngột sụp đổ sau khi khách hàng rút tiền gửi ồ ạt chỉ trong vài ngày ngắn ngủi.
Tuy nhiên, nguyên nhân khiến cổ phiếu Credit Suisse giảm mạnh trong phiên 15/3 đến từ bình luận của cổ đông lớn nhất là Ngân hàng Quốc gia Arab Saudi. Chủ tịch ngân hàng này khẳng định sẽ không tiếp tục bơm vốn vào Credit Suisse.
Một số nhà phân tích cảnh báo rằng trọng tâm chú ý giờ đây có thể chuyển từ Credit Suisse sang các bộ phận khác của lĩnh vực tài chính.
“Các vấn đề tại Credit Suisse rất khác với những rắc rối khiến SVB sụp đổ vài ngày trước”, kinh tế trưởng Neil Shearing của Capital Economics nhận xét.
“Song, chúng đóng vai trò như một lời nhắc nhở rằng khi lãi suất gia tăng, nhiều lỗ hổng đang manh nha xuất hiện trong hệ thống tài chính. Các đối tượng cần giám sát là các ngân hàng nhỏ hơn tại châu Âu cũng như các ngân hàng ngầm”, ông nói.
Lãi suất tại khu vực đồng euro đã đi từ mức -0,5% vào cuối tháng 6 năm ngoái lên 2,5% vào tháng 2 năm nay. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa công bố một đợt tăng lãi suất 50 điểm cơ bản khác hôm 16/3, qua đó nâng lãi suất lên mức 3%.
Các nhà hoạch định chính sách cho rằng so với những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng, lạm phát cao dai dẳng là rủi ro lớn hơn cho nền kinh tế.
Chia sẻ với các phóng viên sau cuộc họp chính sách mới đây, Chủ tịch Christine Lagarde cho biết ECB có đủ các công cụ để phản ứng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng thanh khoản, “song đây không phải là những gì các quan chức đang thấy”.
“Chúng tôi có các công cụ mạnh mẽ và có thể tái kích hoạt chúng bất cứ khi nào”, bà Lagarde nhấn mạnh.