|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tài chính khí hậu (Climate Finance) là gì? Các vấn đề xung quanh tài chính khí hậu

16:52 | 31/10/2019
Chia sẻ
Tài chính khí hậu (tiếng Anh: Climate Finance) là một kênh tài chính mà các nước có nền kinh tế phát triển sử dụng để đầu tư hoặc tài trợ một phần cho các dự án phát triển bền vững ở các nền kinh tế mới nổi để khuyến khích trung hòa khí các-bon.
GreenInvesting-1146x573

Hình minh họa. Nguồn: didiergrp.com

Tài chính khí hậu

Khái niệm

Tài chính khí hậu trong tiếng Anh là Climate Finance.

Tài chính khí hậu là một kênh tài chính mà các nước có nền kinh tế phát triển sử dụng để đầu tư hoặc tài trợ một phần cho các dự án phát triển bền vững ở các nền kinh tế mới nổi để khuyến khích trung hòa khí các-bon.

Tài chính khí hậu là một sự chuyển dịch có cấu trúc của các tài sản từ các nền kinh tế phát triển như Mỹ sang các dự án ở các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, khuyến khích trung hòa khí các-bon, phát triển bền vững hoặc các hành động khác để giảm thiểu biến đổi khí hậu. 

Tài chính khí hậu có thể được ủy thác và chuyển cho các tổ chức phi chính phủ, chính phủ hoặc đầu tư tư nhân.

Một trong những cuộc tranh luận quốc tế chính về các phản ứng toàn cầu có thể xảy ra đối với biến đổi khí hậu là vấn đề tài trợ cho các dự án phát triển sạch. Các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ và Brazil lập luận rằng việc giải quyết vấn đề khí hậu sẽ gây gánh nặng cho nền kinh tế của họ. 

Hầu hết các nền kinh tế phát triển đã được công nghiệp hóa trước khi nguy cơ biến đổi khí hậu trở nên rõ ràng, nhưng theo chiến lược giảm thiểu biến đổi khí hậu, các nền kinh tế đang phát triển sẽ phải dựa vào các giải pháp đắt tiền và chưa được kiểm chứng để xây dựng mạng lưới năng lượng và cơ sở hạ tầng lớn.

Tài chính khí hậu dưới hình thức cho vay hoặc các hình thức khác từ các quốc gia phát triển giúp giảm bớt gánh nặng này.

Các vấn đề xung quanh tài chính khí hậu

Các tranh cãi phát sinh trong các cuộc thảo luận về cách sử dụng các khoản tiền tài trợ cho tài chính khí hậu. Không có những tiêu chuẩn rõ ràng cho những hoạt động nào sẽ thuộc phạm vi của tài chính khí hậu

Ví dụ, tài chính khí hậu có thể dễ dàng được áp dụng cho đầu tư vào năng lượng tái tạo, nhưng có thể khó áp dụng cho những khoản đầu tư như vào giáo dục trẻ em - có thể làm giảm tăng trưởng dân số (và do đó làm giảm phát thải các-bon) trong dài hạn nhưng tác dụng (và cả lợi nhuận thu được về) trước mắt ít chắc chắn hơn nhiều.

Ngoài ra cũng không thể chắc chắn được những nền kinh tế hoặc quốc gia nào xứng đáng nhất để được nhận tiền thông qua tài chính khí hậu.

Các cuộc tranh luận tiếp theo phát sinh với khả năng sử dụng linh hoạt các khoản tiền này. Nếu một tổ chức phi chính phủ hoặc một ngân hàng đầu tư chuyển tiền đầu tư phát triển bền vững cho một quốc gia, họ sẽ muốn đảm bảo rằng số tiền sẽ được chi tiêu tốt, điều này có thể dẫn đến quá trình giám sát. 

Điều này có thể dẫn đến căng thẳng giữa chính quyền địa phương  và các nhà đầu tư tiềm năng của họ. 

Thỏa thuận Paris đạt được vào cuối năm 2015, đã mở ra các kênh chính trị mới cho tài chính khí hậu, và nhiều quốc gia cả phát triển và đang phát triển, đều nhấn mạnh nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu. 

Tài chính khí hậu và những tranh cãi xung quanh nó có thể sẽ là cơ sở chính của chính sách kinh tế trong tương lai đối với tất cả các quốc gia.

(Theo investopedia)

Hằng Hà