Startup 'kinh doanh dòng tiền' hậu Shark Tank: Đã bắt đầu có lãi, vướng nghi vấn lừa dối khách hàng
Mô hình "kinh doanh dòng tiền"
Là một trong số các startup lên sóng truyền hình gọi nhiều vốn nhất, Đỗ Đầu Việt Nam cũng là một trong số ít các startup nhận được lời đề nghị đầu tư "khủng" từ nhà đầu tư.
Ở mùa 1 Shark Tank Việt Nam, Đỗ Đầu muốn nhận 5 triệu USD để đổi lấy 20% cổ phần công ty, tương đương với mức định giá trước đầu tư là 20 triệu USD. Công ty chủ yếu hoạt động với mô hình "kinh doanh dòng tiền".
Theo giải thích của ông Đoàn Trần Giáp, đại diện công ty, kinh doanh dòng tiền cụ thể là việc cho thuê lại các văn phòng, sau đó cải tạo và cho thuê lại với giá cao hơn.
Ngoài "kinh doanh dòng tiền", Đỗ Đầu còn kinh doanh thêm một số lĩnh vực khác, như cung cấp dịch vụ giúp việc nhà và tìm kiếm nơi đỗ xe. Thậm chí, dù là một startup nhưng Đỗ Đầu còn sẵn sàng cấp vốn cho các startup khác.
Tuy nhiên, dường như hầu hết các nhà đầu tư đều tỏ ra không hứng thú với mô hình kinh doanh của Đỗ Đầu. Thậm chí các "cá mập" còn đưa ra thắc mắc rằng khi startup đi gọi vốn nhưng lại dùng vốn để đầu tư nơi khác. Điều này khiến vấn đề rủi ro vốn được đưa ra bàn luận.
Sau cùng, ông Trần Anh Vương, ông Nguyễn Ngọc Thủy, ông Nguyễn Xuân Phú và bà Thái Vân Linh đều từ chối đầu tư. Duy nhất chỉ có ông Phạm Thanh Hưng đưa ra lời đề nghị 5 triệu USD cho 99% cổ phần. Điều này có nghĩa là Đỗ Đầu sẽ trở thành một công ty con của CenGroup. Tuy nhiên sau đó, đại diện công ty đã từ chối lời mời này.
Nghi vấn lừa dối khách hàng
Không lâu sau khi lên sóng truyền hình, Đỗ Đầu đã vướng phải một lùm xùm xung quanh nghi vấn lừa dối khách hàng. Cụ thể, vào những ngày cuối tháng 8/2018, đại diện một công ty từng làm việc với Đỗ Đầu đã phát livestream video trên trang cá nhân của mình. Clip ghi lại buổi làm việc giữa đại diện Đỗ Đầu và đối tác.
Theo chia sẻ của chủ nhân video, Đỗ Đầu đã nhận hai lần cọc của đối tác. Lần đầu tiên là cọc thiện chí 10 triệu đồng và lần sau là cọc bê tông 65 triệu đồng. Quy định ban đầu của Đỗ Đầu là sau khi nhận cọc bê tông thì khách sẽ chắc chắn được nhận thuê văn phòng.
Chính vì thế, sau khi đóng cọc bê tông, đối tác tới văn phòng của Đỗ Đầu cung cấp, cho thi công, thiết kế. Tuy nhiên tới khi còn 3 ngày nữa là bàn giao, Đỗ Đầu đã trao đổi với khách là có người trả giá cao hơn, và hủy thỏa thuận. Điều này khiến đối tác có nguy cơ thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Khi tới làm việc, đại diện phía Đỗ Đầu là ông Đoàn Trần Giáp (đại diện công ty lên gọi vốn trên Shark Tank) và trưởng phòng kinh doanh cho rằng trước khi công ty nhận cọc bê tông từ khách, thì đã gửi tin nhắn tới toàn hệ thống công ty là không chấp nhận cọc bê tông nữa. Việc tiếp tục nhận cọc bê tông đến từ lỗi của nhân viên kinh doanh khi chịu áp lực doanh số.
Tuy nhiên, người nhân viên kinh doanh cũng có trong buổi livestream cho rằng lỗi đến từ phía trưởng phòng kinh doanh khi bưng bít thông tin. Người nhân viên kinh doanh cũng không nói thêm về việc liệu có phải công ty đã ngừng cho phép nhận cọc bê tông hay không.
Một chi tiết đáng chú ý là sau hai ngày kể từ khi cọc bê tông, bên đối tác đã tới tòa nhà thỏa thuận để thuê thiết kế, thi công vào đo đạc. Để vào được tòa nhà này cần phải có sự đồng ý từ ban lãnh đạo Đỗ Đầu.
Chính điều này khiến phía khách hàng cho rằng Đỗ Đầu đã lừa dối, sau khi dẫn khách vào đo đạc nhưng sẵn sàng "hủy kèo" khi có khách khác trả giá cao hơn mặc dù đã "cọc bê tông". Đại diện khách hàng còn cho rằng vị khách đến sau đặt cọc tại Đỗ Đầu sau thời điểm bên thi công, thiết kế làm việc chứ không phải hai bên đặt cọc cùng ngày như lý do startup đưa ra.
Phía Đỗ Đầu muốn đưa ra mức "hỗ trợ" 7,5 triệu đồng, nhưng phía đối tác không đồng ý. Theo hợp đồng khách kí với bên thi công, mức thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng.
Do đó, đại diện startup tuyên bố sẽ đưa ra làm việc về pháp lý. Xét trên mặt pháp lý, phía đối tác có phần sai khi trong bản thỏa thuận không có điều khoản đền bù. Đại diện đối tác khách hàng cũng muốn tập hợp thêm các khách hàng khác của Đỗ Đầu để đưa vụ việc ra truyền thông.
Bắt đầu có lãi
Thành lập năm 2016 và cho tới hiện tại, Đỗ Đầu hiện đã phát triển thêm hai chi nhánh tại TP HCM và Đà Nẵng, theo Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.
Tuy nhiên, hiện không rõ vì lí do gì nhưng website công ty không thể truy cập được. Bài viết gần nhất trên fanpage công ty cũng từ thời điểm đầu tháng 3/2021. Bài viết gần nhất trước đó ở thời điểm tháng 1/2021.
Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Đỗ Đầu trong giai đoạn 2016-2019. (Đồ họa: Lê Quý).
Bài viết vào tháng 1/2021 trên fanpage đánh dấu cột mốc 5 năm thành lập công ty. Mặc dù sau 5 năm, kết quả kinh doanh của Đỗ Đầu không thuận lợi như những kế hoạch trình bày trên sóng Shark Tank nhưng công ty cũng đã bắt đầu kinh doanh có lãi sau hai năm 2016, 2017 lỗ sâu. Ngoài ra, doanh thu công ty cũng theo chiều hướng đi lên.
Theo thông tin chúng tôi có được, doanh thu năm 2016 của Đỗ Đầu chỉ là 2,2 tỷ đồng. Tuy nhiên tới năm 2019, doanh thu thuần công ty đã tăng lên 35,1 tỷ đồng, tăng 16 lần.
Trong khi đó, sau hai năm đầu tiên lỗ 3,3 tỷ đồng và 2,1 tỷ đồng công ty đã có lợi nhuận sau thuế lần lượt 126 triệu đồng (2018) và 148 triệu đồng (2019).
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/