Startup 'ngáo giá' hậu Shark Tank: Tuyên bố được cá mập Mỹ hỗ trợ khi dàn cá mập Việt lắc đầu từ chối
Mới đây, bà Lê Hạnh, Giám đốc sản xuất chương trình đã nhắc lại cum từ "ngáo giá" trong một bài viết trên trang cá nhân. Bà chia sẻ rằng ở mùa 4, các startup đã định giá doanh nghiệp chuẩn hơn.
Startup mà Shark Bình đề cập trong với cụm từ "ngáo giá" là CTCP Khánh Trình, đơn vị sản xuất khung xếp đa năng. Mức định giá công ty trước khi gọi vốn (pre-money) mà CEO Khánh Trình đưa ra lên đến 45 triệu USD dù mới xuất khẩu được 1.000 đơn hàng, dẫu doanh thu tháng công ty chỉ là 1,3 tỷ đồng (1 tỷ đồng xuất khẩu và 300 triệu đồng từ thị trường nội địa).
Theo dự định ban đầu, nhà sáng lập Khánh Trình muốn lên truyền hình để gọi vốn 5 triệu USD để đổi lấy 10% cổ phần công ty. Số vốn sẽ được dùng làm truyền thông, marketing để đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Hiện tại trên nền tảng Amazon, Mỹ đang là thị trường lớn nhất của Khánh Trình với mức 80% doanh thu.
Theo tính toán của nhà sáng lập, dân số của 5 quốc gia mà công ty đã nhận bằng sáng chế (Việt Nam, Nigeria, Nam Phi, Mỹ và Australia) là 670 triệu người. "Nếu chiếm được 1% thị trường, công ty sẽ đạt mức doanh thu 670 triệu USD", CEO Khánh Trình chia sẻ.
Được "cá mập" Mỹ hỗ trợ
Trên sóng Shark Tank Việt Nam, Khánh Trình đã không thể thuyết phục được các nhà đầu tư rót vốn vào startup của mình. Các "cá mập" Việt đều đánh giá ý tưởng của Khánh Trình khá đơn giản, thiếu thực tế hoặc định giá quá cao.
Tuy nhiên mới đây trên website chính thức của mình, CTCP Khánh Trình đã chia sẻ một video có sự xuất hiện của Kevin Harrington, một trong những "cá mập" đời đầu tại Shark Tank Mỹ.
"Shark Kevin Harrington (original Shark của Shark Tank Mỹ) đã lựa chọn Khánh Trình để hợp tác đưa sản phẩm sâu rộng hơn đến người tiêu dùng Mỹ và thế giới", một bài viết trên fanpage chính thức của công ty cũng khẳng định.
Video CTCP Khánh Trình chia sẻ về Shark Kevin Harrington (Video: CTCP Khánh Trình).
Trong video, ông Harrington nói rằng khung xếp Khánh Trình được khách hàng phản hồi là một trong những loại xà đơn chắc chắn nhất. Ngoài ra, ông còn tiết lộ khách hàng có thể đặt hàng khung xếp Khánh Trình thông qua một website có nội dung bằng tiếng Anh. Trước đó, sản phẩm Khánh Trình đã được bán trực tuyến trên một website tiếng Việt khác.
Kevin Harrington là nhà sáng lập của Harrington Enterpries. Thông tin trên website chính thức của mình cho biết hoạt động ở hậu trường của ông đã giúp tạo ra hàng chục triệu phú USD với tổng mức doanh thu lên đến 5 tỷ USD.
"20 dự án tôi từng chạy đạt mốc doanh thu 100 triệu USD trở lên", ông Kevin Harrington viết trên LinkedIn chính thức của mình.
Nhà sáng lập kể chuyện khởi nghiệp
Sau khi nhận những lời từ chối của các nhà đầu tư, CEO Lê Nguyễn Khánh Trình cũng đã đăng tải một bài viết trên website bán hàng của mình, kể về hành trình khởi nghiệp đã qua.
"Cách đây 20 năm. Gia đình tôi chuyển từ Nha Trang ra Hà Nội sống. Tôi vào học lớp 10. So với chúng bạn cùng trang lứa ở Thủ Đô, tôi nhận ra mình thật thấp bé. Lúc đó, tôi chỉ cao khoảng 1m53, thấp hơn hẳn một số bạn gái có chiều cao nổi trội. Tôi quyết tâm tập xà đơn để cải thiện chiều cao của mình", nhà sáng lập chia sẻ.
Chính vì thế tới thời điểm cuối năm 2008, Khánh Trình quyết định khởi nghiệp dù đang làm việc tại BIDV. Nhà sáng lập tự thiết kế bản vẽ trước khi gửi hồ sơ xin cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ tới Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO). Sau vài năm, hồ sơ mới được duyệt. Trước đó, Khánh Trình cũng tiết lộ hồ sơ từng bị UPSTO từ chối.
Chia sẻ trên sóng truyền hình, dự án kinh doanh dụng cụ khung xếp đa năng đã được Khánh Trình phát triển từ và đưa ra thị trường từ năm 2010 nhưng CTCP Khánh Trình mới được thành lập vào tháng 9/2018 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng.
Theo cổng đăng kí doanh nghiệp quốc gia, nhà sáng lập Khánh Trình nắm giữ 95,1% công ty. Phần còn lại là các cổ đông cá nhân khác. Tới hiện tại, website chính thức của công ty cho biết hiện Khánh Trình ngoài trụ sở chính tại Hà Nội còn có 6 đại lý khác tại TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Hải Dương.
Theo thông tin chúng tôi có được, trong năm tài chính 2019 CTCP Khánh Trình đã ghi nhận doanh thu thuần 3,5 tỷ đồng và vẫn chưa có lợi nhuận. Trong cơ cấu doanh thu, giá vốn hàng bán của công ty chỉ chiếm 17,8%. Biên lợi nhuận gộp mà Khánh Trình dẫn ra cho các nhà đầu tư trên sóng truyền hình là 70%.
Cũng chia sẻ trên sóng truyền hình, sản phẩm khung xếp Khánh Trình hoàn toàn được thuê đơn vị thứ ba sản xuất. Điều này khiến công ty không cần đầu tư sở hữu nhà máy sản xuất.
Câu chuyện đằng sau quyết định gọi vốn 5 triệu USD cho 10% cổ phần
Sau khi lên sóng truyền hình, Khánh Trình chia sẻ startup của mình nhận được những phản hồi không tích cực từ nhiều người theo dõi. Sau đó một thời gian, nhà sáng lập cũng đã viết một bài chia sẻ về câu chuyện này.
"Qua một lần lên sóng truyền hình, nghe nhận xét của các Shark, đọc bình luận của rất nhiều người xem, tôi nhận ra một điều: đa số mọi người rất coi thường sản phẩm của chúng tôi và không hiểu rõ ý nghĩa của từ “Sáng chế”.
Vì họ chưa bao giờ tự mình sáng tạo ra sản phẩm mới như thế nào, chưa bao giờ làm thủ tục xin cấp Bằng Sáng chế ra sao, nên họ không hề biết tôn trọng giá trị của người khác. Tôi không trách họ vì họ chưa từng trải nghiệm quá trình đó, làm sao họ hiểu được những gì mà người khác đã và đang làm?", nhà sáng lập viết.
Trước đó, trong bài phỏng vấn hậu Shark Tank, phía startup cũng cho biết việc không nhận được lời đề nghị nào đã nằm trước trong sự tính toán từ trước.
Cụ thể, theo nhận định từ nhà sáng lập, việc các "cá mập" có rót vốn hay không phụ thuộc vào 4 yếu tố: Tiềm năng sinh lời và mở rộng, đội ngũ sáng lập, lĩnh vực ưa thích của nhà đầu tư và số tiền kêu gọi của startup.
Nhà sáng lập phân tích với lĩnh vực thể thao sức khỏe, nhiều khả năng sẽ không có nhà đầu tư nào xuống tiền. Ngoài ra số tiền 5 triệu USD kêu gọi là quá cao, có thể vượt định mức đầu tư của các "cá mập".
Ông cũng chia sẻ trước khi tham gia, Ban Thẩm định đã đưa ra lời khuyên nên kêu gọi vốn dưới 1 triệu USD vì như vậy sẽ khả thi hơn.
"Tôi đã lắng nghe các ý kiến trên và tính toán lại nhiều lần. Tuy vậy, cuối cùng, sau nhiều lần tính toán cũng như có sự tư vấn của một số chuyên gia tài chính nước ngoài chúng tôi vẫn quyết định sẽ kêu gọi đầu tư ít nhất 5 triệu USD. Bởi 5 triệu USD mới thực sự là số vốn mà Công ty tôi cần lúc này để đẩy mạnh việc quảng bá Thương hiệu và Marketing ở nước ngoài, mà cụ thể là Mỹ và Nhật Bản cho năm đầu tiên được đầu tư", nhà sáng lập nói.
Startup đã quyết định chơi lớn, được ăn cả, ngã về không và kết quả đã không nhận được bất cứ lời đề nghị nào. Lý giải về việc 5 triệu USD chỉ đổi lấy 10%, Khánh Trình cho rằng nguyên tắc của một startup phải gọi vốn nhiều lần.
"Nếu không đồng ý mức 10%, nhà đầu tư (các Shark) có thể đòi mức cao hơn như 20, 30 hoặc thậm chí hơn 50%. Hai bên có thể trả giá, thương lượng với nhau về mức % mà nhà đầu tư được nhận chứ đâu phải chúng tôi bán công ty với giá nào thì các Shark bắt buộc phải chấp nhận giá đó", nhà sáng lập giải thích.