|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Điểm mặt các startup được Do Ventures rót vốn sau nửa năm thành lập

07:37 | 08/03/2021
Chia sẻ
Được công bố vào tháng 9 năm ngoái, Do Ventures hiện đã thực hiện đầu tư vào 3 startup là F99, Palexy và Manabie.

Do Ventures là một quỹ đầu tư của Việt Nam với quy mô vốn hiện là 50 triệu USD ở thời điểm ra mắt vào tháng 9 năm ngoái. Quỹ do bà Lê Hoàng Uyên Vy đồng sáng lập cùng ông Nguyễn Mạnh Dũng (Dzung Nguyễn). Bà Lê Hoàng Uyên Vy từng là cựu CEO sàn thương mại điện tử Adayroi của Vingroup.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Dũng từng nắm giữ cương vị Giám đốc công ty đầu tư mạo hiểm CyberAgent Capital ở Việt Nam và Thái Lan. Ông còn được biết đến với hình ảnh Shark Dzung trong Shark Tank Việt Nam. Đến nay, Do Ventures đã thực hiện đầu tư vào 3 startup, theo thông tin công bố trên website của quỹ.

F99

3 startup nằm trong 'túi khôn' quỹ đầu tư 28 triệu USD của Shark Dzung - Ảnh 1.

Một cửa hàng nằm trong hệ thống phân phối của F99. (Ảnh: Do Ventures)

F99, một nền tảng bán trái cây trực tuyến của Việt Nam, là khoản đầu tư đầu tiên Do Ventures thực hiện sau khi thành lập vào tháng 10/2020.

F99 là một nền tảng phân phối thực phẩm giúp người nông dân có thể bỏ qua các khâu trung gian truyền thống để bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng. Lợi thế cạnh tranh của F99 nằm ở khả năng kết nối trực tiếp với người nông dân và tái cấu trúc hiệu quả chuỗi cung ứng đến người dùng để cung cấp sản phẩm đến người tiêu dùng trong thời gian ngắn nhất và ở mức giá hợp lý nhất.

Ở thời điểm hiện tại, khách hàng có thể đặt sản phẩm của F99 thông qua các kênh bao gồm ứng dụng di động, website, mạng xã hội và nhận sản phẩm giao tới tận nhà.

F99 được thành lập vào tháng 8/2019. Startup này đạt đến điểm hoà vốn chỉ sau 10 tháng vận hành. Do Ventures thực tế là nhà đầu tư tổ chức đầu tiên đầu tư vào F99 với số tiền đầu tư 20 tỷ đồng (tương đương 900.000 USD).

Ở thời điểm công bố đầu tư vào F99, ông Dzung Nguyễn, Giám đốc điều hành Do Ventures, khả năng thực thi ấn tượng của F99 trong thị trường bán lẻ thực phẩm khắc nghiệp là một trong những lý do chính khiến Do Ventures "xuống tiền". Lúc đó, ông Dzung Nguyễn tiết lộ rằng F99 đang tăng trưởng doanh thu 3.600% trong tháng gần nhất so với cùng kỳ năm ngoái.

Số tiền đầu tư từ Do Ventures sẽ được F99 dành để đầu tư vào phát triển nền tảng công nghệ, xây dựng chuỗi cung ứng lạnh và hệ thống phân phối.

Palexy

3 startup nằm trong 'túi khôn' quỹ đầu tư 28 triệu USD của Shark Dzung - Ảnh 2.

Ông Đỗ Trung Thông, người sáng lập và chủ tịch Palexy. (Ảnh: e27)

Đầu tháng 12/2020, Palexy, một startup Việt Nam chuyên cung cấp các dữ liệu giúp các nhà bán lẻ truyền thống cải thiện hoạt động, công bố nhận 1 triệu USD đầu tư trong vòng gọi vốn Access Ventures và Do Ventures dẫn dắt.

Palexy sử dụng số vốn mới để phát triển đội ngũ, tinh chỉnh sản phẩm và mở rộng kinh doanh ra khu vực. "Chúng tôi sẽ mở rộng kinh doanh ra Đông Nam Á, Châu Á và Trung Đông trong năm 2021", ông Đỗ Trung Thông, người sáng lập và chủ tịch Palexy, chia sẻ với e27.

Được thành lập vào năm 2019, hiện tại, Palexy là một trong những công ty đáng chú ý nhất trong mảng phân tích dữ liệu tại Việt Nam. Startup này đã triển khai giải pháp của mình ở nhiều công ty lớn trong lĩnh vực bán lẻ như PNJ, Guardian, và Vua Nệm.

"Nếu bạn là chủ một công ty TMĐT, bạn có thể đăng nhập để xem các dữ liệu như số người ghé thăm, thời gian và thời lượng ghé thăm hay những từ khoá mà họ dùng để tìm kiếm", ông Đỗ Thông nói.

"Tuy nhiên, nếu bạn vận hành một cửa hàng truyền thống, tất cả những gì bạn có thể xem vào cuối là những dữ liệu điểm bán (POS)", người sáng lập Palexy chia sẻ thêm.

Đây là lúc Palexy, thông qua các công nghệ như trí tuệ nhân tạo hay tầm nhìn máy tính, cung cấp các dữ liệu như trong ngành thương mại điện tử tới các cửa hàng truyền thống để tối ưu và cải thiện hoạt động.

Manabie

3 startup nằm trong 'túi khôn' quỹ đầu tư 28 triệu USD của Shark Dzung - Ảnh 3.

Ông Takuya Homma, CEO Manabie. (Ảnh: e27)

Khoản đầu tư gần đây nhất của Do Ventures được công bố vào đầu tháng 3. Manabie, một startup giáo dục mong muốn đưa giáo dục Nhật Bản về Việt Nam, đã "chốt" vòng gọi vốn 3 triệu USD từ một nhóm các nhà đầu tư bao gồm Do Ventures, Genesia Ventures và Chiba Dojo.

Được Takuya Homma và Christy sáng lập vào tháng 1/2020, Manabie là startup có mô hình kinh doanh giáo dục kết hợp cả hình thức trực tuyến và trực tiếp. Bằng cách này, Manabie khẳng định có thể tối ưu mức độ hiệu quả của hình thức học tập trực tuyến.

Bên cạnh ứng dụng di động (có 350.000 lượt tải về sau một năm hoạt động), Manabie hiện đang có 5 trung tâm giáo dục ở Thành phố Hồ Chí Minh, nơi học viên có thể nhận tư vấn trực tiếp từ các nhà tư vấn giáo dục cá nhân.

Về nền tảng trực tuyến, Manabie sử dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ máu học để nhận biết khả năng và nhu cầu của mỗi học sinh và từ đó may đo chương trình đào tạo phù hợp nhất.

Thái Sơn