Startup hỗ trợ startup giai đoạn sớm hơn: Nỗi lo 'chưa mang nổi mình ốc' hay chiến lược trong giai đoạn khởi nghiệp
Đầu tháng 3, nền tảng kết nối trong lĩnh vực bất động sản vừa công bố khai trương khai trương không gian làm việc Propzy Hub. Đồng thời với đó, startup này cũng tiết lộ kế hoạch hỗ trợ các startup giai đoạn đầu trong những vấn đề về pháp lý, marketing, chiến lược xây dựng sản phẩm, tài chính và các dịch vụ sản xuất truyền thông.
Các startup mà Propzy hướng tới thuộc các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, bất động sản, công nghệ mới. Đây đều là những lĩnh vực ít nhiều liên quan tới hoạt động của Propzy, một startup công nghệ bất động sản.
Việc triển khai kế hoạch hỗ trợ startup của Propzy đến sau gần một năm nhận đầu tư 25 triệu USD từ SoftBank (tháng 6/2020). Trước đó 4 tháng thì Quỹ đầu tư FDV (Malaysia) đã thoái hết 20% vốn khỏi Propzy, đạt tỷ suất lợi nhuận 300% sau ba năm đầu tư.
Việc đầu tư một không gian làm việc rộng 1.700 m2 để làm nơi làm việc cho các startup cần một khoản đầu tư ban đầu, và có lẽ Propzy cũng kỳ vọng đây sẽ là một khoản đầu tư hiệu quả?
Việc hỗ trợ những công ty khởi nghiệp giai đoạn sớm là một kế hoạch không mới với các startup sau khi đã đạt đến một cột mốc nhất định. Tháng 11/2020, Grab Việt Nam đã công bố 5 cái tên giành giải thưởng tại Grab Ventures Ignite (GVI). GVI lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, và là chương trình tuyển chọn startup nổi bật.
Những cái tên lọt vào chug kết đều là các startup giai đoạn sớm, trong đó 5 startup đã giành giải sau nhiều tháng tranh tài.
Tại Indonesia, Grab bản địa cũng tổ chức một chương trình gần tương tự hỗ trợ các công ty khởi nghiệp là Grab Ventures Velocity. Điểm khác biệt tại Việt Nam chính là GVI hướng tới các startup ở giai đoạn sớm hơn.
Cho đi và nhận lại
Một kế hoạch "hỗ trợ", nếu không trình bày chi tiết, rất khó để biết một startup giai đoạn sớm sẽ nhận được điều gì. Tuy nhiên, có thể tạm chia kế hoạch hỗ trợ thành hỗ trợ tài chính và hỗ trợ phi tài chính. Một kế hoạch hỗ trợ phi tài chính cũng sẽ tốn một nguồn lực nhất định của người hỗ trợ.
Hỗ trợ tài chính đơn giản có thể hiểu là đầu tư vào công ty giai đoạn sớm. Trong khi đó, hỗ trợ phi tài chính đến từ những điều vô hình, như sự tư vấn, mối quan hệ hay kiến thức và tầm nhìn, định hướng.
Chia sẻ sau lễ trao giải GVI 2020, 5 startup đồng thắng giải (bePOS, Vbee, Stringee, Papaya, GoDee) tiết lộ họ nhận được nhiều hỗ trợ từ Grab Việt Nam, trong đó đáng kế là việc mở rộng các mối quan hệ và xây dựng mạng lưới, tiếp cận thị trường.
Ngoài ra, trong thỏa thuận đã kí kết, các startup không được phép tiết lộ việc Grab Việt Nam có hỗ trợ về mặt tài chính hay không, và nếu có thì các điều khoản ra sao.
Tuy nhiên, khi nhìn vào danh sách các startup nhận giải, có thể thấy đều ít nhiều liên quan đến hoạt động của Grab.
Trong đó, GoDee là ứng dụng kết nối một nhóm người có cùng nhu cầu di chuyển theo tuyến; bePOS là nền tảng quản lí bán hàng cho các chuỗi bán lẻ; Papaya là nền tảng công nghệ bảo hiểm; Stringee là nền tảng cung cấp các tính năng giao tiếp tích hợp trên ứng dụng di động; Vbee là một ứng dụng giúp chuyển văn bản thành lời nói.
Đương nhiên khi một công ty khởi nghiệp hỗ trợ các startup giai đoạn sớm hơn, có lẽ họ đều kỳ vọng sẽ nhận lại. Nếu là đầu tư tài chính, đó có thể là việc thoái vốn thu về lợi nhuận hoặc chứng kiến giá trị khoản đầu tư tăng lên nhiều lần. Nếu là đầu tư phi tài chính, thì sự kỳ vọng có thể hướng tới các mục tiêu phi tài chính hơn. Tuy nhiên để tách bạch những mục tiêu này rất khó, vì còn phụ thuộc nhiều vào điều khoản "hỗ trợ".
Tuy nhiên, từ những ví dụ Propzy và Grab Việt Nam kể trên, việc hỗ trợ các startup giai đoạn sớm hơn hoạt động trong những lĩnh vực có ít nhiều liên quan tới công ty là một cột mốc mới với các công ty khởi nghiệp.
Nỗi lo "chưa mang nổi mình ốc" hay một chiến lược trong giai đoạn phát triển
Là một startup, đương nhiên các nguồn lực để phát triển sẽ có phần hạn chế. Việc hỗ trợ các startup khác không ít thì nhiều cũng san sẻ bớt nguồn lực để phát triển.
Trong khuôn khổ Shark Tank Việt Nam mùa 1, các nhà đầu tư đã đặt những nghi ngờ khi một startup cho biết đang hỗ trợ các startup khác về quản trị, định hướng và tài chính.
"Em đến đây gọi vốn từ các nhà đầu tư, xong rồi dùng vốn đó đi đầu tư các startup khác, thì rủi ro ra sao?", Shark Nguyễn Ngọc Thủy tỏ ra nghi ngại. Kết thúc màn gọi vốn, nhà sáng lập và các "cá mập" đã không thể chốt được thương vụ và đành rời chương trình tay trắng.
Trên thực tế, các công ty trong giai đoạn khởi nghiệp, đặc biệt là các ứng dụng khởi nghiệp công nghệ trong thời gian đầu tiên vẫn phải "sống" nhờ các nhà đầu tư trong giai đoạn chưa có lãi. Do đó việc sử dụng một phần nguồn lực để hỗ trợ startup, hay "lấy tiền của các nhà đầu tư để đầu tư vào chỗ khác" cần phải tính toán một cách kĩ càng nhất.
Một ví dụ rõ nhất về sự sụp đổ của startup trên thế giới là WeWork. Kỳ lân nước Mỹ sau kế hoạch IPO thất bại và mức định giá kỳ vọng đã sụt cực sâu. Sau khi nhà sáng lập Adam Neumann phải rời công ty, đội ngũ lãnh đạo mới đã quyết định thoái vốn khỏi các dự án "không thật sự cần thiết" để tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi.
Đến lúc ấy, nhiều người mới nhận ra rằng việc rót vốn hỗ trợ các dự án không đem lại giá trị cốt lõi đã phần nào bào mòn nguồn lực của WeWork, một startup vẫn chưa thể có lãi.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc đầu tư vào các startup giai đoạn sớm hơn một cách hợp lý sẽ gia tăng sức mạnh một cách đáng kể. Có thể kể ra việc Grab sở hữu cổ phần tại Moca và Gojek mới đây thâu tóm ví điện tử VCCorp. Kết quả là Grab là ứng dụng gọi xe đầu tiên tại Việt Nam hỗ trợ thanh toán phi tiền mặt.
Tại Indonesia, Gojek cũng rót nhiều vốn vào các nền tảng tài chính và phần nào là nền tảng streaming. Từ đó, kỳ lân gọi xe này đang kì vọng biến vị thế thống trị từ thị trường gọi xe sang việc triển khai kinh doanh ở các mảng khác, qua đó mở rộng thêm siêu ứng dụng.
Gần đây, nhiều thông tin cho thấy Gojek và Tokopedia đang có kế hoạch sáp nhập với mức định giá công ty mới lên đến 35-40 tỷ USD, nhiều hơn so với tổng mức định giá mà cả Tokopedia lẫn Gojek cộng lại.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/