|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup đến từ nước ngoài muốn gọi vốn để buôn xe máy cũ tại Việt Nam nhưng bị cá mập lắc đầu từ chối

09:34 | 25/07/2022
Chia sẻ
Ông Gill Carmo đến từ Bồ Đào Nha, có vợ là người Việt Nam và coi mảnh đất hình chữ S là quê hương thứ hai đã tìm đến Shark Tank để gọi vốn cho startup đang hoạt động tại Singapore của mình.

Ông Gill Carmo hiện là CEO Founder của iMotobike, một dự án khởi nghiệp hỗ trợ người bán xe máy tìm người mua. Công ty này ban đầu được thành lập ở Malaysia và có công ty mẹ tại Singapore. Hai chi nhánh của iMotorbike hiện là Malaysia và Việt Nam.

iMotorbike tìm kiếm lợi nhuận từ việc thu phí dịch vụ người dùng. Theo đó, quy trình dịch vụ của iMotorbike bắt đầu từ việc cử nhân viên kỹ thuật đến 170 điểm kiểm tra xe máy và thiết lập bản báo cáo. Dựa trên bản báo cáo, iMotorbike đưa ra mức giá phù hợp để nhanh chóng bán được xe. Nếu người bán đồng ý với mức giá đó, hai bên ký hợp đồng công chứng, iMotorbike ứng tiền cho người bán và lấy xe về kho.

Bước tiếp theo, iMotorbike đảm bảo độ an toàn của chiếc xe và bán cho khách hàng muốn mua xe. Doanh nghiệp này hiện áp dụng chính sách hoàn trả trong 6 ngày và hoàn tiền 100% cho khách mua xe. Đồng thời, iMotorbike cũng cung cấp gói bảo hành 6 tháng cho người mua.

Theo ông Gill Carmo, Việt Nam có 70 triệu xe máy được đăng ký, 10 triệu xe máy đổi chủ mỗi năm. Ông cho biết tổng giá trị thị trường tại riêng Việt Nam đạt khoảng 20 tỷ USD và toàn Đông Nam Á là 140 tỷ USD.

Cho đến nay, iMotorbike đã giao dịch hơn 1.000 xe máy và tạo ra doanh thu hơn 1,1 triệu USD chỉ trong vòng 11 tháng. Biên lợi nhuận là 7% trong mỗi giao dịch. Chu kỳ hàng tồn kho trung bình là 26 ngày. Đến với Shark Tank Việt Nam, Gill Carmo kêu gọi các shark đầu tư 600.000 USD cho 5% giá trị công ty. Đặc biệt, iMotobike đã gọi được 1,5 triệu USD ở các vòng trước.

 Ông Gill Carmo, CEO Founder của iMotorbike. (Ảnh chụp màn hình).

Về việc phát triển các trạm dịch vụ kiểm tra xe, Gill Carmo cho biết iMotorbike xây dựng quy trình chuẩn cho kỹ thuật viên của mình, đảm bảo họ hiểu những khó khăn sẽ gặp phải trong công việc.

“Điều này rất quan trọng vì nó là cốt lõi của hoạt động kinh doanh, chính là việc kiểm tra và mua được xe đạt tiêu chí”, Gill Carmo nói. iMotorbike hiện tập trung hoạt động ở TP HCM và Kuala Lumpur. iMotorbike có nguồn cung từ khắp cả nước và có khoảng 120 xe máy trong kho. Trong đó 30 chiếc ở Việt Nam, số còn lại ở Malaysia. 

Các kỹ thuật viên luôn có mặt khi đi mua xe máy và tỷ lệ từ chối của iMotorbike thường rơi vào khoảng 70-80%. Gill Carmo lý giải công ty đang hoạt động tinh gọn nên cần mua xe thật tốt và bán thật nhanh, đảm bảo không kéo dài thời gian tồn kho. Đáng chú ý, startup mua xe dựa trên nguồn tiền của mình, đây cũng chính là mục đích gọi vốn của iMotorbike. Theo đó, ông Gill Carmo muốn có thêm nguồn vốn đề bổ sung vào khoản tài chính dùng để mua xe.

Gill Carmo chia sẻ: “Điều duy nhất giúp tạo ra một sự đột phá ngay lúc này là nâng cao khả năng tiếp nhận số lượng xe máy”. Nhà sáng lập cho biết iMotorbike đang xem xét khả năng tăng trưởng 25 – 30%/tháng. Startup đang xem xét mở rộng sang nhiều quốc gia khác. 

Về mức định giá doanh nghiệp là 12 triệu USD, ông Gill Carmo giải thích rằng doanh thu hàng quý của iMotorbike luôn đạt mức ngang nhau. Ngoài ra, có thể so sánh tương đương với công ty mua bán xe hơi tương tự như Carro, Carsome. Tuy nhiên, Shark Louis cho rằng cách so sánh này không công bằng bởi người tiêu dùng ở Việt Nam không giống với các quốc gia khác.

Trả lời câu hỏi của Shark Linh về công nghệ, Gill Carmo cho biết iMotorbike có một chức năng nội bộ có thể hỗ trợ hoạt động nhưng còn xa so với kỳ vọng. Ông muốn tăng cường chức năng hỗ trợ để có thể sắp xếp hợp lý hoạt động từ mua, quản lý tồn kho đến bán xe máy. 

Tuy vậy, Shark Bình không đồng tình với việc iMotorbike cho rằng startup kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ. Ông phân tích trong trường hợp này, công nghệ không thể chuyển đổi gì nhiều. Thông thường mọi người lên mạng rao vặt, các trang web tìm thông tin và liên hệ trực tiếp với nhau rồi gặp nhau để giao dịch.

Trước khi mua xe máy, ô tô thì sẽ mang đến xưởng gần nhất và yêu cầu kỹ thuật viên kiểm tra. Họ sẽ nhận được sự tư vấn chuyên nghiệp của các kỹ thuật viên mà không cần thông qua nền tảng nào, hoàn toàn là C2C.

Theo Shark Bình, mô hình kinh doanh của iMotorbike giống như C2B. Do đó, vị cá mập cho rằng startup cần chi phí cao bởi phải tuyển dụng nhiều kỹ thuật viên và sử dụng dòng tiền của mình để mua hàng, trong khi tồn kho là 26 ngày.

“Vậy đây là một mô hình sử dụng vốn rất nhiều và rất khó để cạnh tranh với thị trường C2C nói trên”, Shark Bình kết luận.

Shark Louis tính toán, với 1,1 triệu USD doanh thu trong 11 tháng, doanh thu hàng năm của startup có thể đạt 1,5 triệu USD. Với biên lợi nhuận 7%, giả sử lợi nhuận ròng gần bằng lợi nhuận gộp thì sẽ đạt khoảng 100.000 USD. Nếu định giá doanh nghiệp từ 12 – 15 triệu USD tức tỷ lể P/E là 142 lần. 

Shark Louis thắc mắc: “Anh đang muốn chúng tôi trả gấp 142 lần thu nhập của anh trong năm nay. Tính toán kinh doanh truyền thống để định giá, làm cách nào để anh chứng minh mình không “ngáo giá”?

 iMotorbike thất bại tại bể cá mập Việt Nam. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Theo lý giải của nhà sáng lập, việc định giá dựa trên mức độ tăng trưởng, hiệu quả và có xét đến quy mô thị trường cũng như khả năng đón nhận dịch vụ. “Thực tế cho thấy chúng tôi có lợi nhuận trên mọi giao dịch. Chúng tôi chỉ đang tìm kiếm sự hỗ trợ để đi nhanh hơn. Tuy nhiên hiện tại công ty không gặp phải khó khăn gì”, ông Gill Carmo cho biết.

Gần đây nhất, startup đã huy động được 757.000 USD vào 11 tháng trước cho công ty mẹ với định giá khoảng 4 triệu USD. Nhà sáng lập chia sẻ: “Chúng tôi nhận khoản đầu tư đó khi công ty chưa hề có doanh thu và chúng tôi dùng số tiền đó để hoạt động kinh doanh”. 

Shark Hưng nhận định mô hình kinh doanh của iMotorbike có tiềm năng ở Việt Nam. Nhưng dưới góc độ đầu tư ngắn hạn, ông không thấy khả năng thoái vốn với tỷ suất sinh lời cao. Ngoài ra, ông không muốn đầu tư nước ngoài vì khó quản lý. Vì vậy, Shark Hưng từ chối đầu tư.

Shark Liên cho biết bà luôn quan tâm về vấn đề môi trường và lĩnh vực này không giúp bà giảm bớt lượng xe máy tham gia giao thông, đồng thời không thuộc hệ sinh thái của vị cá mập. Vì thế, shark  Liên lắc đầu từ chối. Shark Linh cũng không đầu tư vì startup không phù hợp với chiến lược của bà.

Shark Louis cho biết startup định giá cao và thiếu lợi thế cạnh tranh. Do không thể chứng minh được hiệu quả đầu tư nên ông cũng rút lui khỏi thương vụ này. Trong khi đó, shark Bình lại bày tỏ quan ngại về mô hình kinh doanh của startup. Ông nhận định mô hình kinh doanh của iMotorbike là mô hình lai giữa một mô hình truyền thống và được hỗ trợ bởi công nghệ, điều này không hấp dẫn được vị cá mập nên ông từ chối đầu tư.

Doanh Chính