|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup dạy ngoại ngữ giá rẻ tự tin sống tốt bất chấp đại dịch nhận đề nghị đầu tư 1 triệu USD từ Shark Hùng Anh

07:01 | 15/08/2022
Chia sẻ
Anh ngữ Á Châu thuyết phục được cái gật đầu của 3 Shark trong tập 11 "Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ".

Hai người đồng sáng lập của startup Anh ngữ Á Châu gọi vốn trong chương trình Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Tập 11 “Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ” có sự xuất hiện của anh Nguyễn Đình Hải và chị Trương Kiều Oanh, hai người đồng sáng lập của Hệ thống Anh ngữ Á Châu với mục tiêu kêu gọi 100.000 USD đổi lại 1% cổ phần công ty (mong muốn gọi vốn tối đa 1 triệu USD).

Hoạt động trong mảng giáo dục ngoại ngữ, Hệ thống Anh ngữ Á Châu đi vào hoạt động từ năm 2015 và hiện tại đã có 20 chi nhánh cùng 12.000 học viên. Theo chị Oanh, sứ mệnh của Á Châu là tạo điều kiện để các học viên vùng viên cũng như học viên có điều kiện kinh tế chưa tốt vẫn có cơ hội học tập trong một môi trường chuyên nghiệp.

Bước vào vòng gọi vốn, chị Oanh thừa nhận mảng giáo dục ngoại ngữ dường như là một “đại dương đỏ” với quá nhiều sự cạnh tranh. Tuy nhiên, Á Châu tự tin có thể tìm kiếm được một “đại dương xanh” của riêng mình khi nhận thấy có khoảng 70% học viên trên thị trường có điều kiện kinh tế chưa tốt, do đó chưa thể đi theo các chương trình hiện có trên thị trường với mức học phí cao.

Anh Đình Hải cho biết doanh thu và lợi nhuận của Á Châu trong năm 2019 đạt lần lượt 116 tỷ và 35 tỷ. Đến năm 2020, do đại dịch, Á Châu hoạt động được 9 tháng với doanh thu và lợi nhuận đạt 88 tỷ và 13 tỷ. Đến năm 2021, dưới ảnh hưởng của COVID-19, Á Châu chuyển đổi sang mô hình học trực tuyến với doanh thu 41 tỷ và lợi nhuận âm 23 tỷ. Đến năm nay, trong 3 tháng gần nhất, startup này thu về doanh thu 35,625 tỷ đồng với lợi nhuận 10,688 tỷ đồng. Với tốc độ hiện tại, Á Châu dự phóng doanh thu và lợi nhuận năm 2022 đạt 130 tỷ và 35 tỷ.

Đến đây, Shark Hùng Anh đặt ra câu hỏi về mục đích kêu gọi vốn vì startup đang có biên lợi nhuận khá tốt. Về vần đề này, chị Oanh nói rằng Á Châu muốn tận dụng nguồn vốn mới để mở rộng số lượng chi nhánh và đáp ứng nhu cầu của khách hàng sau đại dịch.

Shark Erik Josson muốn tìm hiểu về phương pháp dạy học của Á Châu. Chị Oanh chia sẻ Á Châu dùng phương pháp phản xạ toàn thân (TPR hay Total Physical Response) cho hoạt động giảng dạy. Bằng cách này, học viên có thể học tiếng Anh bằng mắt, tai, nghe và nói.

Chị Oanh đồng thời khẳng định Á Châu vẫn còn cơ hội nâng cao biên lợi nhuận. Mặc dù có mức học phí khá thấp nhưng chi phí thuê mặt bằng vùng viên của Á Châu cũng không cao. Cùng số lượng học viên khá lớn cho 1 địa điểm (600 học viên), Á Châu có thể tận dụng lợi thế quy mô (economies of scale) trong kinh doanh.

Shark Hưng là người đưa ra đề nghị đầu tiên với mức đề nghị 10% cổ phần. Số tiền đầu tư sẽ dựa trên định giá sau kiểm toán là 1,38 lần với vốn chủ sở hữu. Lý do Shark Hưng không chốt con số cụ thể là vì Á Châu chưa thể đưa ra con số cụ thể và chắc chắn về vốn chủ sở hữu ở thời điểm này của mình. Shark Liên trong khi đó từ chối đầu tư do chưa cảm thấy yên tâm về startup này. Shark Erik cũng có quyết định tương tự.

Shark Hùng Anh đưa ra đề nghị đầu tư 1 triệu USD đổi lại 12% cổ phần hoặc 1,5 triệu USD cho 20% cổ phần công ty. Về phần mình, sau khi đặt ra câu hỏi cho startup về triết lý sống liên quan đến lời hứa, Shark Bình đề nghị đầu tư 1 triệu USD cho 11% cổ phần. Thực tế, hiện tại Shark Bình cũng đang đầu tư vào một startup giáo dục công nghệ cho trẻ em với khoảng 30 chi nhánh trên toàn quốc. Do đó, ông cho biết mình cũng có kinh nghiệm trong triển khai chuỗi ở mảng giáo dục.

Sau khi tất cả các Shark đã đưa ra đề nghị đầu tư và startup có thời gian cân nhắc, Shark Hùng Anh bất ngờ rút tấm vé vàng 100 triệu đồng để giành quyền thương thuyết với startup. Sau động thái này, startup nhành chóng nhận đề nghị đầu tư của Shark Hùng Anh.

Nam Khánh

Thị trường phân hóa, VN-Index tiếp tục giằng co quanh ngưỡng 1.200 điểm
Dòng ngân hàng có tín hiệu hồi phục đầu tiên với VBB tăng hết biên độ lên 11.100 đồng/cp. Cùng chiều, giao dịch khởi sắc còn được chứng kiến ở SHB (+2,3%), ABB (+1,3%), VCB (+1,2%), KLB (+0,9%), BID (+0,3%), …