|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Từng mua lại các startup như 'đi chợ', tại sao hoạt động thâu tóm, sáp nhập của Apple bỗng dưng chậm lại?

08:07 | 09/08/2022
Chia sẻ
Với khối tiền mặt khổng lồ trong tay, Apple từng nổi tiếng với việc chăm chỉ thâu tóm các công ty nhỏ.

Apple từng thâu tóm một công ty mỗi 3 – 4 tuần. Dù vậy, tốc độ thâu tóm của Apple đã chậm đi đáng kể trong 2 năm trở lại đây trong một thái cho thấy Apple đã cẩn trọng và có tính chọn lựa kỹ lưỡng hơn dưới bối cảnh điều kiện kinh tế thiếu ổn định và cơ quan điều hành quản lý nghiêm ngặt.

Apple chỉ chi 33 triệu USD cho các khoản thanh toán liên quan đến hoạt động thâu tóm, sáp nhập trong năm tài chính gần nhất và 169 triệu USD trong 9 tháng đầu tiên của năm tài chính hiện tại. Con số này giảm mạnh so với khoản chi 1,5 tỷ USD vào năm tài chính 2020, theo Bloomberg.

 Chi cho hoạt động thâu tóm, sáp nhập của Apple qua các năm (đơn vị: triệu USD). (Nguồn: Apple, Bloomberg, Đồ hoạ: Thái Sơn). 

Apple nổi tiếng với việc luôn tránh các thương vụ thâu tóm “bom tấn” vốn vẫn được các công ty ở Thung lũng Silicon yêu thích. Thay vào đó, Apple tập trung mua lại các startup hứa hẹn mà một trong số đó trở thành nền tảng cho các tính năng quan trọng của Apple như Siri hay FaceID. Tháng 2 năm ngoái, Tim Cook, CEO Apple, nói rằng Apple đã thâu tóm 100 công ty trong 6 năm trở lại đây, tương đương tốc độ trung bình một công ty mỗi tháng.

Dù vậy, tốc độ thâu tóm của Apple đã chậm lại tới mức độ nhỏ giọt, theo Bloomberg. Apple chỉ thực hiện 2 đợt thâu tóm công khai trong năm 2022 là Credit Kudos và AI Music. Trong đó, Credit Kudos là công ty phát triển công nghệ tính toán điểm tín dụng nhiều khả năng sẽ đóng vai trò trong việc hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho các sản phẩm tài chính, còn AI Music là startup sử dụng trí tuệ nhân tạo để sản xuất nhạc “may đo”.

Thương vụ thâu tóm đáng chú ý duy nhất của Apple được công bố trong năm 2021 là Primephonic, một dịch vụ streaming nhạc cổ điển.

Cùng thời điểm, nhiều đối thủ của Apple không ngần ngại vung tiền để thực hiện các thâu tóm. Hồi tháng 1, Microsoft đồng thuận thâu tóm Activision Blizzard Inc với giá 69 tỷ USD. Google đang mua lại Madiant Inc với giá 5,4 tỷ USD. Trong khi đó, vào tuần trước, Amazon đồng ý mua lại IRobot Corp, nhà sản xuất máy hút bụt Roomba, với giá 1,65 tỷ USD.

Dĩ nhiên, với số tiền mặt 179 tỷ USD đang nắm giữ vào cuối quý trước, Apple có đủ nguồn lực để thực hiện thâu tóm nhiều và nhanh nếu muốn. Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, Apple đã lựa chọn dùng tiền để mua lại cổ phiếu và trả cổ tức.

Bên cạnh đó, Apple cũng nhìn nhận rằng việc thâu tóm ở thời điểm hiện tại tiềm ẩn nhiều tủi ro bao gồm “không thể xin được phê duyệt của cơ quan quản lý đúng thời gian hoặc thậm chí không thể xin được phê duyệt”. Hiện tại, Apple cũng đang nằm trong tầm ngắm của các nhà quản lý vì các hành vi liên quan đến App Store và việc không muốn mở cửa tính năng chạm để thanh toán với các dịch vụ bên ngoài.

Những công ty công nghệ lớn khác cũng đang bị để ý. Hồi tháng 7, Uỷ ban Thương mại Liên bang (FTC) kiện Meta để dừng thau tóm Within, một nhà phát triển ứng dụng luyện tập cho các thiết bị đeo thực tế ảo. Đến tháng 2, Nvidia dừng một trong những thương vụ thâu tóm lớn nhất trong ngành chip sau khi FTC kiện để dừng thương vụ này lại.

Trong một báo cáo vào năm 2021, FTC nói rằng 5 trong số các công ty công nghệ lớn nhất bao gồm Alphabet, Apple, Amazon, Microsoft và Meta đã thâu tóm hàng trăm công ty nhỏ hơn trong 10 năm qua. Các công ty này thường lợi dụng các lỗ hổng trong luật pháp để tránh thông báo với các cơ quan điều hành về thương vụ mua lại.

Hiện tại, việc Apple đang lên kế hoạch giảm chi tiêu trong năm tới có thể cũng sẽ tiếp tục làm giảm tốc hoạt động thâu tóm, sáp nhập. Tháng trước, Bloomberg đưa tin rằng Apple đang giảm tốc tuyển dụng và chi tại một số phòng ban.

Tính đến thời điểm hiện tại, khoản thâu tóm lớn nhất của Apple vẫn là khoản chi 3 tỷ để thâu tóm Beats Music và Beats Electronics vào năm 2014. Sau đó, các nhà phân tích và các nhà đầu tư đã từng đưa ra nhiều nhận định về các thương vụ đình đám hơn, ví dụ như khả năng Apple mua lại Netflix, Tesla hay Electronic Arts.

Hồi năm 2019, Apple điều chỉnh cấp bậc quản lý để giám đốc thâu tóm – sáp nhập Adrian Perica báo cáo trực tiếp cho Tim Cook. Nhiều người nhìn nhận động thái này là một dấu hiệu cho thấy Apple sẽ đẩy mạnh hoạt động thâu tóm hơn. Năm đó, Apple chi hơn 600 triệu USD cho một số khoản thâu tóm nhỏ và đồng ý mua lại mảng kinh doanh chip không dây của Intel vói giá 1 tỷ USD.

Trong 2 buổi báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh gần nhất, Tim Cook đều được hỏi về hoạt động thâu tóm của Apple. Tim Cook nhấn mạnh Apple vẫn đang tìm kiếm đối tượng song sẽ không sáp nhập để chỉ có thêm doanh thu. Apple muốn có thêm nhân sự tài năng và công nghệ có thể bổ sung thêm cho chiến lược của mình.

Hồi tháng 4, Tim Cook cho biết ông không loại trừ khả năng thực hiện một khoản sáp nhập lớn nếu như cơ hội đến. “Tôi không muốn nói về danh sách này qua điện thoại nhưng chúng tôi luôn tìm kiếm”, ông chia sẻ.

Nam Khánh