|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup mở hàng Shark Tank mùa 5 được Shark Liên chốt deal, nhưng yêu cầu 'cá mập' phải ký quỹ trước, sau thẩm định không đạt sẽ hoàn tiền

06:39 | 06/06/2022
Chia sẻ
Startup EM & AI mang tới một giải pháp voicebot AI giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí nhân lực cho khâu chăm sóc khách hàng, bán hàng qua điện thoại.

 Đại diện starup EM & AI. (Ảnh chụp màn hình).

Startup đầu tiên mở tài khoản tại Shark Tank Việt Nam mùa 5 gọi tên EM & AI, một dự án khởi nghiệp mang tới giải pháp ứng dụng công nghệ AI trong khâu chăm sóc khách hàng. Xuất hiện trong tập đầu tiên của Thương vụ Bạc tỷ (Shark Tank) mùa 5, CEO founder Lê Ngọc Trí cùng ông Võ Hữu Trường Ân, phụ trách sản phẩm của EM & AI mong muốn gọi 1 triệu USD cho 5% cổ phần của công ty để phục vụ tham vọng toàn cầu.

Startup nhận ra các doanh nghiệp trong giai đoạn hậu COVID-19 đang chi rất nhiều tiền cho chăm sóc khách hàng, bán hàng qua điện thoại... nhằm tìm kiếm khách hàng cũng như mở rộng thị trường. Theo khảo sát từ EM & AI, quy mô khách hàng trả tiền cho giải pháp voice AI tại Việt Nam là hơn 240 triệu USD. 

Đồng thời, EM & AI cũng nhận thấy tiềm năng từ một thị trường toàn cầu trị giá 23,5 tỷ USD. Vì thế, startup cũng đang đẩy mạnh quá trình R&D, phát triển phiên bản tiếng Anh nhằm tham chiến thị trường quốc tế.

Từ tháng 3/2022, EM & AI đã bắt đầu đưa giải pháp bot AI của mình ra thị trường. Hiện tại, startup đã có hơn 30 khách hàng, thực hiện 10.000 cuộc hội thoại mỗi ngày. Theo EM & AI, công nghệ bot AI của họ có khả năng phân tích và nắm bắt được cảm xúc của người nói, đồng thời startup cũng lấy ví dụ về một dự án BĐS được công nghệ AI của EM & AI thực hiện.

Cụ thể, nhờ giải pháp của mình, EM & AI đã giúp khách hàng rút ngắn khối lượng công việc từ 1 tháng xuống còn 2-3 ngày; lượng nhân sự thực hiện trước kia phải tốn đến 7 người thì giờ chỉ cần 1 bot AI thực hiện và chi phí chỉ tốn 20% so với trước kia.

Theo chia sẻ từ CEO Lê Ngọc Trí, EM & AI thực hiện thu phí theo hai hình thức là định kỳ 6-12 tháng hoặc thu phí theo cam kết. Hiện startup đã đóng gói dịch vụ của mình theo hệ sinh thái từ huấn luyện AI đến hỗ trợ nhân viên chăm sóc khách hàng,...

Là nhà đầu tư quan tâm tới công nghệ, Shark Bình nhận thấy AI của EM & AI chưa được tự nhiên, dễ bị phát hiện là bot và phát sinh tỉ lệ rơi bỏ cao (churn-rate). Chủ tịch HĐQT Tập đoàn NextTech bày tỏ quan ngại khi so sánh công nghệ của startup với các đơn vị lớn ở nước ngoài. 

Dù thừa nhận trải nghiệm người dùng chưa được tốt nhưng CEO EM & AI tự tin với công nghệ của mình. "Hệ thống do chúng tôi xây dựng được ra mắt hồi 18/3 nhưng đã có hơn 30 khách hàng, trong đó 4 đơn vị lớn ở nước ngoài đã tái ký hợp đồng", ông Lê Ngọc Trí nói. Vị CEO cho biết startup đã làm chủ hoàn toàn công nghệ của họ.

Khởi nghiệp EM & AI từ năm 2017, startup đã huy động được hơn 1,8 triệu USD tiền mặt đầu tư, vòng gọi vốn gần nhất là 500.000 USD (2019) với mức định giá 6-7 triệu USD. Chưa kể, số tiền thu được từ các giải thưởng công nghệ là 8 tỷ đồng cũng được rót vào để phục vụ dự án. Đội ngũ sáng lập viên làm việc không lương trong suốt thời gian khởi nghiệp trong suốt 5 năm.

Trả lời câu hỏi về chi phí thực hiện voice AI của Shark Lê Hùng Anh, ông Trí cho biết mức giá sẽ tùy vào độ phức tạp mà khách hàng yêu cầu. Đồng thời, CEO EM & AI nhấn mạnh rằng công nghệ voice bot AI chỉ là một mảng nhỏ trong hệ sinh thái của startup và họ đã được các ông lớn như Google, Microsoft đánh giá cao giải pháp đánh giá nhân viên chăm sóc khách hàng trên thời gian thực.

"Bây giờ em nhắm có được bao nhiêu khách hàng?... Giờ mình là dân kỹ thuật nhưng cũng phải chú tâm kiếm tiền, chứ giờ mình nói thao thao bất tuyệt về công nghệ là mấy anh ở đây không có ham rồi". Shark Hùng Anh nói.

Ông Trí dự kiến cuối năm 2022, EM & AI sẽ có doanh thu đạt mức 500.000 USD và khi triển khai dự án voice bot từ tháng 3 đến nay, startup đã đạt hơn 330 triệu doanh thu. Song, chi phí cho nhà mạng đã ngốn hơn 500.000 USD/năm.

"Em thử tính bao giờ anh thu hồi được vốn?', Shark Hưng đặt câu hỏi.

"Shark đợi vòng gọi vốn tiếp theo để bán lại cổ phần hoặc đợi đến cuối năm 2024, tụi em sẽ tiến hành IPO. Dự kiến đến tháng 3/2023, startup sẽ đạt điểm hòa vốn (break-even) và ở thị trường Việt Nam hiện tại, tụi em chưa có đối thủ về giải pháp bot AI tương tác 2 chiều", CEO EM & AI tự tin.

Theo Shark Hùng Anh, bức tranh tài chính mà startup nêu ra hoàn toàn là thua lỗ và vị cá mập lo ngại startup sẽ tiếp tục đốt tiền mà không có lãi. "Cái quan trọng của startup là phải hình dung khi nào mình có lãi chứ không phải công nghệ, cái này anh không làm được thì người khác sẽ làm. Với những số liệu đó thì em tính IPO trong 2 năm kiểu gì?", ông Hùng Anh nêu quan điểm.

Với những số liệu đã nêu ra, Shark Phú là người đầu tiên từ chối tham gia, người tiếp theo là Shak Hùng Anh do lo ngại về cách quản trị tài chính của đội ngũ startup. Shark Hưng cũng từ chối deal vì hiện đang là khách hàng của EM & AI.

Trong khi đó, Shark Bình cho rằng cái quan trọng của doanh nghiệp làm AI là dữ liệu. "Kẻ nắm được dữ liệu là người chiến thắng. Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam phải mua dữ liệu từ nước ngoài với giá cắt cổ từ Google, Facebook... Với thị trường này, một người làm tốt nhất sẽ giành lấy thị trường, anh lo sợ startup của các em sẽ khó cạnh tranh được về mặt sản phẩm. Chưa kể, mức định giá của các bạn đang rất cao so với rủi ro về dữ liệu, vì thế anh sẽ không đầu tư", Shark Bình cũng từ chối tham gia deal.

Shark Liên là người cuối cùng. Với nhu cầu cần một đội ngũ công nghệ bên cạnh mình, vị cá mập đưa ra offer là 1 triệu USD cho 35% cổ phần nhưng phía EM & AI không chấp nhận giảm giá đề nghị ban đầu. Thay vào đó, CEO Lê Ngọc Trí đề nghị Shark Liên ký quỹ trước 100.000 USD và sau hai tháng thẩm định KPI, nếu startup không đạt thì sẽ hoàn trả lại tiền.

Thậm chí, startup chấp nhận bị từ chối kể cả khi đạt KPI. Với mong muốn cùng nhau đi xa, EM & AI đã thuyết phục được Shark Liên đầu tư. Thương vụ thành công đầu tiên của Shark Tank Việt Nam mùa 5 thuộc về Shark Liên và EM & AI.

Vượng Phát

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.